THCL Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025, tạo tiền đề và định hướng phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình được thực hiện theo 2 giai đoạn.
Trong đó, giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020 sẽ gồm các hoạt động kết nối, hỗ trợ DN công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Xây dựng và vận hành trang thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
(Ảnh minh họa)
Giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ gồm các công việc như: Kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung ứng sản phẩm cho khách hàng ở trong và ngoài nước; xúc tiến thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; Hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; Hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu; Cập nhật thông tin về công nghiệp hỗ trợ.
Theo quyết định, mục tiêu chung đến năm 2020, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng khoảng 45% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Đến năm 2025, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng được 65% nhu cầu cho sản xuất nội địa. Còn giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ thuộc 3 lĩnh vực chủ yếu:
Đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng: Sẽ tập trung phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020 cung ứng được 35% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển. Đến năm 2025, cung ứng được 55% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày: Sẽ tập trung phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu phục vụ ngành dệt may - da giày, đáp ứng mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75-80%.
Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao: Sẽ tập trung phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.
Theo đánh giá của Vụ Công Nghiệp nặng Bộ Công Thương, khi Chương trình đi vào triển khai thực hiện, cùng với chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển công nghệp phụ trợ, Việt Nam sẽ từng bước đạt được các mục tiêu đề ra về phát triển công nghiệp hỗ trợ trong một số ngành.
Trong đó, đối với Công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô: Giai đoạn đến năm 2020, cơ bản hình thành ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô. Phấn đấu đáp ứng ~ 35% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Giai đoạn 2021 - 2025 bắt đầu sản xuất được một số chi tiết quan trọng trong bộ phận truyền động, hộp số, động cơ (nhất là cho xe khách và xe tải nhẹ), từng bước tham gia hệ thống cung ứng sản phẩm hỗ trợ trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Giai đoạn 2026 - 2035, tiếp tục phát triển công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, phấn đấu trở thành nhà cung cấp quan trọng nhiều loại linh kiện, phụ tùng cho ngành công nghiệp ô tô khu vực và thế giới. Đáp ứng trên 65% (tính theo giá trị) nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp ô tô trong nước.
Đối với Ngành điện tử - tin học: Tập trung vào các dịch vụ cung ứng giải pháp, thiết kế, trong đó đầu tư vào các dịch vụ cao cấp để hỗ trợ cho sản xuất phần mềm, phần cứng chuyên dụng; nghiên cứu thiết kế, phát triển sản phẩm mới, trong đó tập trung xây dựng các trung tâm nghiên cứu, ứng dụng, giải mã công nghệ; đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp cho công nghiệp điện tử: cung ứng linh phụ kiện, logistic, cung ứng hạ tầng, bảo hành và bảo trì thiết bị công nghệ có chất lượng cao.
Đối với Ngành dệt may - da giày: Đến năm 2020 đạt khoảng 40% nhu cầu vải dệt thoi; Sản xuất trong nước từ 40 - 100% phụ tùng cơ khí dệt may; đáp ứng 80% nhu cầu nội địa về các sản phẩm xơ, sợi tổng hợp và tiến tới xuất khẩu từ sau năm 2020. Ngành công nghiệp hỗ trợ da giầy phối hợp với ngành dệt may, đẩy nhanh khả năng cung ứng các loại vải dệt để sản xuất giầy dép, đặc biệt là giầy dép vải xuất khẩu…
PV