Theo cập nhật từ VASEP, việc đóng cửa bến cảng Yantian, Diêm Điền, Trung Quốc, cửa ngõ bận rộn thứ ba trên thế giới, do đại dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 5 đã gây ra hiệu ứng gợn sóng. Dù cảng này đã mở cửa trở lại vào tháng 7, nhưng chuỗi cung ứng vẫn bị tắc nghẽn.

Cảng Ninh Ba, Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa vào ngày 16/8 sau khi có một công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2, nhưng cảng này đã mở cửa trở lại theo từng giai đoạn sau đó vài ngày.

Cảng Cát Lái cũng đã tạm thời phải đóng cửa vào đầu tháng 8 do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cảng đã trở lại hoạt động bình thường vào ngày 11/8 và tỷ lệ container chưa được xử lý đã tăng lên 85%. Tuy nhiên, TP.Hồ Chí Minh hiện vẫn đang áp dụng các biện pháp giãn cách khiến cho việc di chuyển bị hạn chế và số ca nhiễm tăng cao, điều này tiếp tục ảnh hưởng tới hoạt động của cảng Cát Lái.

Theo VASEP việc các cảng đóng cửa tạm thời đã gây áp lực lên giá cước vận chuyển vốn đã rất đắt đỏ. Điều này khiến giá sản phẩm cá ngừ đến tay người tiêu dung tăng cao khiến hàng khó tiêu thụ.

Bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP cho biết, gần đây, giá giao một container cá ngừ đóng hộp từ Bangkok sang Mỹ vẫn cao gấp 3-4 lần so với năm ngoái. Hiện chi phí vận chuyển tối thiểu một container từ Bangkok sang Mỹ là 10.000 USD, như vậy cước vận chuyển 1 thùng 48 hộp cá ngừ có trọng lượng 5oz sẽ vào khoảng 5 USD. Trong khi năm ngoái, giá cước 1 thùng cá ngừ đóng hộp như vậy chỉ khoảng 1 USD.

giá giao container cá ngừ đóng hộp tăng chóng mặt khiến giá thành sản phẩm cá ngừ đến tay người tiêu dùng tăng cao
Giá giao container cá ngừ đóng hộp tăng chóng mặt khiến giá thành sản phẩm cá ngừ đến tay người tiêu dùng tăng cao

Theo web Container xChange, chi phí vận chuyển hàng hoá của cảng Yantian đã tăng gần 3 lần, từ 5.515 USD trong tháng 6/2021 lên 15.336 USD trong tháng 8.  Trong khi đó, chi phí vận chuyển tại các cảng như Thượng Hải tăng ít hơn nhiều, tăng từ 4.468 USD lên 5.570 USD.

Tại TP. Hồ Chí Minh, giá vận chuyển các sản phẩm đóng hộp trong container 20ft đã tăng gần gấp đôi, từ mức 2.872 USD trong tháng 5 lên 4.875 USD trong tháng 8. Giá cước vận chuyển từ Châu Á tới Nam Mỹ đã tăng từ 2.500 USD lên 12.000 USD/container.

Theo bà Hà, điều này đã gây áp lực lên khả năng cạnh tranh của các nhà sản xuất đồ hộp Thái Lan tại khu vực Châu Á, trong khi các nhà sản xuất đồ hộp Ecuador lại tăng khả năng cạnh tranh do họ có thể vận chuyển cá ngừ đóng hộp bằng sẽ tải đến nhiều nước khác nhau tại khu vực Nam Mỹ. Trong quý 1/2021, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Ecuador sang các nước Nam Mỹ đã tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chỉ số vận chuyển HARPEX, giá container 20ft trên toàn cầu đã tăng gấp 5 lần trong vòng 1 năm qua. Chỉ số này ở mức 627 điểm vào tháng 8 năm ngoái và hiện nó đã cao hơn 467%, tương đương 3.554 điểm, mức cao nhất trong nhiều thập kỷ.

Vào ngày 20/8/2021, giá cước vận chuyển 1 container 40ft từ Trung Quốc/Đông Á đến Bắc Mỹ là 10.024 USD, trong khi năm trước là 1.913 USD.

Các bến cảng hàng đầu tại Mỹ đang báo cáo số lượng container 20ft nhập khẩu ở mức kỷ lục. Cửa ngõ giữa Châu Á và Mỹ là cảng Los Angeles và Long Beach báo cáo số lượng container 20ft chỉ trong tháng 7 là 469.369 chiếc.

Theo thống kê, tính đến hết tháng 7/2021, tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ đạt 420 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020, vẫn thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2019.

Tại thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong 3 tháng trở lại đây có xu hướng tăng trưởng chậm dần. Tính riêng trong tháng 7, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này đạt 28,6 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2020, nhưng thấp hơn so với tháng 6 trước đó.

Trái với thị trường Mỹ, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường EU trong tháng 7/2021 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Luỹ kế 7 tháng đầu năm 2021, giá trị xuất khẩu cá ngừ sang EU đạt gần 87 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Dù giá trị xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ, nhưng từ tháng 5 trở lại đây lại có xu hướng giảm dần qua từng tháng.

Hiện xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang cả 3 thị trường nhập khẩu chính đều giảm so với cùng kỳ. Cụ thể, xuất khẩu sang Italy giảm 34%, Đức giảm 40% và Tây Ban Nha giảm 12%.

Là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối các nước CPTPP cũng không nằm ngoài xu hướng. Giá trị xuất khẩu sang khối thị trường này tiếp tục tăng so với cùng kỳ, tăng 6,5% đạt 7,4 triệu USD. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu qua từng tháng của năm 2021 cũng có xu hướng giảm dần. Đáng chú ý, trong tháng 7 xuất khẩu cá ngừ sang Canada đã có dấu hiệu sụt giảm, giảm 45% so với cùng kỳ năm 2020.

Bảo Lâm