Theo đó, doanh nghiệp sẽ nộp toàn bộ các văn bản trong hồ sơ đề nghị cấp C/O qua mạng Internet. Tổ chức cấp C/O phê duyệt, chấp thuận cấp C/O và gửi dữ liệu qua Tổng cục Hải quan sang các nước ASEAN, không phát hành C/O giấy. Như vậy, đây là một thủ tục hành chính trực tuyến ở cấp độ 4.

Việc cấp C/O mẫu D điện tử tạo ra một phong cách làm việc mới, không cần có sự tiếp xúc trực tiếp giữa doanh nghiệp và người cung cấp dịch vụ công.

Các doanh nghiệp có khối lượng hồ sơ lớn hoặc ở xa khu vực trung tâm sẽ hưởng lợi nhiều nhất khi thời gian, công sức và chi phí được cắt giảm đáng kể. Đặc biệt, việc triển khai cấp C/O mẫu D điện tử là một bước đổi mới quyết liệt trong công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cơ quan quản lý nhà nước của Bộ Công Thương để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp cũng như quản lý nhà nước.

Cấp Giấy chứng nhận hàng hóa mẫu D điện tử: Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệpCấp Giấy chứng nhận hàng hóa mẫu D điện tử: Tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

Bên cạnh đó, khối lượng công việc và hồ sơ giấy phải lưu ở các tổ chức cấp C/O cũng sẽ giảm đáng kể. Nhờ vậy, các tổ chức cấp C/O có thể tăng chất lượng dịch vụ công và thời gian để giải quyết các hồ sơ cấp C/O mẫu ưu đãi khác.

Trước đó, ngày 9/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký Quyết định số 3624/QĐ-BCT về việc ban hành Quy trình cấp Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D điện tử hoàn toàn. Quyết định này chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2020.

Theo thống kê của Bộ Công thương, số lượng C/O ưu đãi trong 5 năm vừa qua tăng khoảng 20-25% mỗi năm, từ 323 nghìn bộ năm 2013 lên đến 900 nghìn bộ năm 2019. Trong đó, C/O mẫu D (cấp cho hàng hóa xuất khẩu đi các nước ASEAN) tăng từ 66 nghìn bộ năm 2013 lên khoảng 180 nghìn bộ năm 2019.

Ngọc Linh