Cơ quan Trung ương của Hiệp hội Chống hàng giả & Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
  • Click để copy

Cải cách thủ tục hành chính: Phải hành động cụ thể

THCL- Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng

THCL Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) nhận định: “Khi những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành được thực hiện và đạt được kết quả, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam”.

Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính

Theo các chỉ số thống kê xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ bị Lào và Campuchia vượt qua về cả năng lực cạnh tranh và khả năng vươn lên vị trí cao hơn trong chuỗi giá trị, trình độ sản xuất. Nguyên nhân cơ bản là do chúng ta quá chậm chạp trong việc cải cách. Ý kiến của ông về điều này?

Trước hết, cần phải khẳng định, thời gian vừa qua, Chính phủ đã rất nỗ lực chỉ đạo và quyết tâm cải cách thể chế, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Điều này đã được thể hiện ở việc Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 18/3/2014 và Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 43/NQ-CP ngày 06/6/2014 của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách TTHC trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 06/01/2015 ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC trọng tâm năm 2015, trong đó giao cho bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát, đơn giản hóa 13 nhóm TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Đặc biệt, trong năm 2014 và 5 tháng đầu năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp làm việc với một số bộ, ngành về công tác cải cách TTHC như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng… nhằm thúc đẩy việc đơn giản hóa TTHC trong các lĩnh vực thuế, hải quan, điện, đất đai, xây dựng…

Cùng với quyết tâm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể để cải cách TTHC thuộc lĩnh vực phân công. Rất nhiều kết quả cải cách của bộ, ngành bước đầu được ghi nhận, như: Đã rút ngắn thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực thuế, bảo hiểm xã hội (tính đến ngày 01/01/2015, số giờ thực hiện thủ tục hành chính thuế đã giảm 370 giờ/năm và bảo hiểm xã hội giảm 100 giờ/ năm); thời gian thực hiện TTHC liên quan đến dự án đầu tư có sử dụng đất sẽ giảm từ 155 - 865 ngày làm việc (theo quy định hiện nay) xuống còn khoảng 80 - 385 ngày làm việc, giúp cắt giảm tương ứng từ 75 - 480 ngày làm việc và nhiều nỗ lực cải cách của các bộ, ngành khác.

Khi những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành được thực hiện và đạt được kết quả, chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ vào công cuộc cải cách TTHC ở Việt Nam hiện nay, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho DN phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, công cuộc cải cách nói chung và cải cách TTHC nói riêng là một công việc khó khăn, phức tạp, dễ “đụng chạm”. Do đó, quá trình cải cách có thể gặp phải những phản ứng nhất định hoặc thực hiện mang tính hình thức, theo đợt, theo phong trào của một số cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức. Các bộ, ngành thực hiện việc cải cách chưa đồng đều và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan nên không tránh khỏi những hạn chế.

Cụ thể, những hạn chế đó là gì, thưa ông?

Thứ nhất, thể chế kinh tế thị trường của chúng ta hiện nay vẫn chưa đồng bộ, hiện đại; tình trạng quy định TTHC tại các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau hoặc chưa phù hợp với thực tiễn, chưa tuân thủ đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng vẫn còn khá phổ biến.

Thứ hai, cải cách TTHC tuy đã có những bước tiến vượt bậc, những kết quả đáng ghi nhận nhờ các nỗ lực cải cách mạnh mẽ, nhưng vẫn còn những vấn đề bất cập mà đầu tiên phải kể đến là: thời gian giải quyết các TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN như nộp thuế, thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, khởi sự kinh doanh, phá sản DN, tiếp cận điện… còn cao so với mức trung bình của các nước ASEAN 6 và ASEAN 4.

Thứ ba, kỷ luật - kỷ cương hành chính, trách nhiệm của cán bộ công chức trong thực thi công vụ nói chung và trong giải quyết TTHC liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa được đề cao; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong quá trình triển khai giải quyết TTHC theo chuỗi chưa thực sự hiệu quả, gây khó khăn cho các DN trong quá trình hoạt động.

Thứ tư, chưa có quy định cụ thể về việc công khai, minh bạch tình hình, kết quả tiếp nhận, giải quyết TTHC; việc tiếp nhận, xử lý khó khăn, vướng mắc của DN và cá nhân về chính sách, quy định, TTHC và việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về hành vi hành chính của cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước chưa mang lại hiệu quả như mong muốn…

Theo ông, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính có thể làm gì để góp phần khắc phục những hạn chế đó?

Về phía Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (thuộc Bộ Tư pháp), với chức năng, nhiệm vụ được giao liên quan đến cải cách, kiểm soát TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của các tổ chức, cá nhân về quy định hành chính và là cơ quan giúp việc cho Thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp để có những hành động cụ thể nhằm thúc đẩy cải cách TTHC, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Cụ thể, Cục tham mưu cho Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cấp có thẩm quyền thông qua phương án đơn giản hóa các nhóm TTHC, quy định liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN. Trong đó, chú trọng việc rà soát sâu theo chuỗi vấn đề để có những kiến nghị cải cách mang tính tổng thể, đồng bộ, bảo đảm khả thi và mang lại hiệu quả toàn diện, lâu dài.

Bên cạnh đó, Cục đề xuất xây dựng chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách TTHC gắn với các tiêu chí thi đua, khen thưởng của cá nhân và đơn vị.

Đặc biệt, cần tăng cường tính công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC, trong đó chú trọng nâng cao khả năng tiếp cận thông tin, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN giám sát việc thực hiện TTHC thông qua việc chuẩn hóa bộ TTHC tại các cấp chính quyền, thiết lập và duy trì hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC ở các cấp chính quyền trong phạm vi cả nước; xử lý nghiêm và kịp thời các hành vi sai trái của cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết TTHC cho người dân, DN để tạo áp lực xã hội, thúc đẩy quá trình tự cải cách của mỗi cán bộ, công chức, mỗi cơ quan công quyền.

Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát và đề xuất với các cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp nhằm chấn chỉnh có hiệu quả hành vi nhũng nhiễu, cửa quyền của cán bộ, công chức, cơ quan, người có thẩm quyền trong giải quyết TTHC.

Cục tiếp tục thực hiện tốt vai trò tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tư pháp “gác cửa” cho Chính phủ trong việc kiểm soát TTHC của các bộ, ngành, địa phương; chú trọng kiểm soát chặt chẽ khâu ban hành thông qua việc tham gia ý kiến và thẩm định các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm chỉ duy trì và ban hành các TTHC cần thiết, hợp lý, hợp pháp và có chi phí tuân thủ thấp.

Một vấn đề quan trọng nữa, cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là tập hợp tiếng nói từ cộng đồng DN trong và ngoài nước trong việc đóng góp các ý tưởng, sáng kiến cải cách thông qua kênh hoạt động của Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thu (Thương hiệu & Công luận)

Tin mới

Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
Nghị định về chuyển nhượng quyền thu phí sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ

Chính phủ ban hành Nghị định số 44/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt
Lạng Sơn: Phân công, điều động, bổ nhiệm một số cán bộ chủ chốt

Chiều 26/4, Tỉnh ủy Lạng Sơn tổ chức hội nghị công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lạng Sơn.

Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết
Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024 đạt 133 tỷ, cao nhất từ khi niêm yết

Quý I/2024, Tập đoàn An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 133 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lợi nhuận sau thuế cao nhất kể từ khi niêm yết vào năm 2020.

Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên
Bắc Giang: Gặp mặt, tri ân các chiến sĩ Điện Biên

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5 (1954 - 2024), ngày 26/4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang tổ chức gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến (DCHT) trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024
ABBANK (ABB) đạt 178 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý I/2024

Kết thúc quý I/2024, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK - mã chứng khoán ABB) ghi nhận tăng mạnh số lượng giao dịch qua kênh ngân hàng số, tổng huy động và dư nợ tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%
Tập đoàn Bảo Việt (BVH): Lợi nhuận hợp nhất quý I/2024 tăng trưởng 13%

Tập đoàn Bảo Việt công bố kết quả kinh doanh quý I năm 2024 (trước soát xét), theo đó Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên ghi nhận mức tăng trưởng khả quan với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 617 tỷ đồng, tăng trưởng 13%; Tổng doanh thu hợp nhất đạt 14.066 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ năm 2023.