Cần làm gì để quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam đạt hiệu quả cao nhất?
Thời gian qua, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Việt Nam được triển khai mạnh mẽ với quy mô từ Trung ương đến địa phương, đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, tồn tại bởi nhiều nguyên nhân, đòi hỏi sớm có giải pháp khắc phục kịp thời để công tác này đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới. Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, Hà Văn Siêu đã có cuộc trò chuyện cùng PV Thương hiệu & Công luận, xung quanh vấn đề này.
Xin ông cho biết về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, đẩy mạnh phát triển ngành du lịch thời gian qua và kế hoạch thời gian tới?
Du lịch là ngành dịch vụ mang tính chất văn hóa sâu sắc, thể hiện chất lượng cuộc sống của một địa phương cũng như một quốc gia, thể hiện bản sắc văn hóa của vùng đất và con người vùng đất đó.
Muốn phát triển du lịch, phải coi trọng công tác xúc, tiến quảng bá du lịch để khách du lịch biết, quan tâm tới, đến được và có cảm xúc tích cực về điểm đến đó - để muốn tìm hiểu, trải nghiệm, tận hưởng và thích thú với điểm du lịch đó.
Vì vậy, nhiều năm qua, ngành du lịch đã luôn quan tâm tới công tác xúc tiến, quảng bá du lịch từ Trung ương đến địa phương.
Về công tác tham mưu, đề xuất định hướng kế hoạch, Tổng cục Du lịch (nay là Cục Du lịch quốc gia Việt Nam) đã tham mưu Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Chiến lược Marketing du lịch Việt Nam đến năm 2030 (Quyết định phê duyệt số 440/QĐ-BVHTTDL ngày 2/3/2023). Chiến lược đã được gửi cho các địa phương, doanh nghiệp để quán triệt, thống nhất triển khai.
Chiến lược xác định thị trường mục tiêu của du lịch Việt Nam và xây dựng một hình ảnh điểm đến Việt Nam thân thiện mến khách đối với thị trường quốc tế cũng như nội địa; tiến hành xây dựng các sản phẩm chủ lực là sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác), du lịch đô thị, du lịch ẩm thực và các sản phẩm du lịch chủ lực mà Việt Nam có thế mạnh và có sức cạnh tranh.
Từ sản phẩm đó, xác lập nên các kênh phân phối và hình thành các thị trường mục tiêu để xây dựng các nội dung xúc tiến, quảng bá (bao gồm các hình ảnh, thông tin, video clip, các nội dung giới thiệu về sản phẩm du lịch đặc trưng của các điểm đến du lịch, các thương hiệu nổi bật về sản phẩm du lịch Việt Nam các vùng, miền…) để giới thiệu đến thị trường nội địa và thị trường quốc tế như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là nhóm Đông Bắc Á, nhóm ASEAN, nhóm Tây Âu, Bắc Mỹ và đặc biệt mới đây nổi lên thị trường Ấn Độ, Úc…
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cũng đã tham mưu nội dung phục vụ Thủ tướng Chính phủ chủ trì 2 hội nghị toàn quốc về du lịch vào tháng 3/2023. Trên cơ sở kết quả của các Hội nghị, đã đề xuất trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó xác định rõ các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm về xúc tiến, quảng bá, phát triển thị trường du lịch.
Đồng thời, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch.
Cụ thể, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tham dự các hội chợ, hội nghị du lịch ở nước ngoài.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã phối hợp, huy động các doanh nghiệp du lịch, hàng không tổ chức không gian giới thiệu và các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại 5 hội chợ, sự kiện quốc tế:
(1) Diễn đàn Du lịch ASEAN và Hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Indonesia; (2) Diễn đàn và không gian Du lịch Mê Kông 2023 tại Campuchia; (3) Hội chợ du lịch quốc tế lớn nhất thế giới ITB Berlin 2023 tại Đức với Gian hàng Việt Nam có diện tích 450m2, thu hút sự tham gia của 43 doanh nghiệp lữ hành, hàng không và Sở quản lý du lịch; (4) Tổ chức giới thiệu sản phẩm du lịch biển liên kết khu vực phía Nam (Việt Nam - Campuchia - Thái Lan), tại Shihanouk Villa; (5) Tham dự và giới thiệu du lịch Việt Nam tại Hội nghị ngành du lịch thế giới lần thứ 2, Hội chợ du lịch quốc tế Hàn Quốc STIF (trước đây có tên gọi là KOTFA).
Bên cạnh đó, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã định hướng, phối hợp tổ chức, tham gia các sự kiện trong nước:
Tham dự các sự kiện trong khuôn khổ Hội chợ du lịch quốc tế VITM Hà Nội 2023 và phối hợp chuẩn bị tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế ITE HCMC TP. Hồ Chí Minh 2023;
Phối hợp với tỉnh Bình Thuận chuẩn bị nội dung tổ chức Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và các hoạt động hướng ứng, cụ thể gồm 11 hoạt động cấp quốc gia và 194 hoạt động cấp địa phương được tổ chức tại 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Định hướng công tác xúc tiến quảng bá du lịch của các địa phương như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, liên kết khu vực, liên vùng như 8 tỉnh Tây Bắc, các tỉnh Việt Bắc, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long;
Phối hợp, hỗ trợ các địa phương tổ chức các sự kiện du lịch Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh, Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực Việt Nam 2023 tại Quảng Trị, Hội thảo về Quản trị Điểm đến Bền vững tại Ninh Bình của Tổ chức du lịch thế giới, các sự kiện quảng bá điểm đến và du lịch của tỉnh Quảng Ninh, Ninh Bình, Hải Phòng, Bình Định, Phú Yên, Điện Biên, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Hà Nam...
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phối hợp với các địa phương tổ chức các sự kiện văn hóa thể thao như Lễ hội pháo hoa Đà Nẵng, Giải Vô địch Golf quốc gia 2023 tổ chức tại Hải Phòng, Giải Marathon quốc gia…
Các sự kiện quốc tế nổi bật ở Việt Nam như hội nghị thượng đỉnh, các chuyến thăm của các nguyên thủ quốc gia, các sự kiện kỷ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao của Việt Nam với các nước… cũng góp phần quảng bá du lịch Việt Nam.
Mặt khác, mặc dù không có kinh phí nhưng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã chủ động hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp tổ chức các sự kiện quảng bá điểm đến Việt Nam. Điển hình là đăng cai tổ chức và giới thiệu điểm đến Phú Quốc tại Hội nghị 10 năm thành lập Liên đoàn Phúc lợi Quản lý Sự kiện (EMF Global) của Ấn Độ, quy tụ hơn 400 công ty tổ chức sự kiện của Ấn Độ với doanh thu hàng năm trên 1,5 tỷ USD qua tổ chức đám cưới cho các tỷ phú Ấn Độ.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã phối hợp cùng Tập đoàn Sun Group tổ chức giải thưởng ẩm thực, ra mắt cẩm nang ẩm thực Michelin Guide đầu tiên tại Việt Nam - đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có các nhà hàng gắn sao Michelin danh giá, ghi danh lên bản đồ ẩm thực thế giới.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã quảng bá, truyền thông du lịch trên phương tiện thông tin đại chúng: Trên Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1 - Câu chuyện cuối tuần), đồng thời đang đàm phán về hợp tác quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh CNN.
Ngoài ra, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tổ chức Cuộc thi ảnh xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2022 với chủ đề “Tỏa sáng Việt Nam” (Amazing Việt Nam); kết nối với các địa phương hỗ trợ đoàn làm phim Netflix “A tourist's guide to love” (Bí kíp tình yêu của một du khách) thực hiện các cảnh quay tại địa bàn; đồng thời đang làm việc với Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) về khả năng đăng cai Hội chợ du lịch quốc tế PATA Travel Mart tại Đà Nẵng.
Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã tổ chức các đoàn Famtrip (du lịch tìm hiểu, trải nghiệm, quảng bá du lịch), KOLs (người nổi tiếng, người có tầm ảnh hưởng) tham quan các tour mẫu, các chương trình du lịch Famtrip đến những điểm đến nổi tiếng củaViệt Nam. Chương trình trải nghiệm này, gửi một thông điệp của du lịch Việt Nam: Việt Nam - timeless charm (Việt Nam - vẻ đẹp bất tận).
Đặc biệt, để phát huy lợi thế từ kênh truyền thông điện tử, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đã thực hiện quảng bá, truyền thông du lịch qua các trang web và mạng xã hội (Tik Tok, Facebook, Youtube...), tạo hiệu ứng lan tỏa cao. Website https://vietnam.travel chính thức quảng bá du lịch Việt Nam bằng tiếng Anh và một số tiếng nước ngoài như tiếng Nhật, sắp tới phát triển thêm nhiều ngôn ngữ khác.
Hiện nay, https://vietnam.travel xếp hạng #128 nghìn trên toàn cầu, ở Đông Nam Á chỉ xếp sau website du lịch Singapore (hạng #79 nghìn). So với thời điểm cuối năm 2021, website https://vietnam.travel đã tăng hạng đột phá (tăng 447 nghìn bậc). Theo dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong top đầu thể giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.
Phát huy hiệu quả công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, thời gian tới, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam sẽ tổ chức các chương trình giới thiệu du lịch Việt nam ở nước ngoài nhằm truyền thông, giới thiệu cơ chế, chính sách mới, các điểm đến, sản phẩm du lịch Việt Nam và tạo điều kiện kết nối giữa doanh nghiệp du lịch Việt Nam với các đối tác.
Các thị trường lựa chọn là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Pháp. Đây là các thị trường có quy mô lớn, là các thị trường gửi khách trọng điểm và tiềm năng, có khả năng phục hồi, tăng trưởng cao, đường bay kết nối thuận lợi đến Việt Nam.
Đồng thời, Du lịch quốc gia Việt Nam tham gia hội chợ du lịch quốc tế ở nước ngoài nhằm giới thiệu cơ chế, chính sách mới, các điểm đến, các sản phẩm du lịch Việt Nam đến các cơ quan truyền thông và đối tác du lịch tại các thị trường mục tiêu và toàn cầu; củng cố hình ảnh Việt Nam mở cửa, chào đón khách du lịch quốc tế với các sản phẩm du lịch đặc sắc.
Các hội chợ lựa chọn là CITM (Trung Quốc), ASEAN - Trung Quốc (Trung Quốc), WTM London (Anh).
Kết quả công tác này đạt được đến đâu và còn có những khó khăn, vướng mắc, tồn tại gì?
Với nỗ lực và quyết tâm cao của toàn ngành, sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các chủ trương, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển, thời gian qua, ngành du lịch đã đạt được những kết quả đáng trân trọng.
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt gần 5,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 64 triệu lượt, lần lượt đạt 69% và 63% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt 343 nghìn tỷ đồng, đạt 53% kế hoạch năm.
Tháng 7/2023, Việt Nam đón 1.038,6 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 6,5% so với tháng trước. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023 ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế. Tính chung 7 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023.
Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại bởi nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, việc trình, phê duyệt kế hoạch xúc tiến, quảng bá du lịch năm 2023 từ nguồn kinh phí của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch còn chậm, dẫn đến việc không thể triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến theo kế hoạch đề xuất.
Vì vậy, việc định hướng công tác thị trường, triển khai hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch thông qua công tác xây dựng và triển khai kế hoạch từ Trung ương đến các địa phương và doanh nghiệp rất lúng túng, thiếu thống nhất. Sự phối hợp giữa các ngành, các cấp còn yếu, mỗi nơi làm một kiểu, thiếu thống nhất, quy mô thấp. Chưa tổ chức được các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam có quy mô, tính chất quốc gia, tạo tiếng vang, quy tụ các địa phương, doanh nghiệp du lịch tham gia.
Thứ hai, thông tin, quảng bá còn hạn chế, thiếu kịp thời tại các thị trường nguồn quốc tế do thiếu hệ thống văn phòng xúc tiến du lịch quốc gia để hỗ trợ kết nối, trực tiếp triển khai các hoạt động thông tin, quảng bá xúc tiến tại thị trường, nhất là trong bối cảnh hoạt động bị đứt đoạn gần 2 năm do tác động của dịch Covid-19. Nguồn lực quảng bá, xúc tiến du lịch chưa được phát huy hiệu quả.
Thứ ba, những tháng đầu năm 2023, một số thị trường nguồn khách lớn, truyền thống của du lịch Việt Nam còn chưa mở cửa hoặc mở cửa chậm, mở cửa hạn chế do tác động của dịch Covid-19. Xu hướng tới các điểm đến gần sau dịch của các thị trường xa, năng lực vận chuyển của các hãng hàng không chưa trở lại như mức trước đại dịch, giá vé máy bay cao, suy thoái kinh tế, lạm phát, xung đột Nga - Ukraina... đã ảnh hướng đến lượng khách quốc tế đến Việt Nam sau khi mở cửa.
Theo ông, để công tác này đạt được hiệu quả cao hơn, Nhà nước cần có những chính sách gì; các doanh nghiệp, địa phương... cần phải làm gì?
Thứ nhất, cần quán triệt và xây dựng Kế hoạch triển khai Chiến lược Marketing du lịch đến năm 2030 của địa phương, cụ thể:
Mỗi địa phương phát triển thương hiệu các khu, điểm, sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên các giá trị nổi bật về văn hóa, sinh thái bản địa và các dịch vụ đặc trưng, theo phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, tập trung tiếp thị sản phẩm du lịch biển đảo, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch đô thị; các sản phẩm du lịch mới như du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch thể thao, golf; các sản phẩm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách du lịch như du lịch MICE, du lịch giáo dục, du lịch du thuyền,…
Phục hồi và mở rộng quy mô các thị trường truyền thống gồm các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Tây Âu, Bắc Âu, Bắc Mỹ, Nga, Úc..., kết hợp thu hút các thị trường mới nổi như Ấn Độ, các nước Trung Đông. Tăng thị phần khách có khả năng chi tiêu cao, đa dạng hóa các thị trường hướng đến phát triển bền vững. Có chính sách phân đoạn thị trường, có chủ đề, thông điệp, sản phẩm riêng đối với từng phân khúc thị trường.
Chủ động tổ chức các hoạt động marketing điểm đến có trọng tâm, có chủ đề, quy mô và hiệu ứng lan tỏa cao thông qua phát huy vai trò, liên kết của điểm đến, các doanh nghiệp và đối tác; tranh thủ các kênh truyền thông số, mạng xã hội.
Cần có các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, đặc biệt là hàng không khi mới mở đường bay, để từ đó khơi thông du lịch…
Thứ hai, phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, đặc biệt là các sự kiện mang tầm quốc gia, quốc tế theo kế hoạch của Bộ.
Thứ ba, chủ trì tham gia liên kết với các địa phương, doanh nghiệp tổ chức các chương trình giới thiệu điểm đến trong và ngoài nước. Tổ chức đón các đoàn doanh nghiệp lữ hành, báo chí quốc tế. Huy động doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia các chương trình kích cầu, sự kiện du lịch thu hút khách quốc tế. Chủ động phối hợp, kết nối với các doanh nghiệp xây dựng các chương trình du lịch đến địa phương hấp dẫn, linh hoạt. Có chính sách hỗ trợ các chương trình liên kết sản phẩm du lịch liên địa phương, liên vùng. Tăng cường kết nối hàng không giữa địa phương với các thành phố lớn của các quốc gia, vùng lãnh thổ là thị trường khách trọng điểm, tiềm năng.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh du lịch nội địa, phát động chương trình kích cầu du lịch, phát huy các lễ hội, sự kiện nhằm thúc đẩy thu hút khách du lịch. Tăng cường quản lý điểm đến, quản lý chất lượng kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, quảng bá thông điệp “Mỗi địa phương một sản phẩm du lịch đặc thù”, “mỗi người dân là một đại sứ du lịch”.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hà Thu (Thực hiện)
Tin mới
Tạm giữ hơn 1.000 bao thuốc lá điếu nhập lậu
Đội số 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang tiến hành kiểm tra phát hiện 1.070 bao thuốc lá điếu với các nhãn hiệu như JET, HERO, SAIGON Silver (trong đó có 120 bao thuốc lá nhãn hiệu SAIGON Silver có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu).
Quảng Ninh: Chỉ đạo các sở ngành hỗ trợ đưa Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng vào hoạt động vào cuối năm 2024
Sau 2 năm xây dựng, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng (thuộc Tập đoàn Thành Công) đang tập trung hoàn thiện các hạng mục cuối cùng. Kiểm tra tiến độ dự án sáng 14/9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, đánh giá cao những nỗ lực của chủ đầu tư và đề nghị giữ vững tiến độ đã cam kết. Đồng chí chỉ đạo các sở ngành tiếp tục hỗ trợ cho dự án trọng điểm này.
Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Thanh Hóa trao quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn
Chiều 14/9, Quỹ Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình trao học bổng, xe đạp và ba lô cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp tết Trung thu trên địa bàn 2 xã Minh Tiến và Kiên Thọ (Ngọc Lặc).
Quảng Ninh: Miễn phí vé hành khách qua cảng cao cấp Ao Tiên
Nhằm chung tay cùng người dân khắc phục thiệt hại của cơn bão số 3, bến cảng cao cấp Ao Tiên, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh miễn phí vé hành khách qua cảng cho người dân, cán bộ, công nhân viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại huyện đảo Cô Tô và 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn.
Thanh Hóa: Khai giảng lớp đào tạo lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn
Ngày 14/9, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường Đại học Công đoàn tổ chức lễ khai giảng lớp đào tạo lý luận và nghiệp vụ công tác công đoàn K284.
Quảng Ninh: Thị xã Quảng Yên gấp rút chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả bão số 3
Thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh là một trong những địa phương của tỉnh chịu thiệt hại nặng nề bởi bão số 3. Ngay sau khi bão qua, chính quyền và nhân dân thị xã gấp rút chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả của bão, sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Câu chuyện thương hiệu
PV Power (POW) đạt 19.954,4 tỷ đồng doanh thu trong 8 tháng 2024, tăng nhẹ so với cùng kỳ
Nam Việt (ANV) lên kế hoạch trả tổng cộng 66,56 tỷ đồng cổ tức năm 2023
Cổ phiếu Xây dựng Hòa Bình (HBC) sẽ giao dịch trở lại trên thị trường UPCoM từ ngày 18/9
PVTrans (PVT) sắp trả tổng cộng hơn 106,8 tỷ đồng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 3%
Nợ của Tập đoàn Taseco tăng vọt lên 6.601 tỷ
Cảng Chu Lai hợp tác với hãng tàu RCL, mở thêm các tuyến hàng hải mới