Phiên 23/2, chỉ số VN-Index giảm 15,31 điểm, tương đương 1,25%, xuống 1.212 điểm.
Tình hình còn tệ hơn với các nhà đầu tư trót mua đầu giờ chiều khi VN-Index tiến vào vùng đỉnh 1.240 - 1.245 điểm của năm 2023, rồi suy yếu và lao dốc. Tính từ đỉnh phiên tới cuối phiên, VN-Index mất tổng cộng 28 điểm.
Thực tế cho thấy đà tăng mạnh mẽ của cổ phiếu ngân hàng chính là yếu tố dẫn dắt VN-Index về vùng đỉnh của năm 2023, nhưng đổi lại, việc dòng tiền bị hút quá nhiều vào cổ phiếu ngân hàng đã gây áp lực rất lớn lên các cổ phiếu khác, đặc biệt là cổ phiếu bất động sản.
Về sau, áp lực bán đã lan rộng ra toàn thị trường và cổ phiếu ngân hàng cũng không tránh khỏi vòng xoáy này. Chỉ có BID là "giữ được mình" khi ghi nhận mức tăng 4,52%, còn lại đều "ngã gục". TCB có lúc tăng hơn 4% trong phiên sáng nhưng chốt phiên đã giảm 0,5%. Một số mã giảm trên 1% có thể kể đến: CTG, VPB, ACB, HDB, STB, OCB; VIB, TPB và SHB thì giảm trên 2%; LPB giảm trên 3%.
![Phiên 23/2, chỉ số VN-Index giảm 15,31 điểm, tương đương 1,25%, xuống 1.212 điểm. (Ảnh minh hoạ) Phiên 23/2, chỉ số VN-Index giảm 15,31 điểm, tương đương 1,25%, xuống 1.212 điểm. (Ảnh minh hoạ)](https://media.thuonghieucongluan.vn/uploads/2024/02/23/chung-khoan-1708677686.jpeg)
Cổ phiếu bất động sản là nạn nhân suốt từ đầu phiên đến cuối phiên. Nhóm Vingroup bùng nổ chưa được bao lâu thì lại thành "pháo xịt", theo đó, VIC giảm tới 5,04%, VHM giảm 3,35% - chính là 2 cổ phiếu tác động tiêu cực nhất tới VN-Index, trong khi VRE cũng giảm tới 3,6%. Nhan nhản cổ phiếu giảm trên 3% như KBC, PDR, DIG, NLG, TCH, CTD, HDG, CII, CRE, KHG... LGC thậm chí còn giảm kịch sàn.
Nhóm sản xuất cũng bị bao phủ bởi sắc đỏ. Trong đó tiêu biểu là GVR giảm 1,43%, SAB giảm 1,72%, DGC giảm 1,19%, MSN giảm 2,06%, DCM giảm 4,07%, DPM giảm 2,89%, DBC giảm 5,32%. Trong số ít mã tăng điểm, nổi bật là BMP tăng 5%, PAN tăng 1,75%, IDI tăng 1,28%, FMC tăng 1,09%, TCM tăng 1,18%.
Cổ phiếu chứng khoán "rực lửa". Cụ thể, SSI giảm 1,44%, VND giảm 2%, VCI giảm 1,58%, VIX giảm 3,05%, FTS giảm 3,73%, BSI giảm 1,7%, CTS giảm 2,92%.
Tình hình tương tự ở nhóm năng lượng khi GAS giảm 1,93%, POW giảm 2,13%, PGV giảm 0,44%, PLX giảm 2,09%.
Cổ phiếu hàng không và bán lẻ phân hoá: VJC tăng 0,19% trong khi HVN giảm 0,79%; FRT tăng 3,48% nhưng MWG, PNJ và DGW lần lượt mất đi 2,87%, 2,01% và 2,68% giá trị.
Có thể nói, BID là mã tạo được ấn tượng mạnh nhất sàn HoSE phiên hôm nay khi duy trì mức tăng kịch trần 7% trong phần lớn thời gian. Ở đợt khớp lệnh cuối, dù chịu áp lực bán ra nhưng mã ngân hàng này vẫn đạt mức tăng 4,5% và đóng góp gần 4,6 điểm cho chỉ số.
Tuy nhiên, việc nhà đầu tư “xả” hàng lại trở thành động lực kéo dòng tiền quay trở lại thị trường. Theo thống kê, có gần 1,4 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HoSE phiên hôm nay, tương đương giá trị giao dịch đạt 31.983 tỷ đồng.
Tính trên toàn thị trường, tổng giá trị giao dịch đạt hơn 35.200 tỷ đồng. Đây cũng là phiên giao dịch có thanh khoản cao nhất kể từ đầu năm 2024 đến nay.
Hút dòng tiền mạnh nhất phiên hôm nay là nhóm cổ phiếu ngân hàng với 2 mã đạt giá trị hơn 1.000 tỷ đồng là MBB và STB. Kế đến là các mã CTG (932 tỷ đồng), TPB (858 tỷ đồng), VPB (837 tỷ đồng).
Không như “truyền thống” đầu tư trước đây, khối ngoại cũng đua nhau bán ra trong phiên lao dốc hôm nay. Thống kê, khối ngoại bán ròng 626 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, Top 5 mã bị bán ròng mạnh nhất là VPB, MWG, TPB, MSN và SSI.
Phương Thảo (t/h)