Về cơ chế thí điểm, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tính toán theo hương cho cơ chế hoặc nguyên tắc, Chính phủ sẽ nghiên cứu một cách thấu đáo, cụ thể để trình Quốc hội, UBTVQH vào thời điểm thích hợp, với nguyên tắc chỉ thí điểm cho đến hết năm 2025, giai đoạn sau chúng ta sẽ thực hiện tư duy mới, cách làm mới, quy định mới.
Liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 156 hướng dẫn Luật Lâm nghiệp và trình Quốc hội sửa Luật Lâm nghiệp vì hiện đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, với nguyên tắc là làm sao để người giữ rừng có thể sống được từ rừng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, chúng ta có nhiều giá trị lớn để khai thác từ rừng. Và việc đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Lâm nghiệp nhằm giải quyết được những vướng mắc trước đây.
Không chỉ vướng mắc về tỉ lệ giải ngân, Phó Thủ tướng còn quan tâm đến chất lượng các dự án mà chúng ta đầu tư phải tốt, qua đó mong muốn các ĐBQH cùng đồng hành với Chính phủ có thể giải quyết tốt vấn đề này.
Cho rằng không chỉ vướng luật, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho rằng, hiện nay còn vướng cả những quy định, nghị định và thông tư, đồng thời hy vọng nếu vốn sự nghiệp được tháo gỡ thì cơ bản hành lang pháp ly được tạo điều kiện thuận lợi và việc hướng dẫn triển khai được thực hiện tốt hơn. Phó Thủ tướng hy vọng UBTVQH ủng hộ để ban hành Nghị quyết giám sát để tháo gỡ vướng mắc việc thực hiện các Chương trình này.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, Bộ Tài chính bày tỏ nhất trí với các nội dung như trong Tờ trình của Chính phủ. Bộ cũng đã có tham gia ý kiến với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đoàn giám sát...
Liên quan đến việc giao kinh phí sự nghiệp không phân theo lĩnh vực, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, hiện đang vướng Luật Ngân sách Nhà nước. Thực tế chúng ta đang cơ chế đối với Chương trình giảm nghèo bền vững và Chương trình dân tộc thiểu số là phân cho các bộ chủ quản quản lý các dự án nhánh. Việc thay đổi sẽ khiến các bộ không kiểm soát được kinh phí cho từng cái dự án đó nữa. “Đây điểm trừ của phương án này”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nêu quan điểm.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, cùng với việc đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cần nâng cao chất lượng của các công việc, tránh trường hợp giải ngân ồ ạt không đạt được hiệu quả, chất lượng như mục tiêu đã đề ra. Nếu giải ngân không có “van”, có “khóa”, không có kiểm tra, giám sát thì không đảm bảo phân bổ đúng mục đích, dễ dẫn đến thất thoát, tiêu cực, lãng phí, dó vậy, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, có 05 ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các thành viên Chính phủ đã giải trình thêm một số vấn đề đại biểu nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao công tác chỉ đạo 03 Chương trình mục tiêu quốc gia của Chính phủ, đã sớm phát hiện để đề xuất tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong thực tế. Đoàn Giám sát của Quốc hội đã thực hiện trách nhiệm được giao, bước dầu thẩm tra sơ bộ Tờ trình số 444 và có ý kiến chính thức trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
PV (lược ghi)