Bệnh nhi 13 tuổi mắc bạch hầu ác tính tử vong sau 17 ngày nhập viện. Ảnh: BSCC.Bệnh nhi 13 tuổi mắc bạch hầu ác tính tử vong sau 17 ngày nhập viện. Ảnh: BSCC.

Đây là ca tử vong thứ 2 trong tổng số 24 ca mắc bạch hầu được ghi nhận ở nước ta từ đầu năm đến nay. Trước đó, bệnh nhi nhập viện vì sốt, ho, đau họng và chưa tiêm ngừa bạch hầu trước đây.

Bệnh nhi nhập viện tại bệnh viện địa phương ngày thứ 3 sau khi mắc bệnh. Khi được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên, bệnh đến ngày thứ 6 nhưng chưa được dùng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu do tình trạng thuốc khan hiếm.

Đến ngày thứ 7, các bác sĩ của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM lên Đắk Lắk hỗ trợ. Qua hội chẩn, các chuyên gia nhận định bé mắc bạch hầu ác tính, biến chứng tim, rối loạn nhịp và suy giảm chức năng co bóp tim. Bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp tim ngay trong đêm.

Sáng 26/6, tình trạng bệnh nhi tiếp tục diễn tiến xấu, các bác sĩ quyết định chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM theo dõi, điều trị…

Sáng nay, bệnh nhi tỉnh táo nhưng diễn tiến rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, suy tim nặng hơn, suy thận mức độ vừa. Bệnh nhi không đáp ứng với các loại thuốc vận mạch liều cao, siêu âm tim thấy tim co bóp rất yếu, nhiều vùng cơ tim loạn động. Đầu giờ chiều cùng ngày, bệnh nhi tử vong.

Trước đó, ngày 20/6, khoa Hồi sức cấp cứu trẻ em, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, tiếp nhận bé gái 9 tuổi (người H’Mông, ngụ huyện Đắk Glong, Đắk Nông) được chẩn đoán bạch hầu ác tính biến chứng tim, thận do Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông chuyển đến.

Các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức cho bệnh nhi. Tuy nhiên, sau 2 giờ cấp cứu, bệnh nhi không qua khỏi.

Theo nhận định của TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bạch hầu là bệnh nguy hiểm, có thể gây chết người và chưa được loại trừ ở nước ta. Tuy nhiên, người dân có thể phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine cho trẻ đúng lịch. Người lớn có thể tiêm nhắc lại vaccine TD (uốn ván - bạch hầu) mỗi 5 năm 1 lần.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu tại một số tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, ngày 2/7, Bộ Y tế đã có Công điện số 3592/CĐ-BYT về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu và tiếp nhận điều trị bệnh nhân bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông đến Sở Y tế các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước.

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan.Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh bạch hầu là hình thành mảng màu xám, dày ở họng và amidan.

Cụ thể, để hạn chế tới mức thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bạch hầu, đồng thời chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tăng cường khám, phát hiện sớm các trường hợp bệnh bạch hầu, cách ly kịp thời các trường hợp mắc, khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài.

Mặt khác, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông chuẩn bị sẵn các khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc, điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục sức khỏe trong cơ sở khám, chữa bệnh và trong cộng đồng để người dân hiểu và chủ động phòng, chống dịch bạch hầu; tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu để chuẩn bị tiếp nhận điều trị các ca bệnh nặng.

Trong trường hợp cần hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu, Sở Y tế tỉnh Đắk Nông có văn bản báo cáo kịp thời về Bộ Y tế.

Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tiếp nhận, điều trị người bệnh bạch hầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của tỉnh Đắk Nông chuyển đến theo đúng quy định về thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm nhóm B, như tiếp nhận và xử lý điều trị cấp cứu.

T.N