THCL Giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù trải qua không ít khó khăn và thách thức, nhưng với sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách tiền tệ, ngành NH đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tích cực vào ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Khó khăn và thách thức
Có thời điểm, tỷ lệ lạm phát tăng cao lên mức 18,13% (2011), gây khó khăn cho đời sống nhân dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo áp lực đối với việc thực hiện các mục tiêu ổn định vĩ mô; lãi suất cho vay lên tới 20 - 25%/năm, nhiều tổ chức tín dụng (TCTD) vượt trần lãi suất huy động (14%/năm) gây xáo trộn trên thị trường tiền tệ.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng cao từ 23 - 50% /năm, trong khi quy mô của nhiều NH còn nhỏ, dẫn đến rủi ro tín dụng lớn; tỷ lệ cho vay tập trung vào các lĩnh vực phi sản xuất dẫn đến rủi ro thanh khoản do sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Một lượng lớn tín dụng chảy vào bất động sản và chứng khoán, gây ra hiện tượng bong bóng tài sản.
Do thanh khoản của hệ thống TCTD thiếu hụt nghiêm trọng, lãi suất liên NH tăng cao, có thời điểm lên đến trên 30%/năm, tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hệ thống, các tỷ lệ an toàn vốn của từng NH và toàn hệ thống sụt giảm. Cùng với đó, do việc chạy đua lãi suất giữa các NHTM và áp lực tăng vốn điều lệ - đã gây ra tình trạng thanh khoản mất cân đối, sở hữu chéo và sự lộn xộn mất kiểm soát.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam là một nền kinh tế có mức độ dolar hóa khá cao, sự biến động của giá vàng và XNK vàng, sự mở cửa hội nhập ngày càng sâu rộng nên kinh tế nhanh chóng chịu tác động từ sự lưu chuyển phức tạp của dòng vốn. Cộng thêm sự thâm hụt cán cân thương mại, tỷ giá có những lúc điều chỉnh mạnh và liên tục khiến niềm tin vào VND suy giảm dẫn đến tình trạng găm giữ ngoại tệ và tích trữ vàng trở nên phổ biến trong dân chúng. Từ đó, gây bất ổn kinh tế vĩ mô, dự trữ ngoại hối nhà nước sụt giảm mạnh, khả năng mất giá của VND ngày càng lớn…
Các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực tài chính - NH đánh giá, trong giai đoạn 2011 - 2015, NHNN mặc dù đạt nhiều thành công trong chính sách tiền tệ, nhưng do phải thực thi chính sách với đa mục tiêu nên trong năm 2016 tới, với việc thực thi các hiệp định FTA đã ký kết trong khi bối cảnh diễn biến tỷ giá ngoại tệ hết sức phức tạp khiến NHNN sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn.
Thứ nhất, hội nhập AEC và tác động trực tiếp tới việc điều hành tỷ giá: phức tạp và biến động rủi ro do tác động chính trị và việc FED nâng lãi suất, đồng NDT vào rổ tiền tệ thế giới...
Thứ hai, mức độ chịu đựng rủi ro từ các NHTM chưa cao do thực chất nợ xấu mới xử lý tập trung mà chưa thực sự xử lý triệt để được, vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc thi hành án và thị trường mua bán nợ vẫn ở mức sơ khai. Năng lực tài chính của các NHTM còn yếu, khả năng quản trị với tầm quốc tế còn bỡ ngỡ nên khi mở cửa, sẽ rất vất vả để chống đỡ với các NH ngoại.
Thứ ba, tác động gián tiếp do nợ công tăng cao, Việt Nam đang ở mức rất nguy hiểm khi chỉ số hoán đổi rủi ro tín dụng (CDS) = 270 điểm (Hy Lạp phá sản ở mức 320 điểm).
Ghi nhận những thành công
Theo nhiều chuyên gia thì, những tác động của chính sách tiền tệ trong giai đoạn 2011 - 2015 có thể coi là một thành quả của trí tuệ tập trung, sự nhất trí cao của Chính phủ, các bộ, ngành.
Trước hết đó là kiềm chế được lạm phát về mức khoảng 2%/năm (2015) so với mức 18,13%/năm (2011); lãi suất cho vay bình quân ở mức 8 - 9,5%/năm (2015) so với mức 20 - 25%/năm (2011), từng bước đưa lãi suất các khoản vay của giai đoạn trước về khoảng 13% - 15%; GDP dự báo cả năm 6,68% (2015)…
Tình trạng dolar hóa giảm mạnh do tác động của tỷ lệ dự trữ ngoại hối tăng cao, đạt khoảng 35 tỷ USD, niềm tin vào VND gia tăng, đồng thời góp phần cải thiện tiềm lực tài chính và uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Tăng trưởng tín dụng được kiểm soát ở mức khoảng 17%, nợ xấu <3%; thị trường vàng ổn định, chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước được thu hẹp, từng bước loại bỏ vàng ra khỏi bảng tài sản của các TCTD.
Việc xử lý các TCTD trên tổng thể các loại hình từ NHTM đến các công ty, tổ chức, quỹ tín dụng nhân dân đã làm lành mạnh hóa thị trường tài chính với cấu trúc hợp lý hơn và điều tiết hiệu quả hơn. Nợ xấu đã được phân loại và xử lý với một khối lượng lớn, bước đầu tạo lập thị trường mua bán nợ.
Từ đây, việc tái cấu trúc NH đã được tiến hành một cách căn bản, thận trọng với lộ trình phù hợp - đã bảo đảm được quá trình tái cơ cấu, không ảnh hưởng đến quyền lợi người gửi tiền và các bên liên quan; không gây ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát của Nhà nước. Xử lý các TCTD yếu kém thông qua phương án mua bán, sáp nhập trên nguyên tắc tự nguyện.
NHNN còn đồng thời xây dựng và triển khai một lộ trình cụ thể phù hợp để hướng các TCTD nâng cao năng lực hội nhập với môi trường và chuẩn mực của khu vực, từng bước tiến đến chuẩn mực của thế giới.
Hiện tại, việc cải thiện về xếp hạng tín nhiệm của các TCTD được các tổ chức xếp hạng hàng đầu thế giới đánh giá cao: Fitchrating đã nâng xếp hạng Việt Nam lên mức triển vọng ổn định BB - từ mức B+; Moody’ nâng lên B1; S&P cũng nâng mức xếp hạng lên aaBB+…
Nâng cao vị thế VND
Chính phủ, NHNN đã có những giải pháp nhằm điều hành chính sách, tránh tình trạng khủng hoảng sâu hơn. Theo đó, ngày 24/2/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
NHNN đã chủ động điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành một cách phù hợp, áp trần lãi suất đối với cả hoạt động huy động vốn và cho vay. Tới nay, đã 9 lần hạ lãi suất, trong đó hạ trần lãi suất huy động giúp giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD siết chặt kỷ luật thị trường, trong khi quy định trần lãi suất cho vay giúp khơi thông dòng vốn tín dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong điều hành tỷ giá, NHNN đã áp dụng chính sách linh hoạt, đồng thời đưa ra cam kết cụ thể và mục tiêu nâng cao vị thế nắm giữ VND song hành với việc bám sát và kịp thời với diễn biễn kinh tế vĩ mô. Đối với thị trường vàng - bằng các biện pháp kiên quyết với mục tiêu loại bỏ đồng tiền thứ 3 này nên NHNN đã chủ động tham mưu cho Chính phủ để Nghị quyết 24/NQ-CP được ra đời. Từ đó, chỉ trong 6 tháng, NHNN đã liên tiếp có các thông tư hướng dẫn và quyết liệt loại bỏ vàng tài khoản, từng bước đưa việc kinh doanh vàng ra khỏi các NHTM nhằm siết chặt quản lý và hạn chế chảy máu ngoại tệ, thông qua hoạt động XNK vàng.
Để thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, NHNN đã có định hướng cụ thể về chính sách tăng trưởng tín dụng theo từng năm, hạn chế tăng trưởng trong mức kiểm soát. Áp zoom cho từng nhóm NH cụ thể và linh hoạt có điều chỉnh từng năm cho phù hợp với định hướng, năng lực của từng nhóm NH.
NHNN đã chủ động xây dựng, đề xuất Đề án tái cấu trúc hệ thống các TCTD và đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg với mục tiêu chính là tái cấu trúc hệ thống các TCTD, giai đoạn 2011 - 2015; thúc đẩy pháp lý và hội nhập; hạ tầng CNTT, an ninh an toàn, bảo mật và thanh toán không dùng tiền mặt, đột phá trong khâu truyền thông marketing, đưa chính sách trở nên minh bạch, công khai.
Phan Chinh - Thái Dương