Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2021, tổ chức ngày 14/12, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhìn nhận: Logistics là ngành dịch vụ được ví như là những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, thị trường logistics tại Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức quốc tế đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng để phát triển mạnh mẽ, nhất là sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi, tăng trưởng trở lại.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế địa kinh tế của Việt Nam; năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp, chi phí logistics còn cao; sự liên kết giữa các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp dịch vụ logistics chưa chặt chẽ, kém hiệu quả.
Trao đổi tại Diễn đàn, ông Thân Đức Việt thẳng thắn: “Thời điểm dịch bùng phát, May 10 không có container để xuất khẩu. Trớ trêu thay là khi có container rồi thì chúng tôi lại không có tàu để xuất, đến khi có tàu rồi thì lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi. Có thời điểm, chúng tôi mất 6 tuần để tìm container và tàu để xuất khẩu. Thiệt hại rất khủng khiếp về tiến độ giao hàng. Đã vậy, chi phí vận chuyển đang quá đắt đỏ, tăng đột biến.
Mỗi năm, May 10 xuất nhập khẩu khoảng 2.000 container và 120.000 m3 hàng hóa và mất khoảng 12.000 tờ khai. Mỗi lần khai là chi phí lại đội lên. Tính trung bình, năm 2021 chi phí vận chuyển tăng 19% so với năm 2020 còn so với năm 2019 thì chi phí vận chuyển đã tăng lên đến 38%”.
Không chỉ vậy, lãnh đạo May 10 còn nhận định "vấn đề thu các loại phí logitics đang gây ra quá nhiều phiền toái". Thu phí của đại lý giao nhận áp dụng các mức không đồng đều, riêng phí CFS có đại lý thu 8 USD/m3, có đại lý lại thu 15 USD/m3. Phí vệ sinh container cũng thu theo các mức không đồng nhất, nơi thì thu 200.000-300.000 đồng/container, nơi thì thu 600.000 đồng/container".dịch vụ
Chia sẻ về giá cước vận tải biển, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xác nhận, thời điểm này năm 2020, giá cước container sang bờ đông nước Mỹ chỉ khoảng 3.500-4.000 USD/container. Nhưng nay, vẫn cung đường ấy, giá cước đã lên tới 15.000 USD, thậm chí 18.000 USD/container.
"Giá vận chuyển container trên một số tuyến chính đều tăng trên 100%, có nơi trên 200%. Trong khi đó, có đến 80% hàng hóa trên thế giới vận chuyển bằng đường biển. Doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam hiện có hơn 10 loại phí phải chịu đối với một container hàng xuất như: Phí chứng từ, phí xếp dỡ, phí vệ sinh container, phí cân bằng container, phí khai trọng lượng; vấn đề tỉ giá áp tùy tiện… rất nặng nề và phiền toái. Có thể nói, chi phí logistics đang tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp", ông Lê Quang Trung cho hay.
Các chuyên gia kinh tế nhận định: Logistics ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi, phát triển của nền kinh tế năm 2022. Vì vậy, các hoạt động liên quan đến logistics cần có giải pháp căn cơ tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, lưu thông, nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa.
Theo thống kê của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2020 và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10-30% so với cùng kỳ năm 2020.
Q.N (t/h)