‘BOT cửa chùa’: Khi ‘thương mại tâm linh’ trên đà nở rộ - Hình 1

Quần thể Trung tâm Văn hoá trúc Lâm Yên Tử (Ảnh: Facebook Hạ Long thả gió)

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Phạm Tuấn Đạt, để thực hiện việc thu phí tham quan Di tích Yên Tử, thành phố đã tổ chức một hội nghị lấy ý kiến với sự tham gia của hơn 300 đại biểu gồm lãnh đạo HĐND, UBND, các ban, ngành, lãnh đạo các xã phường, đại diện Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh; lãnh đạo Công ty CP Phát triển Tùng Lâm. Trong đó, đa số đại biểu nhất trí với việc thu phí, đạt đồng thuận hơn 90%.

Năm 2017, lượng khách đến Yên Tử đạt 1,5 triệu lượt. Dự tính trong năm 2018, con số này sẽ tăng lên tới 1,8 triệu lượt.

Với mức phí được áp dụng, dự tính số tiền thu được từ phí tham quan trong năm 2018 có thể đạt tới 70 tỷ đồng. Số tiền này được cho là sẽ dùng vào việc bù đắp chi phí quản lý, an ninh, bảo vệ môi trường, trùng tu tôn tạo di tích.

Tuy vậy, phần đông người đi lễ hàng năm đều đã đóng góp công đức cho mục đích này. Chưa kể, du khách hành hương đã phải trả phí gửi xe, phí cáp treo, xe điện. Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí tham quan sẽ dẫn đến hiện tượng phí chồng phí, cũng như can thiệp vào việc thực hành tín ngưỡng, tâm linh của người dân.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký khẳng định việc thu phí tham quan Yên Tử được thực hiện đúng luật bởi đây không phải phí đi lễ chùa mà là phí tham quan, được dựa trên quy định của Luật phí và lệ phí. Nhưng khi chùa nằm trong khu di tích thắng cảnh, người dân muốn đi vào chùa không còn cách nào khác là phải vào khu di tích và sẽ phải trả phí tham quan.

‘BOT cửa chùa’: Khi ‘thương mại tâm linh’ trên đà nở rộ - Hình 2

Bảng phí thăm quan Yên Tử (Ảnh: Facebook)

Khi luật được đưa ra để hợp thức hoá các khoản thu, ngay cả với một nơi thuộc về tâm linh tín ngưỡng, nhiều người đã chua xót thấy dường như chốn linh thiêng cũng không thoát khỏi vòng xoáy “thương mại.” Muốn đến nơi cửa Phật giờ đây không chỉ đơn thuần có cái tâm là đủ, mà phải có tiền. Những trạm “BOT cửa chùa” như thế giờ đây sừng sững mọc lên với lý do “chính đáng”, trở thành công cụ để tận thu tiền từ người dân.

Chưa dừng lại ở đó, để khai thác tối đa “tiềm năng” nơi này, người ta đã xây một quần thể Trung tâm Văn hoá trúc Lâm Yên Tử, chính thức đi vào hoạt động trong năm nay. Với kinh phí đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, quần thể kiến trúc này được thiết kế vô cùng quy mô, hoành tráng, được quảng bá sẽ thỏa mãn nhu cầu của các du khách dù khó tính nhất, gồm các hạng mục khu lưu trú, giải trí thuộc phân khúc cao cấp, trị giá ước tính lên đến cả ngàn đô la/đêm tại khu 5 sao với tên gọi “Dưỡng chân tâm.”

Năm xưa vua Trần Nhân Tông trên con đường tìm đạo, đã từ bỏ ngai vàng, châu báu của cải lên núi tu hành. Sau, tương truyền Ông còn nhiều lần vân du, đi khắp nơi giáo hoá dân chúng, dạy dân bài trừ các tập tục mê tín dị đoan và tu dưỡng đức hạnh.

Vậy mà ngày nay, còn mấy người gìn giữ ngọn núi đó để lưu lại con đường tìm đạo cho chúng sinh, để người dân được cảm hoá theo những giáo lý mà vua Trần để lại? Giờ đây, người ta thấy những đám đông là những cơ hội kiếm tiền, mà kiếm tiền từ tâm linh thì còn “siêu lợi nhuận”. Khi ngay cả vị trụ trì khu di tích cũng ủng hộ chủ trương thu phí tham quan danh lam Yên Tử, thì sự “linh thiêng” của nơi này chắc chỉ còn lại trong lịch sử mà thôi.

Chưa bao giờ “thương mại” tâm linh lại phát triển “rực rỡ” như ngày nay. Không chỉ Yên Tử, còn có rất nhiều nơi chốn tâm linh khác ngày càng mạnh dạn “làm kinh tế”. Những hòm công đức, những hạng mục tu sửa, mở rộng ngày một nhiều hơn, kéo theo các loại phí cũng ngày một tăng. Còn nếu xây mới, thì dường như dân chúng đang được xem một cuộc ganh đua danh hiệu khốc liệt. Chùa nào cũng muốn phải có cái gì đấy đạt “kỷ lục” hoặc “nhất” để làm nổi bật mình, cho dù sẵn sàng xẻ núi, chặt cây, phá rừng để xây dựng.

Liệu Thần Phật, những bậc Giác ngộ dạy chúng sinh buông bỏ nhân tâm, dục vọng; hướng chúng sinh đến sự thiện lương, chính trực trên con đường phản bổn quy chân, khai sáng trí huệ có đến phù hộ cho những ngôi chùa đã không còn mang mục đích tu hành chân chính, có độ cho những người chỉ biết cầu xin nhằm thoả mãn dục vọng cá nhân? Câu hỏi này có lẽ không khó để trả lời.

Đó là chưa kể đến một loạt các hình thức tín ngưỡng biến thành nhu cầu tâm linh như cúng sao giải hạn, mua vàng ngày Thần Tài – nơi người dân “tự nguyện” chi tiền để mong cầu giải vận đen, mong cầu tiền tài đến. Sự mơ hồ của người dân với ý nghĩa thật sự của các tập tục, quan niệm tín ngưỡng, cộng thêm tâm lý cảm tính, hành động theo số đông chính là cơ hội để nhiều kẻ trục lợi mặc sức kiếm tiền.

Những “lỗ hổng” tâm linh ấy dường như có một phần căn nguyên từ khoảng trống trong tín ngưỡng tâm linh hàng chục năm qua. Đặc biệt sau những đợt cải cách với hàng loạt chùa chiền, miếu mạo bị phá bỏ khiến Đức tin chân chính bị tổn hại sâu sắc, giá trị đạo đức văn hóa ngày càng bị xói mòn. Trong sự trượt dốc đó, tín ngưỡng tâm linh dần càng bị làm cho biến đổi, bị biến thành nhiều dạng thức mang nặng màu sắc mê tín dị đoan.

Thiết nghĩ, nếu mỗi người chúng ta có thể tìm hiểu kỹ và tự trang bị cho bản thân mình những tri thức đúng đắn về tín ngưỡng, tâm linh, thì những biến tướng trên đã không trên đà nở rộ như hiện nay. Việc nâng cao dân trí, lấp “lỗ hổng” về tín ngưỡng, tâm linh do đó đã và đang trở nên vô cùng cấp bách đối với cá nhân và cộng đồng để có thể duy trì được một xã hội phát triển lành mạnh, văn minh và có chính tín.

 Theo Tri Thức Trẻ