Hàng lậu được chất đầy trên các chiếc thuyền máy.
Hàng hóa được chất đầy trên các chiếc thuyền máy. Ảnh: Thiên Trường

Những ngày đầu tháng 4, thời tiết tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị nắng nóng như đổ lửa. Dưới cái nắng gay gắt ấy, từng bao tải đường được chất đầy lên các thuyền và che đậy bằng tấm bạt màu xanh chuẩn bị rời bến để xuôi về cập bờ tại các bến sông thuộc khóm Duy Tân, Tân Kim, thị trấn Lao Bảo và các thôn Nại Cửu, An Tiêm, Nam Xuân Đức, Bích La Trung, xã Tân Thành (đối diện bản Ka Túp 2 của Lào).

Trên đường vào bến sông, chúng tôi bắt gặp hàng chục cặp mắt chằm chằm dò xét của đám người trong bộ trang phục xộc xệch như muốn "ăn tươi nuốt sống" những vị khách không mời. Chốc chốc lại có một người phóng xe máy đi chầm chậm phía sau để theo dõi nhất cử nhất động của những người lạ mặt.

Khi đến giờ
Khi đến giờ "G", những chiếc xuồng chở hàng này lao vun vút cập các bến bên phía Việt Nam. Ảnh: Thiên Trường

Khi màn đêm buông xuống, dưới sông, những chiếc thuyền từ bến sông nước bạn Lào bắt đầu chở hàng chạy ra giữa dòng xuôi về các bến bên phía Việt Nam. Đủ loại hàng lậu lộ diện, từ thuốc lá Jet, 555, đến rượu ngoại, đường. Chỉ chừng 15 phút, hàng đầy ắp từ chiếc thuyền đã được lực lượng cửu vạn thoăn thoắt bốc hàng lên trên xe chở đi. Xong xuôi một chuyến hàng qua sông, những thuyền tiếp theo lại tiếp tục rời bến bạn sang bên phía này sông tiếp hàng.

Hoạt động vận chuyển hàng lậu diễn ra ban ngày.
Hoạt động vận chuyển hàng lậu diễn ra ban ngày. Ảnh: Thiên Trường

Theo một người dân sống gần sông Sê Pôn cho biết, hàng lậu được vận chuyển tấp nập, nhộn nhịp nhất là từ 22h đến rạng sáng ngày hôm sau. Lúc đó, hàng lậu được vận chuyển đưa đến các kho chứa là các nhà dựng bằng tôn màu xanh ở các khóm Tân Kim, Duy Tân rồi chờ ô tô tải hoặc xe container từ các nơi lên ngày hôm sau chuyển về.

Khi được hỏi tại sao lại phải chờ đến đêm mới vận chuyển hàng thì người này cho biết là phải chờ “cấp giờ” mới được lên hàng!?

Nhiều khối gỗ cũng được vận chuyển từ Lào qua sông Sê Pôn về Việt Nam.
Nhiều khối gỗ cũng được vận chuyển từ Lào qua sông Sê Pôn về Việt Nam. Ảnh: Thiên Trường

Không chỉ vận chuyển đường, thuốc lá, rượu ngoại, tại các bến trên dòng Sê Pôn, tình trạng trâu, bò lậu vượt biên qua sông cũng được dân buôn lậu tận dụng khai thác triệt để với mỗi lần qua sông hàng chục con. Sau khi vượt sông thành công, trâu, bò được tập kết tại các bản hoặc tập kết ở các lán gần khu đường “nghĩa địa” rồi chủ buôn sẽ hợp thức hóa số trâu, bò này đưa lên xe vận chuyển về xuôi.

Sau khi vượt biên thành công, trâu bò lậu sẽ được các dân buôn
Sau khi vượt biên thành công, trâu bò lậu sẽ được các dân buôn "tẩy trắng" đưa lên xe vận chuyển về xuôi. Ảnh: Thiên Trường

Có thể thấy, mặc dù có một lực lượng lớn phòng chống, ngăn chặn hàng hóa nhập lậu trên địa bàn thị trấn Lao Bảo và xã Tân Thành nhưng số lượng hàng lậu qua đây rất nhiều. Câu hỏi được đặt ra, tại sao các lực lượng hùng hậu hoạt động suốt đêm ngày tại đây mà không chống được hàng nhập lậu, liệu họ có thiếu trách nhiệm thậm chí là tiếp tay hay không? Tình trạng buôn lậu, xẻ núi, làm đường vận chuyển hàng lậu qua bản Ka Tăng, thị trấn Lao Bảo có được ngăn chặn?.

Thiên Trường