Lợi dụng tình hình này, các đối tượng tiếp cận những người bị hại trong các vụ lừa đảo để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với họ.
Theo đó, các đối tượng lập ra các tài khoản, fanpage, website trên không gian mạng mạo danh các đơn vị của Bộ Công an, công ty luật, văn phòng luật sư quảng cáo về các dịch vụ (“tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”, “thu hồi tiền treo trên sàn thương mại điện tử”, “thu hồi tiền treo không cần cọc”...) với cam kết chỉ thu tiền sau khi người dân đã lấy lại được tiền lừa đảo.
Việc lập ra các tài khoản, fanpage, website giả mạo nêu trên nhằm tiếp cận người dân đang là nạn nhân bị lừa đảo rồi lợi dụng tâm lý tiếc tiền, cần lấy lại tài sản đã mất của họ để tiếp tục thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản lần hai đối với những người nhẹ dạ.
Khi người dân chủ động liên hệ, các đối tượng sẽ yêu cầu họ cung cấp thông tin cá nhân và thông tin về vụ việc đã bị lừa đảo; cài đặt, tải các ứng dụng khác như: Zalo, Telegram… để tiện liên hệ và yêu cầu người dân chuyển tiền để làm thủ tục, hồ sơ. Thậm chí, chúng sẽ sử dụng các phần mềm chỉnh sửa ảnh, văn bản để tạo ra các tài liệu giả khiến người dân tin tưởng về việc hồ sơ của mình đã được tiếp nhận, xử lý.
Sau đó kẻ lừa đảo lấy nhiều lý do như: Cần thêm tiền để hồ sơ được xét duyệt, hồ sơ thiếu thông tin, lỗi hệ thống để yêu cầu người dân tiếp tục chuyển khoản với số tiền lớn hơn, nhằm thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an khuyến cáo người dân, đặc biệt là các nạn nhân đã bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng không nghe theo, không chuyển tiền, không liên hệ với các website, fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ “tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền bị treo”, “thu hồi tiền lừa đảo”... trên không gian mạng.
Minh Đức