Bãi tập kết cát
Bãi tập kết cát

Hiện nay, giá cát xây dựng tại tỉnh Thanh Hóa tăng cao, tạo áp lực chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Một số công trình xây dựng phải điều chỉnh tiến độ, doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn cung.

Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý I/2025 do UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức, các nhà báo, phóng viên tại các cơ quan báo chí Trung ương hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa rất quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan tới hoạt động khai thác khoáng sản, khan hiếm vật liệu xây dựng (cát, đá) và giá cát tăng cao so với thời gian trước đó.

Thực trạng này gây ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ các dự án, các doanh nghiệp xây dựng và người dân có nhu có nhu cầu.

Trả lời tại buổi họp, ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa cho biết, thời gian vừa qua nguồn cát trên địa bàn tỉnh bị thiếu, giá tăng cao là đúng thực tế và Sở Xây dựng đã nắm bắt được thực trạng này. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 25 giấy phép khai thác cát còn hiệu lực, khối lượng 5 triệu khối, công suất hơn 600.000m3/năm.

Trả lời tại cuộc họp báo, ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa
Ông Phan Lê Quang, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa trả lời tại cuộc họp báo

Hiện nay, 12 mỏ cát đang bị cơ quan công an điều tra nên tạm dừng hoạt động (2 mỏ bị yêu cầu dừng hoạt động, do khai thác gây sạt lở, chồng lấn và 10 mỏ chủ mỏ chủ động tạm dừng hoạt động). Đáng chú ý, 12 mỏ cát dừng hoạt động chiếm tương đương khoảng hơn 72% công suất cát khai thác trên địa bàn tỉnh. Đây là nguyên nhân chính khiến cát xây dựng trên địa bàn tỉnh khan hiếm, tăng giá.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp khai thác vật liệu và người lao động gặp khó khăn trong việc đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản. Việc các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm khiến nhiều doanh nghiệp và người lao động e ngại, từ đó giảm sản lượng khai thác và làm giảm nguồn cung. Các chủ mỏ cũng lo ngại việc bị phạt nếu không đáp ứng đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật, dẫn đến việc tạm dừng hoạt động hoặc cắt giảm quy mô khai thác.

Tình trạng sạt sở bờ sông do khai thác cát
Tình trạng sạt sở bờ sông do khai thác cát

Đồng thời, do một số doanh nghiệp khai thác có tình trạng găm hàng và điều chỉnh giá không minh bạch, góp phần tạo ra sự bất ổn trên thị trường. Sự thiếu minh bạch trong việc điều chỉnh giá và hạn chế cung cấp khiến thị trường vật liệu xây dựng càng trở nên căng thẳng, gây khó khăn cho các nhà thầu và hộ gia đình muốn xây dựng.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thanh Hóa thừa nhận, thực trạng cát xây dựng khan hiếm và giá tăng cao rất khó khắc phục, xử lý được ngay mà cần có thời gian.

Để giải quyết thực trạng này, Sở Xây dựng Thanh Hóa đang khảo sát, cấp nhật ngay giá vật liệu biến động theo tháng. Đồng thời, báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các mỏ cát đang hoạt động thì phải hoạt động hết công suất, tránh nại lý do không hợp lý để ngừng hoạt động. Đẩy mạnh sử dụng cát nhân tạo trong hoạt động xây dựng, xem xét nâng công suất các mỏ cát để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Hoạt động khai thác cát tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa
Hoạt động khai thác cát tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Theo Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trong Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ), toàn tỉnh có 557 mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: 187 mỏ đá xây dựng, trữ lượng 652 triệu m3; 233 mỏ đất xây dựng, trữ lượng 235 triệu m3 (gồm: 156 mỏ đất san lấp với trữ lượng 183 triệu m3, 17 mỏ đất đắp đê trữ lượng 26 triệu m3, 60 mỏ đất sét gạch trữ lượng 26 triệu m3); 124 mỏ cát xây dựng, trữ lượng 18 triệu m3; 13 mỏ khoáng sản nhỏ lẻ do Bộ Nông nghiệp và Môi trường phân cấp quản lý với trữ lượng 2,72 triệu m3.

Trữ lượng khai thác đến năm 2030 theo quy hoạch là 391 triệu m3 đá xây dựng, 128 triệu m3 đất san lấp và 14,4 triệu m3 cát xây dựng.

Theo tổng hợp của Sở Xây dựng, tổng nhu cầu về vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh từ năm 2024 đến năm 2030 khoảng 35,77 triệu m3 đá xây dựng, 233,63 triệu m3 đất san lấp và 26,01 triệu m3 cát xây dựng. So với dự kiến khai thác các mỏ khoáng sản theo quy hoạch, thừa 355,77 triệu m3 đá xây dựng, thiếu 105,63 triệu m3 đất san lấp và thiếu 11,61 triệu m3 cát xây dựng.

j
Thực trạng cát xây dựng khan hiếm và giá tăng cao rất khó khắc phục, xử lý được ngay

Đến nay, toàn tỉnh đã cấp 303 giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, gồm: 226 giấy phép khai thác đá xây dựng, trữ lượng khai thác khoảng 198 triệu m3, công suất khai thác khoảng 10,25 triệu m3/năm, diện tích cấp phép 1.071 ha/3.976 ha quy hoạch (tỉ lệ 26,9%); 27 giấy phép khai thác cát xây dựng, trữ lượng khai thác khoảng 5,3 triệu m3, tổng công suất khoảng 0,668 triệu m3/năm, diện tích cấp phép 300 ha/571 ha quy hoạch (tỉ lệ 52,55%); 50 giấy phép khai thác đất san lấp, trữ lượng khai thác khoảng 57,95 triệu m3, tổng công suất khoảng 5,36 triệu m3/năm; diện tích cấp phép 371,6 ha/1.659 ha quy hoạch (tỉ lệ 22,4%).

Trữ lượng dự kiến khai thác đến năm 2030 khoảng 91 triệu m3 đá xây dựng; 41,49 triệu m3 đất san lấp; 14,5 triệu m3 cát xây dựng. So với nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng cho các công trình, dự án từ nay đến năm 2030, thừa 55,23 triệu m3 đá xây dựng, thiếu 192,14 triệu m3 đất san lấp và thiếu 11,51 triệu m3 cát xây dựng.

Theo đó, từ nay đến năm 2030, khối lượng cát xây dựng và đất san lấp trên địa bàn tỉnh còn thiếu so với nhu cầu, chưa kể nhu cầu các công trình trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh và nhu cầu vật liệu của các công trình dân sinh, nhu cầu xuất khẩu trong thời gian tới.

Được biết, từ năm 2024 đến nay, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận chủ trương bổ sung vào Quy hoạch tỉnh (khi điều chỉnh) 30 mỏ mới (gồm: 04 mỏ đá, trữ lượng 23,6 triệu m3; 16 mỏ đất, trữ lượng 54,83 triệu m3; 10 mỏ cát, trữ lượng 7,1 triệu m3). 

Thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục rà soát các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, báo cáo UBND tỉnh chấp thuận chủ trương bổ sung vào Quy hoạch tỉnh (khi điều chỉnh), làm cơ sở để cấp phép đảm bảo nhu cầu các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.

Lê Nam