Quốc hội khóa XV dành toàn bộ ngày làm việc hôm nay 30/10, tại Kỳ họp thứ 6 để giám sát tối cao về chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Nhiều địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới
Đại biểu Phạm Văn Hoà, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh đoàn Đồng Tháp cho rằng, Chính phủ, Ban chỉ đạo cầu thị tiếp thu những ý kiến đóng góp của người dân, chuyên gia về khó khăn vướng mắc trong tổ chức thực hiện thời gian qua nên đã có chỉ đạo kịp thời tháo gỡ, sửa đổi bổ sung những văn bản chồng chéo, bất cập, cách làm phù hợp với tình hình thực tiễn của vùng địa phương.
Đại biểu nêu bất cập khi một số địa phương chưa ban hành tiêu chí nông thôn mới (NTM) phù hợp với vùng đồng bào dân tộc, miền núi, giải ngân chậm, vốn đối ứng cao gây khó khăn cho các tỉnh thu nhập thấp, xã được công nhận NTM hoặc nâng cao chưa thật sự bền vững, còn nợ tiêu chí, có sự du di để đạt tiêu chí, còn nặng thành tích để “bằng chị bằng em”, dẫn đến nợ đọng xây dựng cơ bản đến nay chưa xử lý được, cơ sở hạ tầng có dấu hiệu xuống cấp nhưng không có kinh phí sửa chữa.
Đại biểu cũng lưu ý việc vận động xã hội hoá rất khó khăn, mô hình sản xuất theo hướng bền vững, xanh, sạch còn chậm và nhân rộng còn là thách thức. Bên cạnh đó, năng lực của cán bộ làm công tác xây dựng NTM còn có những mặt hạn chế nhất định, lại luôn thay đổi do yêu cầu nhiệm vụ ...
“Việc chạy theo thành tích để đạt chuẩn là điều cần phải tránh, các tiêu chí phải đảm bảo, khi nào đạt thì mới công nhận”, ông Hoà nêu quan điểm.
Đại biểu đề nghị cần khắc phục việc hướng dẫn, phân bổ vốn Trung ương chậm vì “có vốn mà không giải ngân được hoặc chậm đến tay người dân là có lỗi với dân”.
Ông nêu thực tế, các xã khu vực 2,3 khi đạt chuẩn NTM thì không còn được hưởng các chế độ an sinh xã hội của Nhà nước nên biểu hiện chần chừ không muốn phấn đấu đạt chuẩn, thậm chí có xã đến ngưỡng rồi vẫn chần chừ, đó là nghịch lý. Do đó, cần phải hài hoà lợi ích trước mắt và lâu dài của các xã, để đạt sự đồng thuận cao.
Ngoài ra, cần khắc phục biểu hiện tự mãn của tổ chức, cá nhân khi đã đạt chuẩn NTM, thiếu tập trung chỉ đạo, kiểm tra, giám sát duy trì nâng chất lượng các tiêu chí, trông chờ ỷ lại vào cấp trên về kinh phí.
Vì sao Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giải ngân đạt rất thấp?
Hiện giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đạt rất thấp, dưới 50%, thậm chí có những dự án đạt dưới 10%, làm ảnh hưởng đến các chính sách an sinh xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị chỉ đạo quyết liệt để khắc phục, gắn với trách nhiệm. Bởi, giữa các địa phương cũng có kết quả giải ngân khác nhau trong khi có cùng một cơ chế, chính sách, thời điểm phân bổ, giao vốn...
Nhiều đại biểu cũng cảnh báo tình trạng tái nghèo và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Song theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định, ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là do thiết kế nội dung dự án cấu thành chương trình chưa có dự án cụ thể nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khoẻ người dân ở địa bàn khó khăn.
Ông phân tích, một nguyên nhân phổ biến gây tái nghèo là gia đình có người ốm đau, thậm chí cả họ dồn sức, tiền của chăm sóc rồi lại tái nghèo. Các bệnh lý phổ biến như huyết áp, đái đường... cần chăm sóc thường xuyên nhưng nguồn lực y tế cơ sở hạn chế nên tỷ lệ biến chứng rất cao ở các vùng quê nghèo.
“Nhà có người bệnh lên thành phố chữa trị là tiền của ra đi, thậm chí phải vay nợ, ra viện về không lao động được lại trở thành gánh nặng cho gia đình chăm sóc”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quan tâm việc chăm sóc sức khoẻ người già, trẻ nhỏ để tránh tình trạng như báo cáo giám sát đánh giá là giảm nghèo nhưng chưa được nâng cao chất lượng cuộc sống.
Không ít ý kiến cho rằng, công tác tuyên truyền chưa tốt, nhận thức người dân còn hạn chế nên có hiện tượng chưa muốn thoát nghèo. Tuy nhiên, đại biểu Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng cần phân tích căn cơ hơn.
“Người dân chưa muốn thoát nghèo vì từ cách làm đến chất lượng chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, chưa có sự bền vững hoặc tính bền vững chưa cao. Nó là ranh giới, hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Cách làm và chất lượng các chương trình đảm bảo bền vững cao thì người dân không ai muốn quay lại nghèo” – ông Tạ Văn Hạ nói.
Đồng tình về quản lý kết quả đầu ra, song theo ông Tạ Văn Hạ, phải tăng cường xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, nhất là cấp tỉnh.
“Địa phương tập trung làm nhà ở rồi thì tiền dự kiến cho làm nhà đó cho người ta giải quyết nước sạch, chứ thay đổi một chút lại trung ương xin điều chỉnh, phê duyệt thì rất mất thời gian, nhiêu khê. Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động”, ông Hạ đề xuất.
Xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy, Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh phân tích: Dự thảo Nghị quyết đã chỉ ra được những hạn chế, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm của Chính phủ và các bộ ngành. Tuy nhiên, ngoài chỉ cụ thể 03 ngành chủ trì 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và Bộ Kế hoạch Đầu tư, dự thảo vẫn còn kèm theo cụm từ “các bộ, ngành liên quan, trách nhiệm của cấp ủy chính quyền, ban ngành đoàn thể các cấp ở các địa phương”.
Đại biểu cho biết, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đan xen với nhau, cơ chế phối hợp rời rạc, chưa chặt chẽ, cơ chế giao trách nhiệm chưa thật sự rõ, nên dẫn đến khó trách nhiệm đến tận cùng, gây khó khăn cho việc khắc phục các vướng mắc.
Về giải pháp đề ra, đại biểu đề nghị không chỉ rà lại các chỉ tiêu, tiêu chí trong bộ tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với thực tiễn, mà phải rà soát đồng bộ cả tiêu chí của 03 chương trình mục tiêu quốc gia để không bị chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện. Việc xây dựng chỉ tiêu cần hết sức lưu ý để xác định sao cho phù hợp, việc xác định chỉ tiêu là rất quan trọng đối với việc xác định nguồn vốn, dự án và các bước thực hiện tiếp theo.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, trong xây dựng chỉ tiêu nông thôn mới, cần xem lại cách thức xây dựng bộ tiêu chí đã phù hợp chưa, vì có thể nhiều tiêu chí không thể hiên mục tiêu cần đạt, mà lấy phương tiện, cách thức thực hiện làm tiêu chí, dẫn đến rập khuôn, cứng nhắc, kết quả còn hình thức, thiếu thực chất.
Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ xác định các tiêu chí gắn với mục tiêu đạt được, còn cách thức, phương tiện đạt được mục tiêu đó thì giao cho các địa phương quyết định lựa chọn con đường để đạt được chỉ tiêu. Ngoài ra, cần huy động người dân và cộng đồng dân cư tham gia tích cực, chủ động trong xây dựng cộng đồng văn hóa ở khu dân cư mình sinh sống.
Đại biểu Nguyễn Công Long - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai phát biểu tranh luận: Trong dự thảo Nghị quyết đã có nêu xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu Quốc gia, các Bộ chủ quản…
Đại biểu Nguyễn Công Long cho rằng, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành đã rõ, tuy nhiên đây là một chương trình lớn, đại biểu đề nghị cũng cần làm rõ trách nhiệm của Quốc hội về việc thiết kế chương trình. Đại biểu đặt câu hỏi tại sao không thiết kế cùng một chương trình thay vì 03 chương trình để đảm bảo tính tổng thế? Thiết kế chương trình một cách khoa học hơn?
Đại biểu mong rằng trong dự thảo Nghị quyết, Quốc hội cũng thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm của mình trong việc hoạch định và xây dựng chính sách này.
PV (t/h)