THCL - Sau những tiếng kêu cứu của người dân về môi trường sống xung quanh bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội), UBND TP. Hà Nội đã có những giải pháp nhằm hỗ trợ cho những hộ gia đình bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cũng từ đây, xuất hiện nhiều “uẩn khúc” khiến người dân bức xúc.
Một nhà máy xử lý nước thải trong khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn
“Ô nhiễm” - câu chuyện dài dài...
Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn (còn gọi là bãi rác Nam Sơn) nằm trên địa bàn xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn được triển khai từ năm 1999 với công suất thiết kế ban đầu để xử lý khoảng 1.000 tấn rác/ngày đêm. Tuy nhiên, từ khi vận hành, lượng rác cần xử lý ngày càng tăng và luôn cao hơn công suất cho phép. Đến nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 4.000 tấn rác được vận chuyển về đây; có những đợt cao điểm lên tới 6.000 tấn/ngày đêm khiến lượng rác tồn đọng khá lớn.
Dọc tuyến Quốc lộ 3 dẫn vào Khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn mùi rác thải bao trùm khu dân cư. Càng gần bãi rác, mùi hôi thối càng nồng nặc. Ngay sát khu vực hoạt động của bãi rác, hàng trăm hộ dân đã sinh sống từ nhiều năm qua. Cuộc sống của họ đã và đang từng ngày bị “tra tấn” bởi những hệ lụy từ bãi rác này.
“Từ khi bãi rác Nam Sơn đi vào hoạt động, đã gây ảnh hưởng nhiều đến không khí, nguồn nước ở địa phương. Mặc dù ở xa, nhưng vẫn ngửi thấy mùi hôi thối, nhất là những ngày trời đang nắng mà bất ngờ đổ mưa hay khi sương mù dày đặc. Nghiêm trọng hơn, nguồn nước ngoài đồng ruộng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi mỗi khi xe vận chuyển rác đi qua khu vực này, lượng lớn nước thải và rác thải từ hàng trăm xe rác mỗi ngày chảy xuống đường, bốc mùi nồng nặc bao trùm cả làng”, một người dân bức xúc.
Không những thế, ô nhiễm tiếng ồn cũng là hệ lụy mà người dân Nam Sơn phải hứng chịu từng ngày. Trước thực trạng ô nhiễm bủa vây trong một thời gian dài, bà con rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cả gia đình và thế hệ tương lai. Càng ngày, người dân càng hoang mang hơn khi số lượng người mắc bệnh và tử vong vì ung thư ngày một nhiều hơn.
Trước đó, người dân trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm của bãi rác Nam Sơn bức xúc về tình trạng ô nhiễm nơi đây. Không đồng tình với phương án phí bồi thường ô nhiễm môi trường cho các hộ dân sống gần bãi rác, hàng trăm người đã chặn không cho xe rác vào bãi.
Để kịp thời giải đáp những kiến nghị của người dân, ngày 28/05/2016, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có cuộc đối thoại với người dân trong vùng ảnh hưởng ô nhiễm trên để tìm ra những giải pháp tháo gỡ trước sự ô nhiễm từ bãi rác đang đe dọa môi trường sống của người dân.
Tại cuộc đối thoại, Chủ tịch Chung đã tiếp nhận một số kiến nghị của người dân như mong muốn thành phố hỗ trợ cung cấp nước sạch, đề nghị được hưởng bảo hiểm y tế ở mức cáo nhất, được hưởng mức hỗ trợ cao hơn do ảnh hưởng từ bãi rác hay như di dời người dân trong khu vực ô nhiệm ở phạm vi 500 m…
Uẩn khúc việc chi trả tiền hỗ trợ?
Người dân bức xúc trình bày những nghi vấn trong việc chi trả hỗ trợ do ảnh hưởng môi trường từ bãi rác Nam Sơn
Để người dân có thể đảm bảo cuộc sống, UBND TP. Hà Nội đã triển khai các hoạt động nhằm hỗ trợ ảnh hưởng môi trường quanh khu vực bãi rác.
Cụ thể, ngày 07/02/2014, Quyết định số 836/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội đã được ban hành với nội dung hỗ trợ ảnh hưởng môi trường trong phạm vi bán kính từ trên 500 -1.000 m, tính từ hàng rào Khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn.
Theo đó, thời gian hưởng mức hỗ trợ ảnh hưởng môi trường được tính từ ngày 01/01/2014 đến khi khu xử lý chất thải rắn Nam Sơn ngừng hoạt động, đóng cửa hoặc có văn bản thay thế khác của UBND Thành phố.
Tuy nhiên, sau hơn 3 năm quyết định này có hiệu lực, việc thực hiện dường như là một thách thức khiến chính quyền địa phương lúng túng; người dân thì bán tín bán nghi cho rằng, có những khuất tất cần được làm rõ.
Tòa soạn nhận được đơn thư phản ánh của người dân thôn Xuân Bảng, xã Nam Sơn (Sóc Sơn) về việc phê duyệt và chi trả số tiền hỗ trợ trên, đến nay có nhiều điểm vô lý và không trung thực.
Anh Nguyễn Tiến Linh (thôn Xuân Bảng) lên tiếng, có những người có hộ khẩu thường trú trong khu vực ảnh hưởng, vẫn đang ở nhà thì không được xét hưởng, trong khi những người đã đi xây dựng gia đình, hoặc mua nhà và sinh sống ở nơi khác thì lại được xét duyệt?
“Bản thân tôi, được nhận bảo hiểm y tế do bị ảnh hưởng từ bãi rác, vậy mà tôi lại không có tên trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ? Nếu tôi không đủ điều kiện, tại sao lại được nhận bảo hiểm y tế? ”, anh Linh thắc mắc.
Anh Thắng, một người dân cho biết, bản thân anh và gia đình cũng được nhận bảo hiểm do bị ảnh hưởng từ bãi rác, nhưng lại không có trong danh sách được nhận tiền hỗ trợ (?).
Chị Nguyễn Thị Hồng Thanh, nhân viên Bưu điện xã Nam Sơn bức xúc: “Nhà tôi ở cách khu bãi rác 800 m, chỉ vì tôi bận công việc cơ quan nên gần như tối ngày ở luôn ngoài này, cũng bị xóa tên không cho hưởng trợ cấp”.
Trao đổi với PV, nhiều người dân cho rằng, vì là công nhân của khu công nghiệp, phải ở trọ cuối tuần mới về, nhưng gia đình nhà cửa và cuộc sống chính thì vẫn đang từng ngày chịu sự ảnh hưởng của môi trường độc hại mà bãi rác gây ra. Vậy tại sao cũng không được chi trả những trợ cấp đó?
Ông Nguyễn Ngọc Oanh, PCT UBND xã Nam Sơn: "UBND xã đã làm đúng - đủ theo chỉ đạo của UBND TP".
Trả lời về những nội dung trên, ông Nguyễn Ngọc Oanh, Phó chủ tịch UBND xã Nam Sơn cho rằng, UBND xã Nam Sơn đã làm đúng và làm đủ theo chỉ đạo của Quyết định số 836/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội.
“Tôi phủ nhận những thông tin về việc có những người không thuộc diện được nhận hỗ trợ mà vẫn được hưởng, cũng như những người xứng đáng nhưng bị loại ra khỏi danh sách”, ông Oanh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, làm việc với PV, ông Oanh thừa nhận, do một số nội dung trong quyết định khá trừu tượng nên UBND xã Nam Sơn gặp nhiều lúng túng trong quá trình tìm hiểu và thực hiện. Cụ thể như khái niệm “sống thường xuyên tại địa phương” trong văn bản có nhiều cách hiểu khác nhau. Từ đó, dẫn đến việc người được hưởng, người không được hưởng...
PV đề nghị ông Oanh phối hợp cung cấp danh sách những cá nhân đã được nhận tiền hỗ trợ từ tháng 1/2014 đến nay để cùng làm rõ thắc mắc của người dân. Tuy nhiên, ông Oanh cho biết, cán bộ phụ trách đang xin nghỉ chế độ, UBND xã chưa bố trí được người thay thế nên chưa thể tiếp cận được những tài liệu này.
Cũng tại buổi làm việc, ông Oanh chưa lý giải rõ được một số câu hỏi liên quan đến việc đối tượng nào được hưởng và đối tượng nào ngoài danh sách.
Hàng nghìn người dân xã Nam Sơn vẫn đang hằng ngày phải sống chung với ô nhiễm và dư luận đang đặt nhiều nghi vấn về tính minh bạch trong việc chi trả tiền hỗ trợ cho người dân. Dư luận băn khoăn: Có hay không, việc người đủ điều kiện thì không được hỗ trợ, còn người không đủ điều kiện thì lại được hỗ trợ?
Hải Minh – Mai Ngọc