Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Tây Ban Nha Pedro Sanchez, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đã có buổi làm việc với bà Amparo Lopez, Quốc vụ khanh Thương mại Bộ Kinh tế, Thương mại và Doanh nghiệp Tây Ban Nha về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương.

Hai bên đánh giá buổi làm việc rất thực chất và hiệu quả vì đã đi đúng vào trọng tâm, trọng điểm các nội dung cần thúc đẩy trong hợp tác kinh tế song phương. Trong đó bao gồm tăng cường tận dụng lợi thế của Hiệp định EVFTA, đặc biệt đối với vấn đề mở cửa thị trường, hạn chế các rào cản kỹ thuật, đảm bảo tối đa lợi ích của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị Tây Ban Nha và EU cân nhắc đến sự khác nhau về trình độ phát triển giữa hai bên trong quá trình xây dựng và triển khai các quy định mới, từ đó có những quy định tương xứng với các đối tác cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, cũng như các cam kết song phương và đa phương; tăng cường phát huy hiệu quả của cơ chế Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam - Tây Ban Nha do Bộ Công Thương và Bộ Kinh tế, Thương mại và Doanh nghiệp Tây Ban Nha làm đồng chủ tịch. Về vấn đề phòng chống khai thác IUU, Thứ trưởng Phan Thị Thắng khẳng định Việt Nam coi đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đồng thời đã và đang nỗ lực cải thiện xây dựng khung pháp lý, chỉ đạo điều hành, kiểm tra kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các nội dung EC khuyến nghị.

Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị EU xem xét sớm gỡ bỏ cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam trên cơ sở tính đến các khó khăn, khác biệt giữa Việt Nam và EU trong hệ thống pháp luật, năng lực quản lý nghề cá…

Ngoài ra, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng nêu đề xuất về một số lĩnh vực hợp tác tiềm năng khác như công nghiệp chế biến thực phẩm và công nghiệp phụ trợ cho ngành dệt may, da giày; công nghiệp cơ khí chế tạo; phát triển hạ tầng giao thông vận tải và dịch vụ logistics; hợp tác trong nghành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hướng tới phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Quốc vụ khanh Thương mại Bộ Kinh tế, Thương mại và Doanh nghiệp Tây Ban Nha
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng làm việc với Quốc vụ khanh Thương mại Bộ Kinh tế, Thương mại và Doanh nghiệp Tây Ban Nha

Về phần mình, Quốc vụ khanh Thương mại Bộ Kinh tế, Thương mại và Doanh nghiệp Tây Ban Nha đánh giá cao sự hợp tác và đóng góp của Bộ Công Thương trong phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai bên. Quốc vụ khanh cho biết hiện tại doanh nghiệp hai bên đang tận dụng tốt Hiệp định EVFTA và còn tiềm năng hợp tác còn rất lớn và đa dạng; đối với các dự án đầu tư của doanh nghiệp Tây Ban Nha tại Việt Nam, Quốc vụ khanh đề nghị phía Việt Nam xem xét sớm giải quyết các nội dung các doanh nghiệp Tây Ban Nha đề xuất đối với các dự án năng lượng điện tái tạo của doanh nghiệp Tây Ban Nha cũng như một số dự án khác về xử lý nước thải và môi trường.

Năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Tây Ban Nha đã đạt mức kỷ lục 4,7 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Tây Ban Nha đạt 4 tỷ USD, tăng 21%, nhập khẩu từ Tây Ban Nha đạt 716 triệu USD, tăng 14%. Tuy nhiên, trao đổi thương mại song phương chỉ chiếm 0,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam và chỉ chiếm 0,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Tây Ban Nha, cho thấy tiềm năng mở rộng quy mô thương mại giữa hai nước còn rất lớn.

Việt Nam nhập khẩu từ Tây Ban Nha các mặt hàng chính bao gồm dược phẩm; sản phẩm hóa chất; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; chất dẻo nguyên liệu; thức ăn gia súc và nguyên liệu; chế phẩm thực phẩm…

Việt Nam xuất khẩu sang Tây Ban Nha các mặt hàng chính bao gồm hàng dệt, may; giày dép; điện thoại các loại và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép các loại…

Về đầu tư, tính lũy kế đến tháng 12/2024, Tây Ban Nha có 97 dự án đầu tư tại Việt Nam với số vốn đạt 143,9 triệu USD; Việt Nam có 3 dự án đầu tư tại Tây Ban Nha với tổng vốn đạt 64,2 triệu USD. Đến nay, đầu tư FDI của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn, đứng thứ 46/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Tuy đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam hiện còn hạn chế về số lượng dự án nhưng có triển vọng lớn về tiềm năng vốn và chất lượng châu Âu. Tây Ban Nha đã phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) vào tháng 1/2022.

Minh Anh