Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có sáu trường hợp tử vong tại Bình Phước, Bình Thuận, Khánh Hòa, Quảng Bình, Tiền Giang, TP.HCM.

Bộ Y tế nhận định, hiện nay là mùa cao điểm dịch, số mắc nhiễm tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Số ca sốt xuất huyết tăng cao, Bộ Y tế khuyến cáo người dân chủ động phòng bệnh - Hình 1

Phun thuốc diệt muỗi để phòng bệnh sốt xuất huyết

Theo các chuyên gia y tế, trong tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp như hiện nay, cách phòng chống tốt nhất vẫn là diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt. Một người có thể bị nhiễm sốt xuất huyết nhiều lần, vì vậy những người đã từng mắc bệnh cũng không được chủ quan.

Hiện nay các xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết được chia ra làm hai nhóm: nhóm tìm kháng nguyên và nhóm tìm kháng thể kháng virus Dengue. Tùy từng loại xét nghiệm mà sẽ có chỉ định cho từng thời điểm khác nhau của bệnh, các xét nghiệm tìm kháng nguyên thường được thực hiện trong vòng năm ngày đầu của bệnh, còn các xét nghiệm tìm kháng thể thường được thực hiện kể từ ngày thứ sáu trở đi của bệnh.

Sốt xuất huyết không lây trực tiếp từ người sang người mà thông qua muỗi truyền. Muỗi có thể hút máu của người mắc bệnh rồi truyền bệnh khi đốt sang người khác hoặc truyền virus cho đời con, cháu của muỗi để tiếp tục truyền bệnh sang người.

Vì vậy việc diệt muỗi và ngăn ngừa muỗi đốt quan trọng hơn rất nhiều so với việc giữ gìn, cách ly người bệnh.

Hiện tại, Viện Pasteur TP.HCM vẫn đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với với nhà tài trợ để cập nhật đầy đủ kết quả nghiên cứu vắc xin ngừa bệnh sốt xuất huyết đến các đối tượng tình nguyện tham gia và hoàn tất các thủ tục, chuẩn bị nghiệm thu kết thúc nghiên cứu tại Việt Nam.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau để phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh.

Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối, dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.

Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên để ngăn muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...

Khi bị sốt thì phải đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Hằng Vương(t/h)