Theo ông Hồ Đức Phớc, việc này để đảm bảo tính khả thi, tránh phát sinh trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cần bình ổn giá mới triển khai lập quỹ, không đáp ứng được tính kịp thời. Đây cũng là cơ sở pháp lý để tiếp tục duy trì công cụ quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh Quochoi.vn.

Thẩm tra vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban này tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Bởi đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Cũng theo ông Nguyễn Phú Cường, trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, khi quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở thì việc bỏ quỹ hiện tại là chưa phù hợp.

Hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang sử dụng mô hình Quỹ bình ổn để ổn định giá xăng dầu trong nước trong những tình huống biến động khó dự báo. Do vậy, trước mắt vẫn cần thiết phải duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng đề nghị, việc duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu nên có thời hạn và thời điểm; việc điều hành quỹ này đòi hỏi linh hoạt hơn nữa; cần tăng cường trách nhiệm quản lý, tính công khai, minh bạch; có cơ chế giám sát chặt chẽ nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng, đúng ý nghĩa thực tế.

Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Lý do quỹ này không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước và nguồn hình thành được trích lập thông qua giá mua, do người tiêu dùng chi trả (300 đồng/1 lít).

Ảnh minh họa Tạp chí Tài chính
Ảnh minh họa Tạp chí Tài chính.

Hiện nay, giá xăng dầu trong nước đã liên thông với giá thế giới. Việc lập quỹ bản chất là sự can thiệp của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy cảm rất cao với thị trường, khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, không phản ánh đúng tính chất thị trường của hàng hóa.

Ý kiến này cũng cho rằng, trường hợp cần điều tiết giá xăng dầu, Nhà nước có thể sử dụng những công cụ khác như thuế, phí hoặc có biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho những đối tượng yếu thế chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ giá xăng dầu tăng cao, đó cũng là công cụ điều tiết chủ yếu mà nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng.

Ngoài ra, các ý kiến này cho rằng, việc quy định chung chung là Quỹ bình ổn giá xăng dầu như trong dự thảo luật có thể chưa chặt chẽ, dẫn đến phát sinh các quỹ khác.

Góp ý sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu vừa qua. Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc điều hành chưa linh hoạt, làm giá trong nước chưa bám sát thị trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đề nghị có đánh giá, tổng kết về hoạt động, trích và sử dụng của Quỹ bình ổn giá.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình và cho rằng, dự án Luật vẫn giữ quỹ này trong khi chưa thấy có đánh giá, tổng kết, cách xử lý của Chính phủ thế nào.

“Cần đánh giá, bỏ thì thế nào, giữ thì thế nào. Mặt hàng bình ổn thế bỏ đi thì bình ổn bằng cách gì. Thuế phí không thể làm linh hoạt và làm hoài, làm mãi được, chỉ trong giai đoạn ngắn thôi”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Nguyễn Vân Quỳnh (t/h)