Riêng tại huyện Tủa Chùa, Điện Biên, trong tháng 5 vừa qua, ghi nhận 3 ổ dịch với 13 ca mắc. Các ca này đều liên quan tới việc tham gia giết mổ và sử dụng thịt của trâu, bò ốm chết. Tất cả hiện đang được theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế. Hơn 100 người khác liên quan tới ổ dịch đã được lập danh sách theo dõi. Sức khỏe hiện vẫn ổn định.

Để chủ động phòng, chống lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế gửi công văn số 616/DP-DT đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Điện Biên chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe của những người tham gia giết mổ, sử dụng cùng nguồn thịt trâu, bò với các trường hợp mắc nói trên và những người tiếp xúc gần với ca bệnh, nhằm dự phòng, điều trị kịp thời; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh than; xử lý môi trường tại khu vực ổ dịch theo quy định.

Bệnh than có dấu hiệu gia tăng ở miền núi phía Bắc
Bệnh than có dấu hiệu gia tăng ở miền núi phía Bắc

Các đơn vị tăng cường phối hợp với cơ quan thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện bệnh than trên động vật để có các biện pháp dự phòng kịp thời trên người; phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch than trên động vật.

Bên cạnh tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh than từ động vật sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao, những người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ trâu, bò. Các địa phương khuyến cáo người dân không giết mổ, sử dụng thực phẩm từ trâu, bò, ngựa ốm chết, không rõ nguồn gốc.

Theo Bộ Y tế, tại Việt Nam, bệnh than thường lưu hành ở các tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang vẫn ghi nhận rải rác một số trường hợp mắc bệnh than trên người. Trung bình giai đoạn 2016-2022, toàn quốc ghi nhận 7 ca/năm và không có ca tử vong.

Bộ Y tế nhận định, so với trung bình số mắc 5 năm gần đây, bệnh than hiện đang có dấu hiệu gia tăng tại khu vực miền núi phía Bắc, do các nguyên nhân sau:

Bệnh than hiện vẫn là bệnh lưu hành trên đàn gia súc và trên người ở một số tỉnh miền núi phía Bắc Việt Nam bao gồm Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Thái Nguyên, Hà Giang là những khu vực có địa hình đồi núi hiểm trở là một trong những trở ngại lớn trong việc tiếp cận thông tin liên lạc cũng như hạn chế các hoạt động giám sát và phòng chống dịch. 

Mầm bệnh tồn tại bền vững và lâu dài trong môi trường như đất, nước dẫn đến nguy cơ tiếp tục lây lan cho đàn gia súc và từ đó làm tăng nguy cơ lây sang người. Bệnh liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm và vệ sinh giết mổ động vật. 

Tại khu vực ổ dịch, người dân chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên khả năng tiếp cận với truyền thông về các biện pháp phòng, bệnh còn hạn chế do các rào cản về địa lý, phong tục, tập quán, ngôn ngữ. 

Do đó dẫn đến các hành vi nguy cơ như giết mổ, ăn thịt gia súc chết... hoặc không khai báo cho chính quyền địa phương và bán thịt gia súc ốm, chết cho người dân ở địa phương khác dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh than trên người trong thời gian tới có thể xảy ra.

Thiên Trường