Chi tiêu tằn tiện
Số liệu của Tổng cục Thống kê, đến hết năm 2016, Việt Nam có 54,41 triệu người thuộc lực lượng lao động (chiếm 77% tổng dân số từ 15 tuổi trở lên), trong đó có 22,05 triệu lao động làm công ăn lương, 9,44 triệu lao động có hợp đồng lao động.
Về tiền lương cơ bản (mức tiền lương dùng làm căn cứ đóng bảo hiểm cho người lao động chưa bao gồm tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp, trợ cấp) trung bình hàng tháng của người lao động năm 2017 (làm đủ giờ công, ngày công) nhận được là 4.480.000 đồng/tháng, tăng 6,9% so với năm 2016. Thu nhập của người lao động trung bình gần 5.500.000 đồng/tháng.
Bên hành lang Kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIV, ĐB Bùi Sỹ Lợi (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, tuy tiền lương, thu nhập của người lao động có tăng, nhưng chỉ số CPI đã tăng lên. Do đó, tiền lương thực sự chưa tăng, chưa tác động lớn đến việc cải thiện đời sống của người lao động.
Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, chỉ có 51,3% người lao động có thu nhập vừa đủ trang trải cuộc sống; 20,6% phải chi tiêu tằn tiện, kham khổ và 12% thu nhập không thể đủ sống; chỉ có 16,1% người lao động có thể có tích lũy từ thu nhập. Đáng lưu ý, có 54% người lao động cho rằng tiền lương, tiền công không tương xứng với sức lao động đã bỏ ra.
Cải cách tiền lương để tạo động lực phát triển
Theo các chuyên gia, mức lương quá thấp sẽ khó có động lực để cán bộ, công chức, người lao động làm việc hết năng suất, một số chỉ làm việc cầm chừng tương xứng mức lương được nhận. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng, cán bộ, công chức “sáng xách cặp đi, chiều cắp ô về”; thậm chí có trường hợp viết đơn xin ra khỏi biên chế.
Ông Trần Văn Lý, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, từ năm 2004 - 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho người lao động và gia đình.
Còn nhiều bất cập
Nhìn lại chính sách tiền lương hiện nay, ĐB Bùi Sỹ Lợi chỉ ra nhiều bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước, cũng như nhu cầu của người lao động.
Hiện nay, chính sách tiền lương chỉ được áp dụng tại khu vực kinh tế chính thức (DN, cơ sở kinh doanh có nộp thuế, đóng BHXH cho người lao động), còn lại, chính sách tiền lương chưa được xác định rõ tại phần lớn hoạt động kinh tế ở khu vực phi chính thức. Bên cạnh đó, số lượng ngạch, bậc lương vẫn khá phức tạp.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi, chính sách tiền lương cải cách từ năm 2004, nhưng đến nay không có gì thay đổi ngoài việc điều chỉnh tiền lương cơ sở. Ngoài ra, hệ thống thang lương, bảng lương hiện nay chưa phù hợp với cơ chế thị trường. Về cơ chế tiền lương đối với DNNN, chưa thực sự gắn với năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh.
Một số DN, hiệu quả thấp nhưng vẫn hưởng lương cao; có DN tiền lương cao không phải do năng suất và hiệu quả cao, mà chủ yếu do lợi thế. Trong khi đó, các DN FDI lại có xu hướng ép tiền lương của người lao động gần mức lương tối thiểu, năng lực thỏa thuận tiền lương còn hạn chế dẫn đến quyền lợi của người lao động chưa được đảm bảo, quan hệ lao động có xu hướng diễn biến phức tạp.
ĐB Phạm Phú Quốc (đoàn TP. HCM) nhận định, năng suất lao động được cải thiện, nhưng không do sự gia tăng của yếu tố lao động mà chủ yếu gia tăng vốn. Như vậy, thực tế nước ta đang thâm dụng vốn hơn là sử dụng vốn hiệu quả. Đời sống công nhân hiện nay rất khó khăn, nhất là công nhân làm việc lâu năm có mức lương và tiền đóng BHXH cao nên bị DN tìm cách chấm dứt lao động. Nhiều DN trốn đóng BHXH nên quyền lợi chính đáng của người lao động không được đảm bảo…
ĐB Bùi Sỹ Lợi cho biết, thực tế, tiền lương có “phần cứng thấp hơn phần mềm”. Đã đến lúc, cần phải nghiên cứu đề án cải cách chính sách tiền lương để làm sao nâng cao hiệu lực, hiệu quả. Bản chất của tiền lương là trả theo số lượng và chất lượng lao động - giá cả sức lao động.
Hoan Nguyễn