Hôm thứ Sáu (19/4), Ngân hàng Trung ương Indonesia đã tăng cường can thiệp để hỗ trợ đồng Rupiah và kêu gọi các doanh nghiệp quốc doanh hậu thuẫn tránh mua những khoản mua lớn bằng đô la.
Trong khi đó, với việc đồng won chạm mức thấp nhất trong 17 tháng so với đồng đô la, Hàn Quốc đã cam kết sẽ phản ứng ngay lập tức trước sự biến động quá mức của thị trường tiền tệ.
Các đồng tiền Châu Á đã trượt giá nhanh chóng so với đồng đô la khi các nhà đầu tư mất niềm tin về động thái sớm cắt giảm lãi suất của Mỹ. Theo hai quan chức Mỹ, việc mua các loại tiền tệ trú ẩn, chẳng hạn như đồng đô la, đồng Franc Thụy Sĩ và đồng Yên đã tăng cường vào thứ Sáu (19/4) sau khi truyền thông đưa tin Israel tiến hành cuộc tấn công tên lửa vào Iran, làm dấy lên lo ngại về một cuộc xung đột mở rộng trên khắp Trung Đông.
Christopher Wong, chiến lược gia tiền tệ tại Oversea - Chinese Banking Corp cho biết: “Biến động tỷ giá hối đoái quá mức có thể tác động đến chính sách, lạm phát và có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính…Các tiền tệ trong khu vực đang đi vào những vùng chưa được khám phá do những phát triển thị trường gần đây, bao gồm cả tình hình địa chính trị ở Trung Đông”.
Sự bi quan đối với các loại tiền tệ ngoài đồng đô la đang tăng lên sau khi một loạt dữ liệu kinh tế khác của Mỹ gây ngạc nhiên về mức tăng giá, cho thấy sức mạnh của nền kinh tế có thể sẽ không sớm giảm bớt. Hợp đồng tương lai cũng cho thấy các nhà đầu tư hiện kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn so với cách đây vài tháng.
Kyle Rodda, nhà phân tích thị trường cấp cao tại Capital.com phân tích: “Đây là một trong những tình huống mà rủi ro thực tế không thể định lượng được, vì vậy động lực là 'bán trước, đặt câu hỏi sau'… Khi luồng tin tức tiếp tục xuất hiện và sự không chắc chắn này chiếm ưu thế, đặc biệt là vào cuối tuần, chúng ta sẽ thấy các vị thế rủi ro bị thanh lý”.
Sự biến động trở nên nghiêm trọng đến mức G7 trong tuần này đã đưa ra tuyên bố cam kết ngăn chặn những động thái mất trật tự của tiền tệ và Trung Quốc cũng cam kết tránh biến động quá mức của đồng nhân dân tệ. Nhưng áp lực là gay gắt nhất đối với các nền kinh tế đang phát triển, một số nước dựa vào dự trữ ngoại hối đầy đủ để tài trợ cho việc nhập khẩu nhiên liệu và các hàng hóa khác.
Đối với hầu hết các quốc gia ở Châu Á, lượng dự trữ ngoại hối có vẻ đầy đủ bất kể sự can thiệp mạnh mẽ của thị trường giao ngay.
Đồng Rupee của Ấn Độ sắp chạm mức thấp kỷ lục vào thứ Sáu (19/4), trong khi đồng rupiah của Indonesia chạm đáy mới 4 năm so với đồng đô la.
Trong nỗ lực toàn diện nhằm kiểm soát tiền tệ, Indonesia trong tuần này đã yêu cầu các doanh nghiệp quốc doanh hạn chế mua hàng bằng đô la với số lượng lớn để đáp ứng các yêu cầu nhập khẩu hoặc trả nợ. Các công ty xuất khẩu khoáng sản cũng được nhắc nhở tuân thủ các quy định để chuyển lợi nhuận từ đồng đô la về nước nhằm củng cố dự trữ ngoại hối của quốc gia.
Chính phủ Indonesia cũng đang làm việc với Thống đốc Ngân hàng Trung ương Perry Warjiyo để giảm bớt hậu quả từ đồng tiền sụt giảm.
Trong khi đó, sự sụt giảm của đồng Rupiah đã khiến nhiều người kỳ vọng vào việc Ngân hàng Trung ương Indonesia sẽ tiếp tục tăng lãi suất khi xem xét các thiết lập chính sách tiền tệ vào ngày 24/4.
Theo báo cáo của Barclays Plc, cách tiếp cận “tất cả chung tay” của Indonesia nhằm hỗ trợ đồng rupiah cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng từ phía các nhà hoạch định chính sách.
Chuyên gia kinh tế Brian Tan của Barclays thông tin: “Phản ứng ngày càng tăng của toàn chính phủ đang bộc lộ mức độ lo ngại tiềm ẩn nguy cơ cao hơn về việc tăng lãi suất lớn hơn, có thể xuất hiện mức tăng 50 điểm cơ bản đưa lãi suất lên 6,5%”.
Hà Trần (t/h)