Xung đột Nga – Ukraine, kèm theo đó là các biện pháp trừng phạt kinh tế mạnh mẽ của phương Tây cũng như phản ứng từ phía Nga đã gây ra tác động toàn diện và sâu sắc đến kinh tế thế giới.

Cụ thể như, ngắt hệ thống thanh toán quốc tế (SWIFT) các ngân hàng quốc tế lớn của Nga; phong tỏa tài sản của các ngân hàng tập đoàn lớn; ngăn cản xuất nhập khẩu; ngừng cung cấp tín dụng, đứt gãy chuỗi cung ứng, phá giá đồng Rub, tăng lạm phát, bất ổn thị trường chứng khoán toàn cầu…

Việt Nam cũng không nằm ngoài các tác động xấu về kinh tế do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, đặc biệt các rủi ro về thanh toán quốc tế, đứt gãy chuỗi cung ứng cho các nhà xuất nhập khẩu (các hàng tàu lớn đã tuyên bố không vận chuyển đi và đến Nga, tăng chi phí vận chuyển); tăng chi phí đầu vào nhập khẩu đối với hàng hóa cơ bản…

Giá nhập phân bón tăng cao vì thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Ảnh minh họa, nguồn internet
Giá nhập phân bón tăng cao vì thiếu hụt nguồn cung từ Nga. Ảnh minh họa, nguồn internet.

Theo Bộ NN&PTNT, thương mại nông nghiệp Việt Nam với Nga và Ukraine cũng bị suy giảm đáng kể.

Hàng năm, Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 500 triệu USD (năm 2021 là 550 triệu USD) hàng nông, lâm, thủy sản. Trong đó, một số mặt hàng có trị giá xuất khẩu đáng kể như: thủy sản (164 triệu USD, chiếm 3% tổng xuất khẩu thủy sản); cà phê (173 triệu USD, chiếm khoảng 6%); tiêu, điều (60 triệu USD, chiếm khoảng 2%).

Khi chiến tranh nổ ra, giao dịch xuất khẩu sang Nga đều phải tạm dừng do rủi ro về giao dịch ngân hàng, thiếu tàu vận chuyển và chi phí cao. Các doanh nghiệp hiện nay đều phải theo dõi tình hình để xử lý hàng tồn hoặc tìm cách xuất khẩu sang các thị trường khác.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Nga và Ukraine nhiều nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước như: lúa mỳ (trong điều kiện bình thường có thể đến 1 triệu tấn, chiếm khoảng 20% tổng nhập khẩu lúa mỳ); ngô (3% tổng nhập khẩu ngô) làm thức ăn chăn nuôi; phân bón (10% tổng nhập khẩu phân bón).

Tổng nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Nga vào Việt Nam năm 2021 khoảng 500 triệu USD.

Việc thiếu hãng tàu và tăng chi phí vận chuyển khiến các doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào của Việt Nam phải dừng giao dịch với Nga và chuyển sang các tìm nhà cung ứng từ các nước khác như: Australia, Nam Mỹ, Nam Phi.

“Quan trọng hơn là, sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine làm tăng giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trên toàn cầu. Giá nguyên liệu đầu vào như: lúa mỳ, ngô… đã tăng lên khoảng 10-20%; giá phân bón tăng trên 20% trong thời gian gần đây, ảnh hưởng xấu đến ngành chăn nuôi và trồng trọt”, đại diện Bộ NN&PTNT cho biết.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) đánh giá, trong ngắn hạn xuất khẩu nông sản sang Nga cũng như nhập khẩu các mặt hàng từ Nga về Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nhiều.

Trước mắt, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cần bám sát vào các quy định, thông tin mới từ các ngân hàng của Nga, ít nhất là đảm bảo được các khoản thanh toán trong giao thương.

Bộ NN&PTNT xác định sẽ tập trung theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với hiệp hội, ngành hàng và Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ thanh toán cho các doanh nghiệp đã có hàng xuất đi Nga nhưng giao dịch tài chính đang bị đình trệ.

Bên cạnh đó, làm việc với các hiệp hội, ngành hàng như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam để bàn giải pháp xử lý khó khăn trước mắt do ngưng trệ thị trường Nga và Ukraine.

Đồng thời, bàn giải pháp đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, kể cả các thị trường trước đây có lượng nhập khẩu khá lớn (EU, Trung Quốc, Trung Đông,…) từ Nga, Ukraine đối với các mặt hàng như thủy sản, gỗ và nội thất.

Bộ NN&PTNT cũng sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước; thu hút doanh nghiệp tăng cường đầu tư để chủ động trong đầu vào thiết yếu cho sản xuất nông nghiệp, hệ thống chế biến và logistics nông nghiệp.

Làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước.

Lê Pháp (T/h)