Nhiều ý kiến cho rằng, cần có các chính sách thúc đẩy phát triển du lịch quanh năm (thay vì mới chỉ phát triển mạnh trong mùa hè), du lịch ban đêm - đa dạng các loại hình du lịch ở nhiều địa phương để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, mang lại hiệu quả cao nhất cho ngành du lịch Việt Nam. Ông nhìn nhận ra sao về điều này?
Du lịch mùa vụ, như mùa hè du lịch biển rất tốt, mùa đông thì miền Bắc không thể phát triển du lịch biển; du lịch giữa tuần và cuối tuần, ban ngày và ban đêm - đó là những điều mà ngành du lịch luôn đau đáu tìm lời giải làm sao để khai thác tối đa tiềm năng và mang lại hiệu quả cao nhất.
Từ đây đặt ra vấn đề là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư luôn phải sáng tạo, tìm ra những ý tưởng mới để giải quyết: Mỗi địa phương một sản phẩm đặc thù (đây là phương châm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); đồng thời, mỗi người dân phải là một đại sứ du lịch để giới thiệu, tự hào về vùng đất, con người của mình cũng như thân thiện với khách để thu hút khách đến. Tất cả tạo ra sự đa dạng hóa sản phẩm du lịch các vùng miền, tương xứng với đa dạng văn hóa, khí hậu, địa hình (cao nguyên, núi, biển…).
Về xúc tiến, quảng bá, phải tạo ra những dòng khách theo các chủ đề, theo các vùng miền, theo các cách giật tít, như: Du lịch golf, du lịch ẩm thực, du lịch văn hóa, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), du lịch sự kiện; tạo ra những sự kiện, trong sự kiện có trước sự kiện và sau sự kiện, có thể làm giữa tuần và kéo dài đến cuối tuần, phương châm là kéo dài ngày lưu trú và đa dạng hóa hoạt động du lịch để du khách có nhiều chỗ chơi, trải nghiệm, tạo ra sức hấp dẫn của điểm đến để du khách tình nguyện ở lại và có mong muốn quay trở lại.
Ngành du lịch có những giải pháp gì nhằm thúc đẩy phát triển đa dạng các loại hình du lịch này?
Vừa rồi, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định 1894/QĐ-BVHTTDL về việc Ban hành Đề án Một số mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm - khai thác triệt để yếu tố văn hóa bản địa, văn hóa Việt Nam vào sản phẩm du lịch với các chương trình biểu diễn (múa rối, ký ức Hội An, tinh hoa Bắc Bộ…) để có sản phẩm văn hóa, nghệ thuật vào ban đêm; hay chương trình nghệ thuật ánh sáng, lễ hội pháo hoa… để khai thác vẻ đẹp huyền ảo về đêm, tạo ra một sản phẩm mới thu hút du khách.
Các dịch vụ như tham quan về đêm, mua sắm, giải trí… thu hút khách ở lại qua đêm là tăng thêm ngày lưu trú (mục tiêu của ngành du lịch là kéo dài ngày lưu trú). Trung bình hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam có khoảng 7 - 8 ngày lưu trú, khách nội địa có khoảng 1,5 - 2,5 ngày lưu trú. Sau dịch Covid-19, xu hướng khách đi ngắn ngày lại và ngành du lịch đang làm các biện pháp để kéo dài ngày lưu trú, đó là đa dạng hóa sản phẩm và tăng thêm dịch vụ bổ trợ, liên kết giữa địa phương này với địa phương khác. Ví dụ như du khách đến Đà Nẵng rồi, nếu muốn thăm lăng tẩm thì phải đến Huế, muốn trải nghiệm tinh hoa văn hóa phải đến Hội An… sự kết hợp này giúp cho kỳ nghỉ trở nên thú vị và khiến khách kéo dài thời gian du lịch.
Mùa hè, khách nội địa đi rất nhiều nhưng mùa đông lại khai thác lượng khách quốc tế rất lớn, đó là đặc thù của du lịch Việt Nam. Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đang có những phương án đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo để làm sao có kỳ nghỉ đông (giữa kỳ) cho học sinh - đồng nghĩa với việc có thể tổ chức du lịch gia đình vào mùa đông; đồng thời cũng đề xuất với Bộ Lao động - Thương binh và xã hội để một năm, người lao động được hưởng kỳ nghỉ phép để có kế hoạch đi du lịch trong năm. Thời gian nghỉ của người lao động được sử dụng vào các kỳ nghỉ vừa phát triển được kinh tế du lịch, vừa tạo ra được xu thế du lịch quanh năm.
Chúng ta cần thúc đẩy loại hình du lịch MICE và khuyến thưởng, đặc biệt là các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn, nghiệp đoàn, tổ chức công đoàn tổ chức kỳ nghỉ cho công nhân. Với loại hình du lịch MICE, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có những chương trình giảm giá rất lớn.
Một điểm nữa là khai thác yếu tố công nghệ để khách dùng công nghệ có thể tự tìm hiểu, lên kế hoạch, tự đặt và giữ chỗ trên máy bay, tàu, xe, khách sạn, nhà hàng… với sự hỗ trợ của các hãng lữ hành trực tuyến thì khách có thể đi du lịch bất cứ lúc nào trong năm. Các phương án đi du lịch rất linh hoạt, các sản phẩm du lịch cũng rất mới và thích ứng với sự linh hoạt đó, nhất là sau đại dịch Covid-19.
Mặt khác, để tránh quá tải trong mùa hè, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam có những khuyến cáo giúp khách có những lựa chọn thông minh nhất để đi những nơi, những thời điểm hợp lý, để được chất lượng dịch vụ tốt nhất. Tránh làn sóng du lịch dồn vào những kỳ nghỉ lễ, nghỉ hè, cuối tuần… ngành có những thông tin, quảng bá, khuyến cáo, định hướng khách nên đi vào những thời điểm nào, nơi đâu, những sự kiện như nào và kết nối với những địa chỉ nào để có chuyến đi tốt nhất. Đó là biện pháp khắc phục quá tải thời vụ, đồng thời gia tăng những sản phẩm dịch vụ bổ trợ để đa dạng, trải rộng như chương trình khuyến mãi các sản phẩm du lịch vào giữa tuần (đi giữa tuần thì giá rất phải chăng nhưng đi cuối tuần giá có phụ thu, cao hơn...).
Ngành du lịch tập trung lập quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045. Định hướng xây dựng các sản phẩm du lịch mới, làm mới các sản phẩm du lịch hiện có phù hợp với nhu cầu đã thay đổi do tác động của dịch Covid-19; phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế đêm, góp phần tăng chỉ tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch. Các địa phương xác định đầu tư, phát triển sản phẩm du lịch theo chủ đề, trên cơ sở thế mạnh, tiềm năng sẵn có, mang tính khác biệt, tạo thành mạng lưới các sản phẩm đa dạng, bổ trợ cho nhau.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam triển khai Kế hoạch hành động triển khai Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các bộ, ngành kiến nghị các chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch, mở rộng các chính sách visa thu hút khách quốc tế; mở thêm các đường bay kết nối thị trường du lịch tiềm năng; đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch gắn với hoạt động của hệ thống cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội.
Từ đó, tạo sức mạnh tổng hợp để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, mang lại hiệu quả cao nhất cho ngành du lịch Việt Nam trong tình hình mới.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cùng các cơ quan chức năng liên quan có những giải pháp nào?
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chủ trương xây dựng điểm đến đảm bảo an toàn và hấp dẫn - đây là thông điệp của ngành.
An toàn cho khách là một phương châm, tâm niệm đối với người làm du lịch từ lái xe đến hướng dẫn viên và tất cả những người phục vụ. An toàn từ giao thông đến các hoạt động du lịch, an toàn về ẩm thực… để tạo ra sự yên tâm cho du khách, tạo ra một chất lượng du lịch, đặc biệt sau dịch Covid-19, người ta nhấn mạnh an toàn cho sức khỏe để tạo ra môi trường trong sạch, lành mạnh, an tâm, tạo ra một sức khỏe cả thể chất và tinh thần.
Chất lượng du lịch phụ thuộc vào chất lượng môi trường (cả môi trường tự nhiên và môi trường sống cũng như sự giao tiếp của những người làm du lịch với khách) tạo ra sự thân thiện, yên tâm, an toàn. Những biển báo, khuyến cáo tạo cho khách cảm thấy được bảo vệ, đặc biệt sau Covid-19, những thông tin về khuyến cáo tạo cảm giác an toàn cho du khách.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo toàn ngành thực hiện tốt, yêu cầu các địa phương phải vào cuộc thực hiện nghiêm túc, biểu dương những cơ sở dịch vụ làm tốt, đồng thời xử lý nghiêm, thậm chí đóng cửa đối với những cơ sở dịch vụ không đảm bảo an toàn, “chặt chém” khách du lịch.
Trong những năm qua, công tác này được ngành du lịch đặc biệt quan tâm, thực hiện nghiêm túc, đồng thời có cam kết mạnh mẽ từ cơ sở dịch vụ, các doanh nghiệp, địa phương; thường xuyên có sự thanh kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách.
Cụ thể, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm tăng cường vai trò quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch; đề xuất, xây dựng thống nhất mô hình cơ quan quản lý các điểm, khu du lịch.
Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã đề xuất, tham mưu Chính phủ ban hành các văn bản quan trọng chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển của ngành du lịch, như:
Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 4/9/2013 về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch;
Chỉ thị số 14/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch;
Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững;
Ngày 19/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2022/NĐ-CP Quy định mô hình quản lý khu du lịch quốc gia;
Đồng thời, hướng dẫn các địa phương và cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho du khách, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch; chỉ đạo thực hiện việc công nhân dịch vụ du lịch đạt chuẩn đổi với các cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch - đây được coi như cẩm nang, sổ tay đối với người làm du lịch.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã có chương trình phổ biến cho những người làm du lịch (hướng dẫn viên, lễ tân, phục vụ buồng, những người quản lý…) coi an toàn là yếu tố quan trọng hàng đầu để tạo sự thân thiện, yên tâm cho khách.
Lãnh đạo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam chỉ đạo, tổ chức các đoàn công tác liên ngành, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động du lịch tại các địa phương vào thời điểm lễ hội, ngày lễ, Tết, tháng cao điểm, tập trung tại khu, điểm du lịch tập trung đông khách du lịch.
Đáng chú ý, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã phối hợp với các trang web bình chọn, đánh giá chất lượng dịch vụ, cho “sao” (đầu tiên là đánh giá sự an toàn trong tiêu chí chất lượng) trên các hệ thống trực tuyến. Như vậy, có sự kiểm soát trực tiếp cũng như sự phản hồi kịp thời của khách du lịch, khách du lịch được tham gia vào quá trình quản lý điểm đến để phản ánh kịp thời những bất cập, vi phạm của cơ quan quản lý điểm đến cũng như các doanh nghiệp.
Thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước nêu trên để đảm bảo an toàn cho khách du lịch, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)