Tại phiên thảo luận của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016 (ngày 30/10), các ĐBQH nhận định: Giai đoạn này, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm thực hiện những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về cải cách tổ chức bộ máy hành chính, đạt được một số chuyển biến tích cực.
Theo các ĐB, việc cải cách bộ máy hành chính, tinh giản biên chế không thể đặt trong từng cơ quan, mà phải được xem xét trong tổng thể của bộ máy nhà nước và cải cách hệ thống chính trị nói chung. Qua giám sát cùng kiến nghị của cử tri và báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, đã hình thành bức tranh tổng thể về cải cách hành chính nhà nước, cải cách hệ thống chính trị nói chung để QH có những quyết sách đưa vào nghị quyết trong thời gian tới.
ĐB Nguyễn Văn Chiến cho rằng, cải cách tổ chức bộ máy hành chính thời gian qua, đã đạt được một số kết quả bước đầu. Tuy nhiên, con số đạt được khá khiêm tốn. Tổng số đối tượng đã tinh giản biên chế trong 2 năm 2015 và 2016 là 2.253 người/tổng số 272.952 biên chế, mới đạt 0,83%.
Con số tinh giản biên chế còn thấp là do quá trình trong một thời gian dài, bộ máy nhà nước còn cồng kềnh. Quy định về hạn chế biên chế với các cơ quan Trung ương, cơ quan cấp tỉnh lại phát sinh vấn đề chia tách và những vấn đề khác, khiến cho biên chế chỗ này giảm, nhưng thực chất chỗ khác lại phình ra. Do vậy, kết quả tổng thể chưa cao.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến
“Để quyết liệt hơn trong cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế trong giai đoạn tới, cần giao trách nhiệm cho người đứng đầu về quyền quyết định con người, cũng như về ngân sách để thực hiện tinh giản biên chế. Đây là giải pháp đề cao trách nhiệm cá nhân trong việc phát huy vai trò quản lý hiệu lực, hiệu quả trên cơ sở tinh giản biên chế đối với đội ngũ cán bộ”, ĐB Nguyễn Văn Chiến nói.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn Đắk Nông) cho rằng: “Cải cách hành chính nhà nước không thể triển khai riêng lẻ, mà phải từ tổng thể, từ biên chế, tổ chức, cơ cấu bên trong của các cơ quan, bộ, ngành mới có thể đi đến hiệu quả cao. Do vậy, cần phải có một bộ tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức; từ đó đưa ra khỏi bộ máy những công chức không đủ tiêu chuẩn, năng lực”.
ĐB Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) chỉ ra, tiến trình cải cách đang đứng trước nhiều thử thách, trở lực phải vượt qua. Vì vậy, cần đề cao tinh thần trách nhiệm và quyết tâm cải cách trong thời gian tới. Theo đó, cần xử lý nghiêm các khuyến điểm, sai phạm, buông lỏng quản lý.
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) phân tích, kết quả cải cách tổ chức bộ máy chưa vững chắc, cấp trên “ôm đồm”; cấp dưới “đẩy việc” lên cấp trên, việc gì cũng phải xin phép, dẫn đến quá tải ở Trung ương, còn cấp dưới bị động, ỷ lại; cơ chế xin - cho bị lạm dụng; đạo đức công vụ của một bộ phận công chức còn hạn chế, vô cảm, quan liêu, hách dịch…, dẫn đến thực trạng công việc của dân, của nước bị ách tắc. Do đó, cải cách bộ máy nhà nước cần làm rõ trách nhiệm của từng bộ phận.
ĐB Phùng Đức Tiến (Đoàn Hà Nam) kiến nghị, khẩn trương, xây dựng hoàn thiện áp dụng đồng bộ chính phủ điện tử. Các bộ, ngành tinh giản tối đa bộ máy, khẩn trương chuyển các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ tự chịu trách nhiệm để áp dụng ngân sách. Xây dựng cơ chế tương tác của người dân với hệ thống hành chính quốc gia. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả của cải cách bộ máy hành chính, xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng, nếu không cơ cấu lại tổ chức, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức thì không tinh giản được. Đội ngũ cán bộ công chức, viên chức cần cơ cấu theo vị trí việc làm và trình độ đào tạo một cách hợp lý. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; đẩy mạnh giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời tiến hành xã hội hóa một số lĩnh vực nhiệm vụ công, xem đây là khâu đột phá.
Đồng thời, với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, đến năm 2021, giảm tối thiểu 10% biên chế của bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, việc quản lý biên chế phải được đổi mới theo hướng tập trung, thống nhất, trên cơ sở xác định vị trí việc làm để bố trí số biên chế hợp lý cho từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Hoan Nguyễn