Ở tuổi 90, nhờ tình yêu thương và sự chăm sóc của gia đình, ông đã trải qua quá trình hồi phục một cách diệu kỳ. Không còn phải đối mặt với những cơn đau đầu ám ảnh, ông dành những năm tháng an yên để làm thơ, đánh đàn và kể lại câu chuyện về một thời kỳ lịch sử oanh liệt, để lại bài học sâu sắc về ý chí và tình yêu cuộc sống cho thế hệ hôm nay.

Hành trình đầu tiên của chàng chiến sĩ trẻ

Ông Nguyễn Mạnh Ninh, sinh năm 1934 - một người chiến sĩ đã trải qua 3 cuộc kháng chiến lớn của dân tộc và cũng là một trong những chiến sĩ trẻ nhất trong Chiến dịch Điện Biên Phủ được Bác Hồ tận tay trao huy chương danh dự. Hiện bức ảnh còn được lưu trong sách giáo khoa và Viện Bảo tàng cũ.

Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Mạnh Ninh hồi tưởng về những ngày tháng sục sôi tuổi trẻ trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Năm 1949, khi mới 16 tuổi, làng quê Hà Nam của ông bị giặc Pháp tấn công và thiêu rụi. Trước cảnh nước mất nhà tan, ông tham gia làm du kích xã, cùng đồng đội chiến đấu bảo vệ quê hương. Sau hơn một năm hoạt động tích cực, ông được triệu tập lên Trung đoàn Thủ đô, chính thức trở thành một thiếu sinh quân.

Năm 1950, trong một lần đi lấy nước cho ngựa uống tại vùng núi Cao Bằng, ông tình cờ gặp được Sư đoàn trưởng Lê Trọng Tấn - người chỉ huy Đại đoàn 312, tiền thân của Sư đoàn 312 sau này. Chính cuộc gặp gỡ định mệnh ấy đã đưa ông vào hàng ngũ của Sư đoàn 312 - đơn vị quân đội tinh nhuệ, gắn liền với nhiều chiến thắng vang dội trong lịch sử dân tộc.

Gia nhập Sư đoàn 312, dưới sự chỉ huy của Thượng tướng Hoàng Cầm, ông Nguyễn Mạnh Ninh đã tham gia và đóng góp vào nhiều chiến dịch quan trọng trong lịch sử dân tộc: Chiến dịch Đông Khê (1950), Chiến dịch Hòa Bình (1951), Chiến dịch Thượng Lào (1952), Chiến dịch Tây Bắc và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ (1953) - trận chiến lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.

Hành trình chiến đấu của ông Nguyễn Mạnh Ninh không chỉ là câu chuyện của một con người, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần yêu nước và ý chí sắt đá của cả một thế hệ chiến sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp.

Hồi tưởng về lần gặp Bác

Ông Nguyễn Mạnh Ninh xúc động hồi tưởng lại những ngày tháng lịch sử trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đêm 13/3/1954, tiếng súng mở màn chiến dịch vang lên tại Him Lam, đánh dấu trận đầu tiên của Chiến dịch. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông đang thực hiện nhiệm vụ tại Mường Pồn nên không trực tiếp tham gia trận Him Lam. Khi trở về đơn vị, cứ điểm Him Lam đã được giải phóng. Sau đó, ông cùng đồng đội bước vào những ngày đêm vất vả với chiến thuật đánh lấn: Ban ngày nghỉ ngơi, ban đêm đào “công sự” để tiếp cận từng bước đến mục tiêu.

Trong suốt chiến dịch Điện Biên Phủ, ở giai đoạn 2, ông tham gia bốn trận đánh quan trọng tại các cứ điểm đồi D1, D2, đồi E và đồi D. Ông nhớ như in khoảnh khắc lịch sử khi Chiến dịch bước vào hồi kết. Đội của ông, dưới sự chỉ huy của Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, nhận nhiệm vụ tấn công hầm chỉ huy của địch - nơi tướng De Castries ẩn náu. Khi đơn vị hành quân vào trận địa, trung đội trưởng của ông dẫn một nhóm đi theo hướng khác. Chỉ có ông Hoàng Đăng Vinh cùng Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật đi đúng hướng và trực tiếp bắt sống tướng De Castries, đánh dấu một chiến thắng vang dội.

Sau chiến thắng, ngày 19/5/1954, lễ báo công được tổ chức mừng sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Mạnh Ninh kể lại câu chuyện đặc biệt: Trước buổi lễ, Bác Hồ hỏi ông Tạ Quốc Luật: “Đơn vị chú có chiến sĩ nào ít tuổi không?”. Nửa ngày sau, ông được gọi về chuẩn bị tham dự buổi lễ. Người chỉ huy hỏi ông: “Có bộ quần áo nào đẹp không?”. Khi ấy, mỗi chiến sĩ chỉ được phát một bộ quân phục do Tiệp Khắc viện trợ, đồng loạt không phân cỡ. Bộ quân phục “đẹp nhất” để diện kiến Bác là một bộ quần áo siêu rộng, không vừa người nhưng lại trở thành kỷ niệm không thể nào quên.

Những vết sẹo của lịch sử

Sau Chiến dịch Hòa Bình, ông tiếp tục tham gia vào Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Tại những ngọn đồi cỏ cháy, nơi địch liên tục oanh tạc bằng bom napalm - thứ vũ khí hủy diệt với hỗn hợp xăng và hóa chất dễ cháy, ông bị mảnh đạn ghim vào chân phải. Vết bỏng nghiêm trọng khiến ông đau đớn tột cùng, nhưng nhờ kinh nghiệm chiến trường, ông nhanh chóng lấy đất và cát đắp lên vết thương để ngăn không cho lửa lan rộng.

Ông được chuyển về điều trị tại bệnh xá Mường Pồn trong một tuần. Những ngày nằm lại đây, lòng ông luôn sục sôi tinh thần chiến đấu: “Ai cũng chỉ mong mau khỏi để trở về chiến đấu, chẳng ai muốn ở lại phía sau” - ông hồi tưởng. Khi vết thương hồi phục, ông trở lại đơn vị, tiếp tục tham gia các trận đánh quan trọng.

Tại chiến trường Lào (1966), ông đối mặt với một trong những trận đánh khốc liệt nhất. Trận địa của ông được bố trí 4 khẩu pháo ở 4 góc, hầm chỉ huy đặt ở trung tâm. Khi không có báo động, các chiến sĩ cắm một cây gậy bên cạnh hầm của mình để đánh dấu vị trí.

Hôm đó, máy bay địch bất ngờ oanh tạc, bom nổ liên tiếp, hơi bom hất ông bật lên khỏi vị trí, mảnh bom xuyên vào mũ sắt, và đất đá từ vụ nổ phủ kín hầm chỉ huy. Trong khoảnh khắc hiểm nghèo, nhờ cây gậy cắm lộ ra khỏi lớp đất đá, đồng đội phát hiện vị trí của ông và nhanh chóng đào bới.

“Khi được kéo lên, không khí ùa vào khiến tôi cảm thấy dễ chịu vô cùng, rồi ngất lịm đi” - ông kể lại. Khi tỉnh dậy, câu hỏi đầu tiên của ông không phải về bản thân mà là về đơn vị: “Quân số còn bao nhiêu? Vũ khí đạn dược ra sao?”. Nhận được báo cáo rằng chỉ có một đồng chí hy sinh và cơ số đạn vẫn bảo toàn, ông mới yên lòng.

Sau đó ông được đưa về điều trị tại Bệnh viên Quân đội 108, tuy nhiên những chấn thương đã ảnh hưởng đến não bộ và hành vi của ông và từ đó cũng khép lại sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc ở tuổi 38.

Những vết sẹo trên cơ thể ông không chỉ là dấu tích của đau đớn, mà còn là biểu tượng của tinh thần thép, sự hy sinh lớn lao của một thế hệ anh hùng đã hiến dâng cả tuổi trẻ cho sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Sự hồi phục diệu kỳ

Sau những năm tháng chiến đấu ác liệt, ông Nguyễn Mạnh Ninh được giải ngũ và trở về gia đình. Tuy nhiên, di chứng của chiến tranh đã để lại những vết thương không chỉ trên cơ thể mà còn trong tâm hồn ông. Những chấn thương và ký ức đau thương thường xuyên ám ảnh, khiến ông đôi lúc mất kiểm soát hành vi, ảnh hưởng sâu sắc đến sinh hoạt gia đình và cuộc sống thường ngày.

Vợ của ông chia sẻ: “Thời đó, vẫn còn tránh bom. Mỗi khi tránh bom, ông không chịu vào hầm mà chạy mãi ra đường, rồi lăn xuống ao. Hàng xóm phải lội xuống ao kéo ông lên, đặt nằm trên cái chõng và trói tay chân lại”.

Cuối năm 1968, đầu 1969, ông lại chịu một trận chấn thương thần kinh nghiêm trọng hơn. Trong cơn bệnh, ông ném bỏ tất cả giấy tờ quan trọng, khiến gia đình phải làm thủ tục để ông được kết nạp Đảng lần thứ hai.

Vợ của ông nhớ lại, dù đối mặt với bệnh tật của chồng, bà vẫn kiên trì đảm nhiệm cả vai trò làm mẹ, làm vợ, và cả một đảng viên tận tụy. Có những hôm bà phải cõng con đi họp chi bộ vào ban đêm, len lỏi đến những nơi xa xôi. Những buổi họp ở quán tỉnh kéo dài, trở về nhà trong đêm tối, bà vẫn phải đối mặt với tình trạng đau đầu không kiểm soát được của chồng.

“Ông lên cơn thì khổ lắm” - bà kể. Có lần, khi bệnh tái phát, ông trèo lên cây tre, vừa hét to “xung phong, xung phong!” vừa gào thét. Khi được kéo xuống, ông ngồi khóc, thương con và tự dằn vặt bản thân.

Những ngày nắng nóng cũng là nỗi ám ảnh lớn với cả gia đình. Ông không chịu được cái nóng, đầu ông liên tục đau và phải ngâm mình trong nước để hạ nhiệt. Có lần, khi bệnh tái phát nặng, ông đánh con trong cơn mất kiểm soát. Nhưng ngay sau đó, ông lại khóc vì thương con, hối hận vì hành động của mình.

Dù phải gánh chịu những nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần, ông và vợ vẫn không buông xuôi. Bà luôn ở bên, vừa làm ruộng, vừa chăm sóc chồng con, vừa hoàn thành trách nhiệm của một đảng viên. Sự tận tụy, hy sinh của bà là điểm tựa để ông dần vượt qua những chấn thương tâm lý, từng bước lấy lại sự bình ổn trong cuộc sống.

Chuyện tình “Anh bộ đội 10 ngày”

Trước kháng chiến chống Mỹ, ông là lính bộ binh, nhưng sau đó ông chuyển sang lính pháo cao xạ. Năm ấy, đơn vị của ông đóng quân từ Thái Nguyên về Sóc Sơn, ngay tại nhà ông nội của bà.

Mỗi sáng, hai người tình cờ gặp nhau khi đánh răng, rửa mặt bên giếng, nhưng chỉ trao nhau những ánh nhìn ngại ngùng mà không trò chuyện. Lặng lẽ và tự nhiên, mối cảm mến dần nảy nở giữa hai con người trong bối cảnh chiến tranh đầy căng thẳng.

Một thời gian sau, ông xin phép gia đình mình ở Hà Nam để xây dựng gia đình tại đây. Bố ông còn cử anh trai thứ năm lên Sóc Sơn để “kiểm tra tình hình” và xác nhận rằng lời ông nói là sự thật. Sau khi được sự đồng thuận của hai bên, ngày 22/6/1963, khi ông 30 tuổi và bà vừa tròn 20, hai người chính thức tổ chức hôn lễ.

Bà vừa là dân quân vừa là đảng viên từ năm 1963. Dân làng lúc ấy trêu đùa rằng bà lấy “Anh bộ đội 10 ngày”, bởi chỉ 10 ngày sau lễ cưới, ông đã phải tiếp tục hành quân, lần này là sang Lào, trực thuộc đoàn 559, đơn vị pháo cao xạ. Đó là giai đoạn ác liệt khi máy bay Mỹ liên tục oanh tạc, còn đội pháo cao xạ của ông thì đến các điểm nóng, phục kích máy bay để bảo vệ những tuyến giao thông chiến lược như đường mòn Hồ Chí Minh.

Nhờ sự chăm sóc tận tụy của gia đình, ông Nguyễn Mạnh Ninh, ở tuổi 90, đã có sự hồi phục kỳ diệu cả về thể chất lẫn tinh thần. Những cơn đau đầu ám ảnh ông suốt nhiều năm giờ đây không còn nữa, và trí óc ông ngày càng minh mẫn.

Tận dụng khoảng thời gian bình yên bên gia đình, ông dành tâm sức cho niềm đam mê thơ ca và âm nhạc. Những vần thơ giàu cảm xúc và tiếng đàn sâu lắng của ông không chỉ là sự kết tinh từ ký ức chiến tranh, mà còn là minh chứng sống động cho tinh thần lạc quan và khát khao sống trọn vẹn dù đã bước sang tuổi xế chiều.

Cuộc đời ông Nguyễn Mạnh Ninh là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng đong đầy ý nghĩa. Từ một người lính anh dũng trên chiến trường đến một người chồng, người cha mẫu mực, ông không chỉ để lại di sản tinh thần quý báu cho gia đình mà còn là hình mẫu về nghị lực, sự kiên cường và niềm tin yêu cuộc sống.

Ở tuổi 90, ông không chỉ hồi sinh từ những "vết sẹo của lịch sử" mà còn tiếp tục truyền cảm hứng, để lại bài học sâu sắc về ý chí và tình yêu cuộc sống cho các thế hệ mai sau.

Xuân Toàn - Đan Linh