Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, tại thị trường trong nước, cá tra nguyên liệu tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, xuống còn 28.000-28.500 đồng/kg đối với cá tra loại I (700-900g/con).
Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất - dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp) cho biết, hiện nay giá cá tra nguyên liệu được các nhà máy và thương lái hỏi mua đã sụt giảm chỉ còn khoảng 23.500- 24.000 đồng/kg, giảm bình quân từ 5.000- 5.500 đồng/kg so thời điểm đầu năm 2019.
Đây cũng là mức giá xấp xỉ khiến người nuôi rơi vào cảnh phá sản do giá cá giống đã đầu tư trước đó quá cao, tỷ lệ hao hụt lớn.
Cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL giảm giá mạnh khiến người nuôi lo lắng
Nguyên nhân là do nguồn cung cá nguyên liệu gia tăng sau kỳ nghỉ Tết trong khi đơn đặt hàng ở mức thấp khiến giá cá nguyên liệu sụt giảm. Ngoài ra sản lượng cá tra vẫn còn khá nhiều nên các doanh nghiệp chưa mạnh dạn mua vào.
Theo ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần thủy sản Trường Giang cho biết, giá cá tra giảm mạnh do phía thị trường Trung Quốc mua chậm, còn thị trường Mỹ năm ngoái nhập khẩu tăng đột biến (năm 2018 xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt 549,5 triệu đô la Mỹ, tăng 59.5% so với 2017) nên lượng hàng tồn kho còn nhiều, dẫn đến giảm nhập.
Trước tình hình trên, các nhà chuyên môn lưu ý người nuôi nên thận trọng trong việc phát triển diện tích lúc này; không thả nuôi ào ạt để rồi dẫn đến dư thừa nguyên liệu sẽ khiến giá rớt thêm.
Theo VASEP cho biết, tính tới giữa tháng 2, xuất khẩu cá tra sang EU đạt trên 33 triệu USD, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường cụ thể như Anh tăng 36%, Đức đến gần 74% và đặc biệt là Hà Lan tăng 89% so với cùng kỳ 2018.
Hiện nay sản phẩm cá tra giá trị gia tăng, sản phẩm cá tra được dán nhãn ASC vẫn đang có xu hướng được ưa chuộng và có giá nhập khẩu cao hơn so với sản phẩm khác. Đây là yếu tố mà các nhà nuôi trồng và chế biến Việt Nam cần quan tâm phát triển trong thời gian tới.
Ngọc Linh