Ông Lường Văn Hương, ở bản Lạnh, xã Tông Lạnh, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, dù đã ở độ tuổi xưa nay hiếm nhưng những câu chuyện về một thời tham gia làm dân công hỏa tuyến cho chiến dịch Điện Biên Phủ gian khổ 70 năm trước vẫn được ông kể lại một cách rành mạch.
Năm đó, ông Hương mới 20 tuổi, cái tuổi sung sức nhất của tuổi trẻ, ông đã cùng hơn 20 thanh niên trong xã xung phong lên đường tham gia thực hiện nhiệm vụ sửa đường cho bộ đội tại đèo Pha Đin và làm nhiệm vụ gánh gạo chuyển lương thực lên Mường Ẳng.
"Chuẩn bị cho chiến dịch ở Điện Biên, huyện - xã kêu gọi người dân đi làm dân công hỏa tuyến. Hồi đấy có lúc được đi đêm, lúc đi ban ngày. Có chỗ nào máy bay bắn phá cũng đi san lấp hố bom, lấy cây lấy cối lấy cọc cắm, san đất vào. Chỗ nào máy bay bắn cũng đi tiếp", ông Hương nhớ lại.
Khó khăn nhất với ông Hương và đồng đội khi đó là những đoạn đường bị bom đánh phá, phải sửa chữa bằng các dụng cụ thô sơ vô cùng vất vả. Hơn nữa nhiệm vụ đều phải thực hiện vào ban đêm để tránh địch phát hiện, song ông Hương cùng đồng đội vẫn luôn quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao: “Quãng 5h mới ra tập trung đi lấy hàng, hoặc có thương binh thì lên đưa xuống chỗ dưới này. Cũng phải vượt qua từng quãng từng quãng đường rất khó khăn”.
Để có được chiến thắng chấn động địa cầu vào ngày 7/5/1954, riêng huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La đã có hàng ngàn lượt thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Họ tham gia bằng lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, trách nhiệm với Tổ quốc. Ngày đó, hầu hết bản nào, xã nào ở Thuận Châu cũng có người tham gia.
Ông Lường Văn Sinh ở bản Cọ, xã Tông Cọ, huyện Thuận Châu rất đỗi tự hào khi mình là thanh niên trẻ nhất trong số 24 thanh niên của xã Tông Cọ tham gia chuyển lương thực cho bộ đội: “Tôi lúc ấy chỉ có 15 tuổi, lúc đấy thì cũng suy nghĩ là nghe Bác Hồ có nói là “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ tùy theo sức của mình thì tham gia kháng chiến”. Như thế thì mình cũng phải đi tham gia kháng chiến, gánh được bao nhiêu thì gánh. Lúc thì 15kg, lúc thì 20kg”.
Với ông Sinh, mọi khó khăn đều được biến thành quyết tâm, là sức mạnh để huớng tới mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc: “Tôi còn nhỏ nhất thế này thì vẫn phải đi, phải làm, coi như là ai cũng phải xông lên để làm cho được giải phóng, đất nước của chúng ta được tự do hạnh phúc”.
Giờ đây khi dấu vết thời gian đã in hằn lên làn da, mái tóc, dù đều đã ở cái tuổi nhớ nhớ, quên quên nhưng những kỉ niệm về chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 mãi luôn là những ký ức đẹp trong cuộc đời những người dân công hỏa tuyến năm xưa. Những ký ức đẹp ấy là minh chứng sinh động, chân thực nhất về một thời lịch sử hào hùng, để nhắc nhở về lòng biết ơn, về bài học cách mạng sâu sắc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Theo VOV.vn