Quyền thu giữ, thu hồi tài sản bảo đảm đối với bên cho vay có tài sản đảm bảo
Xử lý tài sản bảo đảm là một thủ tục khá quan trọng trong toàn bộ quá trình tồn tại của giao dịch bảo đảm. Thủ tục này xuất hiện với tư cách là kết quả của quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng trước đó. Để thực hiện, hầu hết các phương thức xử lý này đều cần có sự chuyển giao tài sản từ bên bảo đảm sang cho bên nhận bảo đảm để bên nhận bảo đảm có thể chủ động tiến hành các phương thức xử lý đã thỏa thuận. Tuy nhiên trên thực tế việc chuyển giao tài sản bảo đảm này không phải khi nào cũng thực hiện được hoặc dễ dàng thực hiện được bởi phụ thuộc phần lớn vào ý chí của bên bảo đảm. Theo đó, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bên nhận bảo đảm, pháp luật đã có quy định rõ ràng về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của các Tổ chức tín dụng với một số điều kiện nhất định (chi tiết tại Nghị quyết 42/2017/QH14 ngày 21/06/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các Tổ chức tín dụng).
Đối với các tổ chức nhận tài sản bảo đảm khác như các tổ chức kinh doanh dịch vụ cầm đồ hay các tổ chức có giao dịch cho vay không thường xuyên để tối ưu dòng tiền mà có nhận tài sản bảo đảm thì pháp luật chưa có các quy định rõ ràng trong hoạt động thu giữ, thu hồi này. Tuy nhiên xét về góc độ lý luận và kết hợp giữa các văn bản quy phạm liên quan thì có thể nhận thấy pháp luật đang không cấm và các tổ chức nhận bảo đảm khác có thể vận dụng quyền thu giữ, thu hồi một cách linh hoạt để thực hiện hoạt động xử lý tài sản bảo đảm của mình, cụ thể như sau:
Quy định chung về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân trong giao dịch dân sự
Khoản 2 Điều 2 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “2. Quyền dân sự chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”
Khoản 2, Điều 3 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “2. Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.”
Như vậy pháp luật đã có các quy định rõ ràng và công nhận mọi thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội đều có hiệu lực và được các chủ thể khác tôn trọng. Đây là một trong các nguyên tắc cơ bản được pháp luật công nhận, theo đó nếu các Bên trong quan hệ bảo đảm có thỏa thuận về biện pháp xử lý tài sản bao gồm quyền thu giữ, thu hồi thì việc thỏa thuận này hoàn toàn không trái các quy định pháp luật và được các chủ thể khác tôn trọng.
Quy định về quyền thu giữ, thu hồi và các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm
Tại Điều 307 BLDS 2015 quy định về việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp như sau:
Số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp được thanh toán theo thứ tự ưu tiên quy định tại Điều 308 của Bộ luật này.
Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp lớn hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì số tiền chênh lệch phải được trả cho bên bảo đảm.
Trường hợp số tiền có được từ việc xử lý tài sản cầm cố, thế chấp sau khi thanh toán chi phí bảo quản, thu giữ và xử lý tài sản cầm cố, thế chấp nhỏ hơn giá trị nghĩa vụ được bảo đảm thì phần nghĩa vụ chưa được thanh toán được xác định là nghĩa vụ không có bảo đảm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận bổ sung tài sản bảo đảm. Bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu bên có nghĩa vụ được bảo đảm phải thực hiện phần nghĩa vụ chưa được thanh toán.
Như vậy, dù không nêu rõ quyền được thu giữ, thu hồi tài sản của bên nhận bảo đảm nhưng BLDS đã có quy định trong việc thanh toán số tiền có được từ việc xử lý tài sản đã bao gồm chi phí thu giữ, thu hồi tài sản bảo đảm. Theo đó có thể thấy phải xuất phát từ việc được thu giữ, thu hồi tài sản thì bên nhận bảo đảm nói chung và các tổ chức cầm đồ chuyên nghiệp nói riêng mới được phép trừ đi số tiền là chi phí của việc thu giữ, thu hồi trong việc thu hồi giá trị khoản vay đã cấp. Có chăng, pháp luật đang “ngầm thừa nhận” quyền này của bên nhận bảo đảm?
Ngoài ra, tại Khoản 1 Điều 164 BLDS 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.”
Trong quan hệ bảo đảm, các tổ chức cầm đồ chuyên nghiệp (bên nhận bảo đảm) là chủ thể có quyền đối với tài sản. Cụ thể là quyền chiếm hữu tài sản, căn cứ các quy định như sau:
Điều 179 Bộ luật dân sự 2015 quy định về khái niệm chiếm hữu:
Chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.
Chiếm hữu bao gồm chiếm hữu của chủ sở hữu và chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu.
Việc chiếm hữu của người không phải là chủ sở hữu không thể là căn cứ xác lập quyền sở hữu, trừ trường hợp quy định tại các điều 228, 229, 230, 231, 232, 233 và 236 của Bộ luật này.
Điều 188 quy định quyền chiếm hữu của người được giao tài sản thông qua giao dịch dân sự: “Khi chủ sở hữu giao tài sản cho người khác thông qua giao dịch dân sự mà nội dung không bao gồm việc chuyển quyền sở hữu thì người được giao tài sản phải thực hiện việc chiếm hữu tài sản đó phù hợp với mục đích, nội dung của giao dịch”.
Hơn nữa tại Điều 49 Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định chung về xử lý tài sản bảo đảm như sau:
Việc xử lý tài sản bảo đảm phải được thực hiện đúng với thỏa thuận của các bên, quy định của Nghị định này và pháp luật liên quan…
Bên nhận bảo đảm thực hiện việc xử lý tài sản bảo đảm trên cơ sở thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm thì không cần có văn bản ủy quyền hoặc văn bản đồng ý của bên bảo đảm….
Như vậy, khi xảy ra trường hợp vi phạm nhưng bên bảo đảm không tự nguyện bàn giao tài sản theo yêu cầu (phát sinh từ quyền cho bên bảo đảm mượn tài sản bảo đảm của bên nhận bảo đảm – quy định tại Khoản 3 Điều 314 BLDS 2015) sẽ đồng nghĩa với việc bên bảo đảm đang xâm phạm quyền chiếm hữu đối với tài sản của bên nhận bảo đảm. Vì vậy, bên nhận bảo đảm có quyền sử dụng những biện pháp không trái với quy định pháp luật để bảo vệ quyền chiếm hữu của mình bao gồm các biện pháp được thỏa thuận với bên bảo đảm tại Hợp đồng bảo đảm mà không cần sự đồng ý của bên bảo đảm khi tiến hành xử lý, trong đó có biện pháp thu giữ, thu hồi tài sản.
Theo các quy định pháp luật hiện tại, không có bất kỳ quy định nào cấm việc bên nhận bảo đảm được quyền thu giữ, thu hồi tài sản để xử lý thu hồi nợ. Do đó việc các tổ chức cầm đồ chuyên nghiệp thực hiện biện pháp thu giữ, thu hồi tài sản là không vi phạm điều cấm của luật, không trái với đạo đức xã hội, không trái với quy định pháp luật và có có căn cứ để thực hiện. Lưu ý rằng, để có căn cứ thực hiện thì bên nhận bảo đảm và bên bảo đảm phải có sự thống nhất về việc thu giữ, thu hồi này trong hợp đồng bảo đảm.
Như vậy, từ các phân tích, trích dẫn trên có thể nhận thấy, mặc dù pháp luật không quy định rõ quyền thu giữ, thu hồi tài sản bảo đảm đối với bên nhận bảo đảm ngoài tổ chức tín dụng nhưng việc các tổ chức này thực hiện việc thu giữ, thu hồi tài sản cũng không vi phạm bất kỳ quy định pháp luật nào và có cơ sở để áp dụng linh hoạt trên thực tế.
PV