Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo ông Jonathan Pincus, Cố vấn quốc tế cao cấp của Chương trình Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP), đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, động lực chính của việc tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu (GVC) đã mang lại những lợi ích quan trọng cho Việt Nam với tư cách là một quốc gia dư thừa lao động.

Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia, là phương án thay thế hàng đầu khi chuyển dịch đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Dân số đông với thu nhập tăng lên ở Việt Nam cũng là một lợi thế thu hút những nhà đầu tư FDI tìm kiếm, khai thác thị trường...

Tuy nhiên, ông Jonathan Pincus cho rằng, giá trị thu hút được của FDI sẽ không quan trọng bằng quan hệ giữa DN FDI và DN trong nước, cần thu hút được FDI vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao hơn. Thách thức mà các nền kinh tế dư thừa lao động phải đối mặt là tận dụng FDI để bước vào các phân khúc công nghệ và thâm dụng vốn của chuỗi giá trị trước khi mức lương trong nước tăng và quốc gia mất khả năng cạnh tranh đối với những việc làm thâm dụng lao động.

“Gia tăng chiều sâu trong sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải tạo được động lực cho các DN trong nước đầu tư vào công nghệ và kỹ năng mới. Trong khi các công cụ truyền thống của chính sách đổi mới quốc gia không còn nữa, Chính phủ phải tư duy sáng tạo về các công cụ có thể sử dụng nhằm thúc đẩy đầu tư trong nước và nâng cao vị thế trong phạm vi của các hiệp định đã ký. Chính phủ cũng phải xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy sự phát triển của các trung tâm công nghiệp nhằm đạt được hiệu quả kinh tế theo quy mô và thu hút đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển”, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, dòng FDI chất lượng cao không chỉ có quy mô vốn và hàm lượng công nghệ cao, mang lại hiệu ứng lan tỏa công nghệ, sức cạnh tranh và giá trị gia tăng cao của sản phẩm mà còn cho phép định vị chuỗi cung ứng giá trị và vị thế mới cho nước tiếp nhận đầu tư trong mạng sản xuất, công nghệ, cũng như cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, bất động sản và dịch vụ toàn cầu.

Tuy nhiên, dòng dự vốn này thường “khó tính”, dù luôn được các nước trên thế giới chào đón nhưng không mặc định tự chảy vào bất kỳ nước nào, kể cả nước có nhu cầu và cả lợi thế so sánh cao.

Bởi vậy, để không bỏ lỡ cơ hội tăng thu hút FDI chất lượng cao, phấn đấu đạt tỉ lệ DN sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, hướng đến công nghệ cao tăng 50% vào năm 2025 và 100% vào năm 2030 so với năm 2018 theo tinh thần Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cần tầm nhìn chiến lược, các chủ trương đúng đắn và kế hoạch cụ thể, với môi trường thể chế, đội ngũ nhân lực chuyên trách thích hợp mà Nghị quyết số 58/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 50-NQ/TW đã nêu rõ.

Theo đó, trước hết, cần xây dựng đồng bộ các tiêu chí về dự án FDI chất lượng cao phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước và xu hướng khoa học công nghệ thế giới; tập trung phát triển hạ tầng và cải thiện quản lý một số khu công nghiệp trọng điểm dành riêng tiếp nhận các dự án FDI quan trọng.  

Xây dựng các danh mục dự án, lĩnh vực cần thu hút FDI chất lượng cao trong quy hoạch quốc gia tổng thể; chủ động xây dựng và triển khai các kê hoạch xúc tiến, vận động đầu tư chuyên ngành, chuyên nghiệp và có tính đặc thù cao, để tiếp cận, mời gọi, nghiên cứu đáp ứng các nhu cầu và yêu cầu của các chủ đầu tư dự án FDI chất lượng cao, đặc biệt về bảo vệ sở hữu trí thuệ, khắc phục tình trạng tham nhũng, cải thiện môi trường cạnh tranh bình đẳng, các ưu đãi thuế, đất đai, lao động, cơ sở hạ tầng và thể chế quản lý liên quan…

Phát triển các DN công nghiệp hỗ trợ có tiềm năng đáp ứng nhu cầu tham gia mạng lưới sản xuất của các công ty đa quốc gia sắp đầu tư ở Việt Nam.

Bên cạnh việc thúc đẩy các dự án đầu tư công nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp các khu công nghiệp được hưởng lợi trong dài hạn, cần biến các nhu cầu đầu tư mở rộng và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Việt Nam thành cơ hội thu hút các dự án FDI chất lượng cao trong lĩnh vực này.

Đồng thời, cũng cần chủ động vượt qua các thách thức trong thu hút FDI chất lượng cao, như sự hạn chế của quỹ đất sạch và cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ - cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi; sự thiếu hụt số lượng và cơ cấu nguồn lao động lành nghề, có kỹ năng chuyên sâu; sự gia tăng áp lực cạnh tranh và sức ép bị thâu tóm với DN nội địa…

“Cuối cùng, để không bỏ lỡ cơ hội thu hút FDI chất lượng cao cần có tư duy mới, với cách làm mới, đáp ứng đúng, nhanh hơn, tốt hơn yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu và thân thiện môi trường; khắc phục dự án vốn mỏng, chuyển giá, đầu tư "chui, núp bóng", công nghệ thấp và các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện phức tạp cả trong nước và quốc tế”, TS. Minh Phong đặc biệt nhấn mạnh.

T.Nguyên