Sinh ra và lớn lên tại Vùng Mỏ nhưng ông Vũ Công Hồng, SN 1936, nay trú tại TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh lại theo cha mẹ về Thanh Hoá tản cư, từ đó mà có cơ duyên tham gia đoàn xe đạp thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tháng 2/1954, chàng thanh niên 17 tuổi - trẻ nhất trong đoàn quân xe đạp thồ của thị trấn Thanh Hoá lúc bấy giờ sục sôi vượt hàng trăm km rừng núi qua Hòa Bình - Sơn La, vượt đèo Pha Đin đến ngã ba Tuần Giáo, tiến vào Điện Biên Phủ. 

Kỷ vật là giấy chứng nhận Chiến sĩ dân công vẻ vang Mặt trận Điện Biên Phủ được ông Vũ Công Hồng lưu giữ suốt 70 năm qua
Kỷ vật là giấy chứng nhận Chiến sĩ dân công vẻ vang Mặt trận Điện Biên Phủ được ông Vũ Công Hồng lưu giữ suốt 70 năm qua

Mỗi ngày, ông Hồng cùng đồng đội băng qua 3 con đèo dài 35km đưa 1,5 tạ hàng vào chiến trường. “Không nghĩ bom đạn, không quản vất vả, ăn giữa rừng, ngủ trên những tấm nilon trải đất”, họ thi đua từng giờ để đảm bảo tiếp tế cho bộ đội. Mặc dù không trực tiếp chiến đấu nhưng mỗi khi nghe tin tức từ mặt trận báo về, ông và đồng đội luôn ngóng đợi ngày chiến thắng, “tin tưởng chắc chắn là mình sẽ thắng”.

Ông Vũ Công Hồng xúc động nhớ lại: "Chiều 7/5, một thanh niên đi ngựa, tay cầm lá cờ nho nhỏ từ trong Điện Biên đi ra dọc đường về Lai Châu. Ông ấy nói nhiều nên khản tiếng rồi, nhưng chúng tôi vẫn nghe rõ câu “Thắng lợi rồi, chiến thắng rồi”. Dân công nghe thế là hiểu rồi, đoàn người cứ thế cùng hô vang".

Hơn 3 tháng phục vụ mặt trận, những thanh niên làm nhiệm vụ vận tải như ông Hồng mới chính thức bước vào lòng chảo Điện Biên – nơi chiến trường vẫn đang ngổn ngang. Ông kể, nếu như cảm xúc khi nghe tin chiến thắng là vỡ oà trong vui sướng thì những khoảnh khắc tiếp theo lại khiến ông rộn ràng nao nức.

"Nhớ lắm đêm đầu tiên giải phóng, có chiếu bộ phim Liên hoan thanh niên sinh viên ở Budapest (Hungary) lần thứ ba. Vũ khí đã tịch thu, nhưng lính địch còn ở lại, đêm hôm ấy xem phim chung với nhau. Cùng nhau xem 1 bộ phim đặc biệt như thế nên chúng tôi vui lắm, thích lắm", ông Vũ Công Hồng cho hay. 

Ông Vũ Công Hồng kể chuyện những ngày "chị gánh anh thồ" tại Điện Biên Phủ
Ông Vũ Công Hồng kể chuyện những ngày "chị gánh anh thồ" tại Điện Biên Phủ

Sau chiến thắng, ông Vũ Công Hồng ở lại Điện Biên Phủ phục vụ các hoạt động của bộ đội ta đến tận ngày 29/5/1954, sau đó mới trở về Vùng Mỏ công tác tại một số cơ quan ngành than, thống kê. Bảy mươi năm qua, kỷ vật mà ông luôn gìn giữ là tờ chứng nhận “Chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ” do Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng.

Cùng chia sẻ những cảm xúc tuyệt vời khi nghe tin chiến thắng, nhưng ký ức của ông Trần Trọng Tú (SN 1929, nay sống tại TP Cẩm Phả, Quảng Ninh) lại được kể với góc nhìn đặc biệt. Thượng úy Tú lúc đó là Đại đội phó Đại đội 277, Tiểu đoàn 79, Trung đoàn Thủ đô 102, Đại đoàn 308. Tháng 2/1954, đơn vị của ông vào đến Điên Biên Phủ sau khi trải qua nhiều chiến dịch khắp vùng Việt Bắc. 

Ông Trần Trọng Tú trực tiếp chỉ huy 27 chiến sĩ của Đại đội hỗ trợ công binh xây dựng hầm hào, sau đó thực hiện nhiệm vụ cắt các đường ống trạm bơm nước của địch, từ khu vực Bản Kéo đến Mường Thanh, Him Lam, Hồng Cúm. Mất nước, địch bắt người dân phải đeo gùi ra lấy, Đại đội chia quân bắn tỉa tiêu hao sinh lực địch, bắn thủng từng gùi nước, chặn hoàn toàn nguồn cung ứng nước, bức địch dần rơi vào tình thế thất bại. 

Ông Tú nhớ lại những đêm rét căm căm giữa rừng, áo trấn thủ dày nhưng vẫn buốt cứng từng ngón tay trên cò súng. Đại đội của ông người trẻ nhất mới có 17 tuổi, lớn nhất 31 tuổi kiên cường bám trụ từng vị trí đến ngày thắng lợi cuối cùng. Kể lại giây phút nghe tin chiến thắng, người cựu binh giờ đây đã “gần tròn trăm” tếu táo.

Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được cựu chiến binh Trần Trọng Tú đặt trang trọng, gợi nhắc ông về những ngày tháng vinh quang của người lính
Bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh được cựu chiến binh Trần Trọng Tú đặt trang trọng, gợi nhắc ông về những ngày tháng vinh quang của người lính

"Lúc bấy giờ ai đang thở gấp thì trở thành bình thường, đang bình thường thì thành thở gấp, vì vui sướng quá. Thế là hết súng đạn rồi. Tôi thấy các chiến sĩ của mình còn nguyên vẹn, 27 chiến sĩ của tôi còn nguyên vẹn là tôi mừng nhất"- ông Trần Trọng Tú nhớ lại.

Giờ đây khi nhớ lại, thoáng luyến tiếc của ông Trần Trọng Tú là ngay sau đó, ngày 8/5/1954, đơn vị của ông không ở lại Điện Biên Phủ mà di chuyển ngay về mặt trận tại Bắc Giang, đánh thẳng vào tuyến bảo vệ đồng bằng của địch. Tuy vậy, khí thế của chiến thắng ngày 7/5 đã tiếp thêm sức mạnh cho ông và các đồng đội, tiếp tục cuộc chiến đấu cam go cho đến khi Hiệp định Geneve được ký kết. 

70 năm qua, hồi ức về “chiều mùng bảy tháng năm” của mỗi cựu chiến binh, thanh niên xung phong, mỗi dân công hoả tuyến không chỉ được nhắc lại mỗi dịp kỷ niệm hàng năm, mà luôn được kể trong những câu chuyện cùng thế hệ sau, với niềm tự hào về chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Khoảnh khắc ấy, như lời bài ca cựu chiến binh Trần Trọng Tú vẫn hát: “Mường La chiến thắng, ánh nắng bừng lên; trên những đồi nương, lúa chín vàng đang reo mừng”.

Theo VOV.vn