Ảnh minh họa
Theo đó, tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.
Thông tư nêu rõ, khi được TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài giải ngân cho vay, khách hàng vay phải bán số ngoại tệ vay đó cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho vay theo hình thức giao dịch hối đoái giao ngay (spot), trừ trường hợp nhu cầu vay vốn của khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán mà pháp luật quy định đồng tiền giao dịch phải bằng ngoại tệ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.
Trước đó, đại diện NHNN cho biết: Việc xác định sẽ tiếp tục cho vay ngoại tệ ngắn hạn, ít nhất tiếp tục triển khai trong năm 2018 nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các doanh nghiệp xuất khẩu. Còn định hướng chung và lâu dài vẫn tiếp tục hạn chế kênh tín dụng này, theo lộ trình từng bước chuyển quan hệ vay mượn sang mua bán.
Hiện nay, lãi suất cho vay USD tại các ngân hàng hiện phổ biến ở mức 2,8 - 6%/năm, tùy kỳ hạn. Trong khi đó, lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường bằng VND ở mức 6,8 - 9%/năm đối với kỳ hạn ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với kỳ hạn trung và dài hạn. Do vậy, khi được vay ngoại tệ, các doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ chênh lệch lãi suất cho vay USD/VND. Có nghĩa là doanh nghiệp có thể vay ngoại tệ với lãi suất thấp rồi bán lấy tiền đồng để mua các nguyên liệu trong nước, máy móc thiết bị. Sau đó, doanh nghiệp lại xuất khẩu hàng hóa lấy ngoại tệ để trả nợ ngân hàng.
Anh Anh