Thu hút vốn FDI chất lượng cao mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước (Ảnh minh họa)
Sáng nay (4/9/2020), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức Tọa đàm “Thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài: Hành động và giải pháp đột phá”. Khách mời tham gia Tọa đàm là ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE); TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (Ciem).
Theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua. Theo các chuyên gia, đây là dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, để tận dụng được làn sóng đầu tư mới này, các chuyên gia cũng khuyến nghị, Việt Nam cần phải có cách làm khác trước đây. Đó là tiếp tục cải cách thể chế tạo thuận lợi cho môi trường đầu tư, chủ động và nhất quán về chính sách thu hút đầu tư, đồng thời chính các doanh nghiệp trong nước cũng phải chủ động hơn nữa. Có như vậy Việt Nam mới tận dụng được cơ hội vàng để đón các nhà đầu tư nước ngoài đến hợp tác, đầu tư, biến các tiềm năng thành sức mạnh cho nền kinh tế và tham gia vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu.
Tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết, trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới dòng vốn đầu tư toàn cầu, theo đó, dòng vốn đầu tư của trên thế giới đều giảm sâu, thậm chí là âm. Ở Việt Nam vốn đầu tư mới, tăng thêm và giải ngân đều giảm.
Tuy nhiên, số dự án đăng ký mới tăng 6,6%; tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 4,87 tỷ USD, tăng 22,2% so với cùng kỳ và con số về xuất nhập khẩu của Việt Nam chỉ giảm từ 5-6%. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp FDI bị tác động nhưng rất ít, xuất nhập khẩu có tác động nhưng tần suất quan tâm của các nhà đầu tư tới Việt Nam đều tăng lên. Các nhà đầu tư rất quan tâm tới đầu tư tại Việt Nam, mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam kết nối vào chuỗi giá trị toàn cầu.
TS. Nguyễn Đình Cung phân tích, cho tới nay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chủ yếu từ châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan mà có rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và châu Âu bởi những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng lao động thấp, rất phù hợp với chúng ta khi muốn cơ cấu lại.
TS. Cung cho rằng, chính sách, luật pháp phải ổn định, trong văn bản phải cụ thể, trên thực thi phải dự đoán được, không có nhiều những chi phí phi chính thức…Điều này với nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu là cực kỳ quan trọng vì họ tuân thủ tuyệt đối luật pháp, tránh rủi ro pháp lý.
“Khi tiến hành cải cách, cải thiện môi trường đầu tư cũng cần nhìn rõ điều này, hạ tầng phải đồng bộ. “Đường làng, đường tỉnh” đã đầy chông gai thì khi ra cao tốc, chân tay không tròn vẹn nữa. Phải thay đổi cách tiếp cận chính sách, với từng nhà đầu tư khác nhau thì thiết kế các gói chính sách may đo, không may sẵn. Khi đó mới đáp ứng nhu cầu yêu cầu”, TS. Cung nhấn mạnh.
Bàn về vấn đề nguồn nhân lực, ông Toàn bày tỏ sự đồng tình với quan điểm tính kỷ luật và làm theo khuôn mẫu vẫn là nhược điểm của lao động Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, nếu được định hướng đúng thì nhân lực Việt Nam sẽ khởi sắc Việc đào tạo nguồn nhân lực phải trong ngắn, trung và dài hạn
Còn theo TS. Cung, trong một dự án đầu tư với quy mô tương ứng thì phải xác định cần bao nhiêu lao động, từ đó cùng nhà đầu tư thiết kế chương trình hỗ trợ đào tạo cho từng dự án, từng loại nhà đầu tư, cách tiếp cận như vậy đáp ứng yêu cầu của cả hai bên. Đó là yêu cầu ngắn hạn, còn cải cách giáo dục mang tính dài hạn hơn.
Một vấn đề đáng lo ngại là doanh nghiệp trong nước còn gặp nhiều khó khăn, sự liên kết với nhau còn yếu nên không tham gia nhiều vào chuỗi giá trị, cũng như không có nhiều doanh nghiệp phụ trợ. Yếu tố quan trọng là chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc, nếu giải quyết được vấn đề mang tính cơ bản đó thì sẽ chớp được thời cơ tới.
Thu hút vốn FDI chất lượng cao mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong nước. Để hiện thực hóa cơ hội, doanh nghiệp phải có quyết tâm, có tầm nhìn, nâng tư thế của mình lên để bắt tay sòng phẳng với nhà đầu tư nước ngoài. Những con chim đầu đàn, những doanh nghiệp lớn dẫn dắt doanh nghiệp nhỏ tham gia vào cuộc chơi.
Đề cập sâu tới khía cạnh nâng cấp doanh nghiệp, ông Hoàng cho rằng, có 3 cách nâng cấp. Cách thứ nhất là từ chính doanh nghiệp đó, đối tác nâng cấp và nhà nước có chính sách hỗ trợ.
Cách thứ 2 là doanh nghiệp mua vào doanh nghiệp FDI có công nghệ, tham gia vào chuỗi và từ đó nâng dần, làm chủ công nghệ.
Cách thứ ba là doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài, mua vào các công ty công nghệ cao, học hỏi, làm chủ công nghệ, mang trở về đầu tư vào Việt Nam để làm ra sản phẩm Made by Việt Nam.
“Cần phải cụ thể hóa chứ nói chung chung thì không biết nâng cấp kiểu gì, tránh loay hoay như câu chuyện quả trứng con gà”, ông Hoàng nói.
Trần Nguyên