Sáng 3/12, tại Lạng Sơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức Diễn đàn kết nối giao thương xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam - Trung Quốc. Tham dự diễn đàn có ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN &PTNT), lãnh đạo các Bộ, ban, ngành trung ương, địa phương; đại diện lãnh đạo chính quyền thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Triết Giang; Sùng Tả, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).

Trung Quốc là thị trường quan trọng

Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết: Sau khi ký kết bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp tháng 9/2023, Bộ NN&PTNT Việt Nam và chính quyền nhân dân tỉnh Quảng Tây đã có những kết quả bước đầu đáng khích lệ.

Thứ trưởng Trần Thanh Nam (giữa) phát biểu, trao đổi một số vấn đề mà doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Trung Quốc quan tâm (ảnh: Duy Chiến).
Thứ trưởng Trần Thanh Nam (giữa) phát biểu, trao đổi một số vấn đề mà doanh nghiệp hai nước Việt Nam, Trung Quốc quan tâm (ảnh: Duy Chiến).

Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất và là thị trường xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản quan trọng của Việt Nam. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Trung Quốc chiếm 1/4 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là một trong những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc với thế giới và là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN.

Về xuất nhập khẩu hàng nông - lâm - thủy sản, có sự tăng trưởng đều trong năm 2023 và 11 tháng năm nay có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 16 tỷ USD (tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng đến 29% đến 40% so với cùng kỳ các năm 2020 và 2021), trong đó xuất khẩu đạt 12,2 tỷ USD (tăng 11%), các mặt hàng tăng trưởng mạnh như rau quả xấp xỉ 4,1 tỷ USD tăng 28,7%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,7 tỷ USD tăng 22,3%; thủy sản đạt 1,4 tỷ USD tăng 23,2%. Một số mặt hàng xuất khẩu khác như sắn, cao su, gạo, hạt điều, cà phê, chè, thức ăn gia súc, sản phẩm mây tre cói thảm.

Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng đã mở cửa thị trường cho rất nhiều sản phẩm trái cây, sản phẩm có nguồn gốc động vật (sữa, tổ yến, khỉ nuôi, cá sấu) và thủy sản…

Các đại biểu tham dự diễn đàn.
Các đại biểu tham dự diễn đàn.

“Năm 2025, dự báo bên cạnh những cơ hội khi tình hình xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa nông sản qua cửa khẩu biên giới Việt - Trung được cải thiện. Có rất nhiều các khó khăn thách thức trong bối cảnh mới cần trao đổi, tháo gỡ như: Biến động khó lường về các yếu tố chính trị, xung đột vũ trang; biến đổi khí hậu; xu hướng giảm cầu trên thế giới; quy định về kỹ thuật và thủ tục xuất nhập khẩu ngày càng chặt chẽ.

Sự cạnh tranh giữa các nước trong khu vực, các yêu cầu về chuẩn hóa sản phẩm, quy trình sản xuất và yêu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng cao; một số mặt hàng có tiềm năng chưa được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc như bưởi, bơ, na, vú sữa, dược liệu...; thông tin thị trường, thông quan chưa chuyển tải kịp thời, tổ chức kết nối sản xuất với thương lái, doanh nghiệp chế biến xuất khẩu chưa chặt chẽ...", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói.

Nông - lâm - thủy sản là thế mạnh

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh chia sẻ, trong những năm qua, tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý hiệu quả và hỗ trợ, tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là đối với mặt hàng nông - lâm - thủy sản thế mạnh của Việt Nam, chiếm khoảng 75-80% giá trị kim ngạch hàng hóa xuất khẩu mở tờ khai tại tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh mong muốn thông qua diễn đàn, hai bên sẽ kết nối, phát triển xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Lương Trọng Quỳnh mong muốn thông qua diễn đàn, hai bên sẽ kết nối, phát triển xuất nhập khẩu nông - lâm - thủy sản.

Theo ông Quỳnh, tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường thu hút đầu tư xây dựng và nâng cấp hạ tầng giao thông, từng bước thực hiện và hoàn thiện giao thông liên vùng và quốc tế. Tuy nhiên doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản trong nước cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đến từ sự cạnh tranh của các nền sản xuất trong khu vực và những yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, để triển khai các giải pháp trong thời gian tới, nhằm cụ thể hóa những nội dung của bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp giữa Bộ NN&PTNT và Quảng Tây nói chung và khung hợp tác giữa hai tỉnh Lạng Sơn - Quảng Tây nói riêng, đề nghị các bộ, ngành trung ương, các địa phương, đơn vị trực thuộc thuộc Bộ NN&PTNT, Hiệp hội doanh nghiệp thực hiện 3 nhiệm vụ chính.

Cụ thể, tiếp tục đàm phán, mở cửa và xử lý tháo gỡ vướng mắc, duy trì phát triển thị trường; tập trung tổ chức lại chuỗi sản xuất theo ngành hàng cụ thể gắn với các vùng chuyên canh liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu để xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; khẩn trương, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương để đảm bảo cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi phục vụ xuất khẩu; minh bạch hóa thông tin với các vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở đóng gói theo mùa vụ, thời vụ; chuẩn hóa về chất lượng sản phẩm và quy trình sản xuất.

Đặc sản na Lạng Sơn được trưng bày tại diễn đàn.
Đặc sản na Lạng Sơn được trưng bày tại diễn đàn.

Ông Nam cũng nhấn mạnh cần tăng cường sự phối hợp giữa nhà nước, hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp để sử dụng hiệu quả các nguồn lực trong xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông lâm thủy sản.

Trong năm 2025 và các năm tới, tiếp tục quan tâm phát triển thị trường Trung Quốc theo hướng bền vững, chất lượng. Bên cạnh duy trì giao thương, kết nối thúc đẩy xuất khẩu vào các khu vực thị trường phía Nam thông qua đường biên giới đất liền, cần nghiên cứu tiếp cận kênh phân phối tại thị trường các tỉnh phía Bắc của Trung Quốc và liên kết với doanh nghiệp bạn để tham gia mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới nhằm cung cấp sản phẩm, dịch vụ đến tay người tiêu dùng cuối cùng.