Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn Lưu Bá Mạc cho biết: Trong những năm qua, du lịch Lạng Sơn được quan tâm đầu tư, phát triển và đạt được những kết quả quan trọng: Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch được thực hiện hiệu quả, đã huy động được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch, trong đó có những tập đoàn có kinh nghiệm và tiềm lực lớn đã và đang nghiên cứu, triển khai nhiều dự án quan trọng trên địa bàn tỉnh; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật đã được quan tâm đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch; thị trường du lịch đã được mở rộng.
Nguồn nhân lực phục vụ du lịch được từng bước nâng cao; sản phẩm du lịch phát triển với một số loại hình du lịch đặc trưng có sức cạnh tranh cao, dần khẳng định thương hiệu và hình ảnh du lịch của tỉnh; công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm, bước đầu đã tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch. Ngành du lịch từng bước khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Hiện Lạng Sơn có tổng số hơn 300 cơ sở lưu trú với 4.072 buồng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 3 sao với tổng số 421 buồng, còn lại là các loại hình lưu trú du lịch đủ điều kiện tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Nguồn nhân lực du lịch có khoảng trên 8.500 lao động, trong đó có khoảng trên 4.400 lao động trực tiếp đã được đào tạo cơ bản.
Kết quả, năm 2023, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 3,92 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 34.500 lượt, khách nội địa đạt trên 3,8 triệu lượt, doanh thu ước đạt 3.135 tỷ đồng, đóng góp 4,8% GRDP toàn tỉnh. Ước tính năm 2024, lượng khách du lịch đến Lạng Sơn đạt 4,21 triệu lượt người, trong đó, khách quốc tế 142,5 nghìn lượt, khách trong nước trên 4 triệu lượt, doanh thu ước đạt 4.350 tỷ đồng.
Hội thảo cũng chỉ ra những hạn chế, khó khăn đối với việc phát triển du lịch của Lạng Sơn như: Việc tổ chức khai thác các tiềm năng du lịch còn nhiều hạn chế, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch chất lượng cao, mang tính độc đáo, có sức cạnh tranh cao; tính mùa vụ còn rất rõ rệt, đóng góp của ngành du lịch trong tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh chưa cao, sự phát triển du lịch của tỉnh nhà chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và các nhà đầu tư trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay và chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Tại Hội thảo, nhiều nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp về du lịch trên cả nước đã mang đến nhiều tham luận tập trung các vấn đề chủ yếu như: Nhận định vị trí vai trò của du lịch Lạng Sơn trong phát triển du lịch của vùng cũng như của cả nước; đánh giá thực trạng phát triển du lịch sản phẩm du lịch của tỉnh, những tồn tại, hạn chế, xác định nguyên nhân, trong đó nguyên nhân nào là điểm nghẽn cần tháo gỡ để thúc đẩy du lịch phát triển. Đồng thời, các đại biểu cũng đưa ra nhiều định hướng phát triển du lịch, sản phẩm du lịch của tỉnh, xác định đâu là sản phẩm tiêu biểu, độc đáo, định vị thành thương hiệu du lịch Lạng Sơn, có khả năng cạnh tranh cao; định hướng công tác xúc tiến quảng bá thương hiệu du lịch Lạng Sơn, trong đó xác định những định hướng nào mang tầm chiến lược, lâu dài, cần tập trung thực hiện.
Với quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch nhanh, bền vững, xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, tỉnh Lạng Sơn đã và đang tiếp tục nghiên cứu những cơ chế, chính sách, giải pháp toàn diện nhằm thúc đẩy du lịch. Hội thảo “Phát triển sản phẩm du lịch và nhận diện, quảng bá thương hiệu sản phẩm du lịch Lạng Sơn đến năm 2030” có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ về lý luận mà còn có giá trị thực tiễn góp phần quan trọng vào thực hiện thành công mục tiêu phát triển du lịch tỉnh Lạng Sơn trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030 và có đóng góp lớn trong phát triển tổng thể kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Triệu Thành