Rà soát kỹ chính sách ưu đãi
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 23, sáng 16/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.
Trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, chính sách ưu đãi về thuế trong dự thảo Luật đã được thể hiện theo nguyên tắc được quán triệt tại Thông báo Kết luận số 21-TB/TW ngày 22/3/2017 của Bộ Chính trị là phải bảo đảm ưu đãi vượt trội so với quy định hiện hành và cạnh tranh được với các đặc khu kinh tế trên thế giới để thu hút đầu tư. Phần lớn các ưu đãi về thuế trong dự thảo Luật đều có thời hạn, áp dụng cho các dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển và cần thiết để thu hút đầu tư trong giai đoạn đầu xây dựng các đặc khu.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội, tại cả 3 đặc khu đều xác định xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino là dự án thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển, cần thu hút đầu tư.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định phân tích, đây là các dự án đầu tư phức hợp đa chức năng với vốn đầu tư lớn, tối thiểu là 44.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư cho dịch vụ kinh doanh casino chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Do vậy, việc quy định dự án đầu tư thuộc lĩnh vực này được hưởng ưu đãi về thuế, tiền thuê đất như các dự án khác thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển là cần thiết để thu hút đầu tư và bảo đảm cạnh tranh quốc tế.
Tuy nhiên, đây cũng là ngành, nghề kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư, do đó, chính sách ưu đãi cũng cần được tính toán hợp lý, bảo đảm không gây thất thu cho ngân sách Nhà nước trong dài hạn. Trên cơ sở đó, các cơ quan thống nhất chỉnh lý theo hướng giảm một số ưu đãi đối với dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino so với dự thảo Luật Chính phủ trình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thành lập 3 đặc khu để thu hút đầu tư, tạo ra 3 vùng động lực kinh tế chứ không phải vấn đề Nhà nước đổ tiền vào rồi miễn giảm thuế. “Mục đích cuối cùng là đặc khu ra để được cái gì đó, bỏ ra 1 đồng để thu lại vài chục, vài trăm đồng chứ không thể 10 năm, 20 năm tới ngồi đánh giá tổng kết lại thấy không được gì”, Chủ tịch Quốc hội nêu.
Về chính sách ưu đãi đầu tư, Chủ tịch Quốc hội đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ để bảo đảm không có những chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài cao hơn nhà đầu tư trong nước, tạo môi trường bình đẳng cho mọi doanh nghiệp tham gia.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các phó chủ tịch Quốc hội tại phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển chỉ rõ, mục tiêu chính của 3 đặc khu là tạo ra động lực kinh tế có sức lan tỏa, phát huy được lợi thế so sánh của từng khu vực, do đó vấn đề hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu.
“Ba đặc khu này sẽ mang lại lợi ích gì cho đất nước, kết quả trong dài hạn như thế nào?”, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề và đề nghị trong báo cáo tiếp thu, giải trình của Chính phủ phải nghiên cứu nguồn lực cụ thể nhằm đảm bảo tính khả thi.
Liên quan đến chính sách miễn, giảm thuế, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý cần có quy định thể hiện tính nổi trội nhưng phải tính toán kỹ, vì không cẩn thận sẽ chẳng thu được gì nhiều lắm so với số bỏ ra, thậm chí tạo gánh nặng ngân sách, nhất là dùng chính sách miễn, giảm, giãn tràn lan. Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi tại sao ưu đãi kinh doanh bất động sản lên đến 10% trong khi đất ở những nơi thành lập đặc khu đang “sốt” dần, dễ là nơi “lướt sóng” chứ không phải đầu tư. Dẫn chứng ba đặc khu là những vùng đất có giá trị rất cao, có thông tin giá đất ở Vân Đồn đã tăng 2, 3 lần, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải toán chính sách hợp lý không nên miễn giảm quá mức như dự thảo Luật.
Làm rõ tiêu chí “đặc biệt”
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, thực hiện kết luận của Bộ Chính trị, quy định về thời hạn sử dụng đất trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý, cụ thể căn cứ vào quy mô, tính chất của dự án đầu tư và đề xuất của nhà đầu tư, Chủ tịch UBND đặc khu quyết định thời hạn sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh tại đặc khu nhưng không quá 70 năm. Trường hợp đặc biệt, thời hạn sử dụng đất có thể dài hơn nhưng không quá 99 năm do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, phải làm rõ thế nào là đặc biệt, tránh cho cơ chế đặc biệt tràn lan dẫn tới không đặc biệt nữa. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng cần phải làm rõ tiêu chí đặc biệt để khi vận hành, Thủ tướng không phải đi xin ý kiến chỗ này chỗ kia rồi mới quyết được dẫn đến thời gian bị kéo dài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, các đặc khu cần lập dự toán thu chi, bội chi theo ngân sách Nhà nước, nên quy định trong 10 năm ngân sách thu không điều tiết, để lại cho đặc khu lấy nguồn lực đầu tư. Đồng thời, chính quyền đặc khu phải chịu trách nhiệm toàn bộ về chi thường xuyên, từ giáo dục, y tế, bộ máy… Đặc khu có thể bội chi đến mức 90% so với mức thu trên địa bàn. Ngân sách trung ương sẽ tính toán để hỗ trợ trực tiếp cho ngân sách đặc khu và chỉ hỗ trợ đối với đầu tư xây dựng cơ bản.
Mô hình tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở đặc khu được chỉnh lý bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, kết luận của Hội nghị Trung ương 11 (khóa XI) và ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Theo đó, chính quyền địa phương ở đặc khu gồm có HĐND và UBND với những đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, mô hình tổ chức chính quyền địa phương như quy định trong dự thảo Luật rất gọn nhẹ và được phân cấp mạnh. Cụ thể, tổng số đại biểu của HĐND đặc khu không quá 15 người, trong đó đa số là đại biểu hoạt động chuyên trách. Chủ tịch UBND đặc khu được phân quyền mạnh, nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, cơ chế phân định rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ phòng ngừa sự lạm dụng quyền lực đã được thể hiện rõ trong dự thảo Luật.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ, dự thảo Luật cần quy định rõ tỷ lệ đại biểu chuyên trách phải ít nhất là 2/3. Băn khoăn theo dự luật sẽ không thành lập Thường trực HĐND, không có ban chuyên trách, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đặt câu hỏi: Khi UBND đặc khu trình các vấn đề về nhân sự, kinh tế ngân sách sang cho HĐND thì có cách nào, cơ chế nào để thẩm tra cho HĐND?
Ngoài ra, dự thảo Luật bổ sung một điều mới quy định về cán bộ, công chức thuộc bộ máy chính quyền địa phương ở đặc khu (Điều 64) và chỉnh lý cơ bản quy định về chính sách đối với người làm việc tại các cơ quan, tổ chức của chính quyền địa phương ở đặc khu (Điều 47). Theo đó, về cơ bản đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay ở 3 địa phương được sắp xếp lại để tiếp tục làm việc trong bộ máy chính quyền 3 đặc khu vẫn được xác định là cán bộ, công chức theo pháp luật về cán bộ, công chức.
Riêng bộ phận công chức chuyên môn được tuyển dụng mới thì sẽ thực hiện theo chế độ tuyển dụng có thời hạn để thử nghiệm chính sách mới. Việc tuyển dụng được thực hiện theo vị trí việc làm trên cơ sở nguyên tắc người sử dụng lao động trực tiếp tuyển dụng lao động đồng thời cải cách mạnh mẽ chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập ở đặc khu. Các nội dung trên đã được các cơ quan thống nhất trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý và được Chính phủ nhất trí.
Theo chương trình, chiều nay (16/4), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.
PV (T/h)