Theo Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn, phía nước bạn Trung Quốc đã xây tường rào kín hơn 200 km, tiến hành gắn hơn 700 camera giám sát trên toàn tuyến biên giới, kèm theo đó là hệ thống đèn chiếu sáng, loa cảnh báo… Do vậy việc vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường mòn, lối mở, đồi núi khu vực giáp biên đã giảm mạnh và hầu như không còn.

Tuy nhiên, đôi khi vẫn xuất hiện hiện tượng các đối tượng lén lút vận chuyển hàng hóa, thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19, kit test thử nhanh qua biên giới với số lượng nhỏ lẻ ở Tân Thanh, Chi Ma và cơ quan chức năng đã đấu tranh, ngăn chặn, xử lý, kịp thời...

Ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Về gian lận thương mại, lợi dụng quy trình hải quan điện tử, hàng hóa được phân luồng xanh, luồng vàng (miễn kiểm tra thực tế), một số cố tượng đã cố tình khai sai về tên hàng, số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ... để trục lợi hay một số lợi dụng hình thức chuyển phát nhanh, hoạt động thương mại điện tử, hàng hóa quá cảnh để gian lận thương mại, trong đó có hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ. Trong khu vực nội địa, việc gian lận thương mại chủ yếu liên quan đến an toàn thực phẩm, đo lường”.

Gần 400 chai rượu tây nhập lậu qua đường sông tại địa bàn cửa khẩu Bình Nghi (huyện Tràng Định, Lạng Sơn) đã bị lực lượng chức năng phát hiện với trị giá lô tang vật ước tính 1,2 tỷ đồng
Gần 400 chai rượu tây nhập lậu qua đường sông tại địa bàn cửa khẩu Bình Nghi (huyện Tràng Định, Lạng Sơn) đã bị lực lượng chức năng phát hiện với trị giá lô tang vật ước tính 1,2 tỷ đồng.

Theo Đại tá Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có những vụ việc vận chuyển tiền tệ trái phép qua biên giới. Các đối tượng lợi dụng thông qua các hợp đồng thương mại để hợp pháp hóa các hóa đơn chứng từ, kê khống hóa đơn để xuất bán hàng sang phía Trung Quốc dù thực tế không có hàng và tiền chuyển đi nước ngoài thì đại đa số là ngoại tệ.

Thời gian qua, Công an tỉnh Lạng Sơn đã xử lý và khởi tố nhiều vụ việc như vậy, điển hình có sự việc từ năm 2020 đến năm 2022 (thời điểm bị phát hiện), các đối tượng đã tổ chức chuyển đi thành công ra nước ngoài với tổng số tiền hơn 100 triệu USD. Đây là hình thức gian lận thương mại mới và gây rất nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng.

Bên cạnh đó, một số khó khăn còn tồn tại như sự phối hợp giữa các đơn vị chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả; Công tác hỗ trợ tư pháp về kinh tế của phía Trung Quốc trong quá trình điều tra xác minh còn nhiều khó khăn…

Ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động chống buôn lậu của các đơn vị chức năng, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành, địa phương; đơn vị liên quan; đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kịp thời động viên khích lệ tinh thần cho cán bộ, công chức, chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chống buôn lậu.

Cùng với đó đảm bảo thực hiện việc điều động, thay đổi vị trí cán bộ phù hợp để phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng xảy ra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với những cán bộ, công chức, chiến sỹ có dấu hiệu tiêu cực, tiếp tay cho buôn lậu, để phát sinh diễn biến phức tạp, nổi cộm về buôn lậu trên địa bàn tỉnh./.

Tâm An