Thương mại điện tử tại Việt Nam đã tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Sự đa dạng về mô hình hoạt động, về đối tượng tham gia, quy trình và chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ, với sự hỗ trợ của hạ tầng Internet và ứng dụng công nghệ hiện đại đã đưa thương mại điện tử trở thành trụ cột quan trọng, dẫn dắt nền kinh tế số tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Trong đó, thương mại điện tử xuyên biên giới là xu hướng tất yếu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, mở ra con đường mới cho hoạt động xuất nhập khẩu.
Đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới
Theo báo cáo từ Amazon Global Selling Việt Nam, hơn 17 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt đã được xuất khẩu (XK), giá trị XK tăng 50% và số lượng đối tác bán hàng tăng 40%. Tổng quan, TMĐT xuyên biên giới đã tăng trưởng 28,5% so với năm trước. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp sản xuất trong nước cũng dễ dàng tiếp cận với thông tin, nguồn nguyên liệu sản xuất từ thị trường khác thông qua sử dụng các nền tảng B2B, để từ đó năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt ổn định, bền vững hơn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng trong nước cũng có thể mua sắm các sản phẩm, hàng hóa trên khắp thế giới một cách thuận tiện thông qua các sàn thương mại điện tử B2C xuyên biên giới.
Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương nhấn mạnh: Thương mại điện tử xuyên biên giới không chỉ là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế quốc gia mà còn mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sự phát triển kinh tế của các địa phương đặc biệt là kinh tế cửa khẩu. Nằm ở vị trí đặc biệt trong mạng lưới giao thương quốc tế, tỉnh Lạng Sơn, với hệ thống cửa khẩu, lối mở, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá phong phú, đa dạng và đã được đầu tư hiện đại được xem như cầu nối quan trọng, giúp hàng hóa Việt Nam từ các tỉnh, thành phố khắp cả nước vươn xa tới thị trường Trung Quốc - Đông Bắc Á. Kinh tế cửa khẩu kết hợp thương mại điện tử giúp thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần phát triển thương mại hiện đại, tạo nền tảng vững chắc để Lạng Sơn trở thành một trong những trung tâm thương mại điện tử xuyên biên giới trọng điểm trong khu vực.
Sự kiện hôm nay là cơ hội quý báu để các cơ quan quản lý, DN và các đối tác trong và ngoài nước cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận những giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của TMĐT xuyên biên giới. Đồng thời, chúng tôi cũng mong muốn các chuyên gia trong và ngoài nước chia sẻ các kinh nghiệm về chính sách, giải pháp thực tiễn ứng dụng thương mại điện tử xuyên biên giới tại các thị trường quốc tế qua đó giúp cho các doanh nghiệp hai bên dễ dàng triển khai và áp dụng thành công.
Thông tin tại hội thảo về thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc, ông Lý Kiến Lương, Tuần thị viên cấp 2, Sở Thương mại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại điện tử xuyên biên giới giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam, Quảng Tây đang tích cực thúc đẩy nâng cấp các cửa khẩu, lối thông quan thông suốt. Hiện nay, thương mại điện tử xuyên biên giới của Quảng Tây đã kết nối với hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn cầu, chúng tôi đã tập trung xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi phục vụ cho cả thị trường tuần hoàn kép trong nước và quốc tế, kết hợp với các chính sách ưu đãi của khu vực thí điểm thương mại điện tử xuyên biên giới. Triển vọng phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Trung Quốc (Quảng Tây) và Việt Nam rất rộng mở.
Lạng Sơn là mắt xích quan trọng trong phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc
Đối với tỉnh Lạng Sơn, thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang phát triển nhanh chóng. Đến nay, Lạng Sơn có 20.984 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử, đứng thứ 02 toàn quốc; có 48.920 giao dịch thành công, đứng thứ 04 toàn quốc. Có 228.099 số hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số, tỷ lệ hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số/hộ gia đình đạt 93% đứng thứ 3 toàn quốc. Các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai, ứng dụng dịch vụ thanh toán mới, hiện đại theo xu hướng phát triển ngân hàng số, mở rộng thanh toán điện tử, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ, phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đến nay, tỉnh Lạng Sơn hiện có trên 72% dân số trưởng thành có tài khoản thanh toán điện tử; có 5.279 điểm cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử và nạp rút tiền mặt do VNPT và Viettel cung cấp; trên 90% điểm kinh doanh cố định có dịch vụ thanh toán điện tử qua mã QR Code.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thanh Sơn chia sẻ: Tỉnh Lạng Sơn là cửa ngõ trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc và ngược lại, những thuận lợi về vị trí địa lý cùng mối quan hệ hợp tác về kinh tế giữa tỉnh Lạng Sơn và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc, chính là đòn bẩy để phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử qua biên giới.
Cùng với những kết quả tích cực đã đạt được trong phát triển kinh tế số, những thế mạnh nổi bật về kinh tế cửa khẩu và dịch vụ logistics qua biên giới, tỉnh Lạng Sơn chính là mắt xích quan trọng trong phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tỉnh Lạng Sơn rất hoan nghênh, chào đón và sẵn sàng hỗ trợ các quý doanh nghiệp trong và ngoài nước đến khảo sát, tìm hiểu và đầu tư, hợp tác với doanh nghiệp của tỉnh Lạng Sơn về kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử quốc tế và các dịch vụ như logistics, xuất nhập khẩu, tài chính ngân hàng.
Hội thảo là một minh chứng rõ nét cho quyết tâm của tỉnh Lạng Sơn trong việc đẩy mạnh hợp tác thương mại điện tử với các đối tác, đặc biệt là doanh nghiệp Trung Quốc, hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa bền vững thông qua các nền tảng số. Hội thảo sẽ giúp tỉnh Lạng Sơn tiếp tục phát huy hiệu quả những lợi thế, tiềm năng để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư và các doanh nghiệp.
Để tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số của doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác phát triển thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Phó Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn, Liễu Anh Minh đưa ra một số giải pháp cụ thể như: Tăng cường triển khai các chiến lược phát triển dịch vụ logistics và khai thác, quản lý hiệu quả hạ tầng thương mại biên giới đã được đầu tư tại các khu vực cửa khẩu, trong đó tập trung thực hiện Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hạ tầng dịch vụ chuyển phát và hạ tầng logistics trong thương mại điện tử, từ đó sẽ giúp thông suốt các quy trình phân phối, xuất khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí, thời gian và nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa và cho doanh nghiệp. Việc này cũng đóng vai trò trọng yếu cho việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới tại tỉnh Lạng Sơn.
Triển khai chuyển đổi số toàn diện, phát triển đồng bộ hệ sinh thái số với các nền tảng chung; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và chuyển giao các thành tựu về khoa học kỹ thuật phục vụ thương mại điện tử, xuất nhập khẩu như quản lý nguồn dữ liệu, tự động hóa quy trình vận chuyển, xếp dỡ, phân loại bằng robot, phương tiện tự hành và công nghệ trí tuệ nhân tạo AI giúp cải thiện độ chính xác và giảm thiểu chi phí.
Đặc biệt, thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục tăng cường công tác quản lý của các cơ quan chuyên môn trong lĩnh vực thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh thương mại điện tử minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ hiệu quả quyền và lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử bền vững; tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế về phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương cho doanh nghiệp Việt Nam – Trung Quốc thông qua các hội nghị, hội thảo, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối kinh doanh theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua nền tảng kỹ thuật số, để có thể tìm hiểu về thị trường, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó sẽ có chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Nhiều giải pháp thúc đẩy điện tử xuyên biên giới
Tại Hội thảo, một số lãnh đạo, người đứng đầu của những công ty, đơn vị hàng đầu trong thương mại điện tử, thanh toán điện tử xuyên biên giới… đã có những chia sẻ về giải pháp thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới. Liên quan đến giải pháp cho doanh nghiệp về xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử, bà Nguyễn Phương Thảo, Đại diện Công ty cổ phần tập đoàn OSB (Đại lý ủy quyền của Alibaba tại Việt Nam) nhấn mạnh đến sự cần thiết nâng cao năng lực doanh nghiệp thông qua các chương trình đào tạo; trang bị cho doanh nghiệp kiến thức về các công nghệ mới như Big Data, AI, Blockchain; tăng cường quảng bá các sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực có uy tín lên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Ông Lê Xuân Trường, Giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Chi nhánh Lạng Sơn cho hay, nhất thiết cần tăng cường phát triển hạ tầng công nghệ thanh toán quốc tế phục vụ thương mại điện tử xuyên biên giới; ngoài việc dựa trên các nghiệp vụ truyền thống như tín dụng chứng từ, nhờ thu, chuyển tiền, bảo lãnh, bao thanh toán… cũng cần đưa vào vận hành công nghệ thanh toán quốc tế chuyên biệt như bao thanh toán chuyên biệt, thư tín dụng trả chậm có thể thanh toán ngay (L/C UPAS), chiết khấu nhanh, bảo lãnh thanh toán thuế xuất nhập khẩu.
Trong khuôn khổ Hội thảo đã diễn ra chương trình Tọa đàm với nội dung “Chung tay thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới: Tăng tốc và Bứt phá”. Với nhiều ý kiến chia sẻ khó khăn, vướng mắc của các đơn vị, doanh nghiệp trong kinh doanh và phát triển thương mại điện tử đã được lãnh đạo các bộ, ngành, các đơn vị liên loan giải đáp kịp thời. Qua đó, góp phần thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam nói chung và Lạng Sơn nói riêng được phát triển, tăng tốc và bứt phá.
Triệu Thành