Hội nghị thượng đỉnh NATO khai mạc trong ngày 25/5, bên cạnh điều đáng chú ý là lần đầu tiên có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump, còn là việc ngôi nhà chung NATO đón thêm một thành viên mới, lần đầu tiên trong vòng gần một thập kỷ trở lại đây - Montenegro.
Điều đáng nói là thành viên mới của NATO - quốc gia tí hon Montenegro từng có quan hệ rất nồng ấm với Nga, một đối trọng lớn nhất của NATO.
Montenegro là một quốc gia nhỏ bé ở trung nam Âu, có diện tích khoảng hơn 15.000km2, dân số khoảng hơn 600.000 người và quân đội chỉ có khoảng 2.000 binh sĩ tại ngũ. Như vậy, Montenegro sẽ là thành viên có lực lượng vũ trang nhỏ nhất của NATO.
Đón nhận Montenegro là nước đi đa tác hiệu của NATO
Giới phân tích cho rằng, việc có thêm thành viên thứ 29 này gần như không làm thay đổi NATO - không mạnh hơn, không lớn hơn, có khác chăng là trên bàn nghị sự của NATO từ nay có thêm ghế của đại diện Montenegro.
Điều đó cho thấy, việc kết nạp Montenegro với NATO chẳng khác nào chỉ như “thêm bát thêm đũa” mà thôi.
Trong khi đó, sự thiết tha của Ukraine và Gruzia với thế và lực hơn lớn rất nhiều, thậm chí còn khát khao hơn nữa, nhưng lại bị NATO bỏ qua hoặc chưa xem xét. Không những vậy, theo giới phân tích, sự kiện Montenegro gia nhập NATO đã được giới chức trong liên minh quân sự xem là một thắng lợi lớn đối với họ.
Cách thăm dò tốt nhất phản ứng của Nga
Có thể nhận định rằng, việc chọn kết nạp Montenegro là một lựa chọn đảm bảo sự an toàn nhất cho NATO trong quan hệ với Nga. Bởi lẽ, bất cứ “nhất cử nhất động” nào được cho là NATO tái khởi động “kế hoạch Đông tiến” đều là một sự khó chịu với Nga.
Bởi Kremlin luôn nhìn nhận việc NATO mở rộng quy mô và tầm ảnh hưởng về phía đông là đe doạ trực tiếp đến an ninh của nước Nga, đưa sự nguy hiểm đến gần biên giới nước Nga. Do vậy, việc chọn kết nạp thành viên mới của NATO luôn gây bão với Moscow.
Hệ quả đó khiến Brussels phải tính toán chi tiết, cân nhắc thận trọng việc mở rộng quy mô của NATO, nhất là về hướng đông.
Chắc chắn việc đón nhận Ukraine hoặc Gruzia lúc này sẽ khơi mào cho một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng giữa Nga và NATO. Điều đó không hẳn là tốt cho NATO vì Moscow có thể đi những nước cờ quyết liệt khiến Brussels “mất nhiều hơn được”.
Montenegro từng là điểm đến ưu thích của du khách Nga, nhưng nay đã giảm nhiều
Trong khi cả Ukraine và Gruzia không những yếu về tiềm lực kinh tế, mà lực lượng quân sự cũng hết sức thiếu thốn về trang thiết bị và trình độ tác chiến không tinh nhuệ.
Cuộc chiến Nga - Gruzia năm 2008 và cuộc xung đột tại miền đông Ukraine đã chứng minh cả Ukraine và Gruzia đều thiếu và yếu. Từ tư duy chiến lược, chiến thuật đến tính cơ động trên chiến trường của quân đội Ukraine và Gruzia đều kém quá xa so với chuẩn NATO.
Thực tế đó là lời cảnh báo với Brussels, nếu kết nạp Ukraine và Gruzia thì NATO phải “đại tu” cả hai quân cờ này và không biết khi nào mới “sử dụng được”. Nghĩa là Ukraine và Gruzia nếu có chân trong NATO lúc này cũng chẳng khác gì “thêm bát thêm đũa” mà thôi. Vì vậy, NATO chọn Montenegro cũng chẳng thua kém gì mà lại ít tốn kém để đại tu.
Tuy nhiên, theo giới phân tích thì nguyên nhân chính của việc lựa chọn Montenegro làm thành viên thứ 29 của NATO vẫn là Brussels gờm Moscow.
Chỉ riêng việc chọn Montenegro “vô lợi, bất hại” mà Nga cũng đã thể hiện sự phản ứng rất dữ dội. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cho rằng NATO đang cố thay đổi bối cảnh chính trị tại châu Âu, ảnh hưởng đến lợi ích của Nga, buộc Nga phải đáp, theo TASS.
Điều đó cho thấy, nếu Ukraine hoặc Gruzia được NATO chọn kết nạp thì sự việc sẽ lớn như thế nào. Bởi lẽ Montenegro là một nước nhỏ và nằm cách xa biên giới Nga, trong khi Ukraine và Gruzia đều là những “anh em gần nhà xa ngõ” của Nga.
Người dân Bỉ biểu tình kêu gọi NATO kiến tạo hoà bình trong lần đầu tiên Montenegro ra mắt.
Mặc dù Moscow cho rằng họ phản ứng tiêu cực với việc Montenegro gia nhập NATO là vì việc này không theo ý nguyện người dân Montenegro, tuy nhiên đó chỉ là cái cớ mà thôi. Bởi lẽ trong tiềm thức của Kremlin bất cứ hành động nào thể hiện “NATO Đông tiến” đều không phải là chuyện nhỏ với an ninh của nước Nga và sẽ ảnh hưởng đến chiến lược quân sự của Moscow.
Do đó, việc NATO chọn kết nạp Montenegro là một bước thăm dò tốt nhất phản ứng của Nga, từ đó NATO có thể điều chỉnh “kế hoạch Đông tiến” của mình.
NATO không thể thực hiện việc kết nạp hàng loạt thành viên như từng kết nạp các nước vùng Baltic, bất chấp thái độ của Nga được nữa. Cả vị thế, vai trò và sức mạnh của Nga lúc này đã rất đáng gờm và NATO không thể “vuốt mặt” mà “không nể mũi” được.
Cách gây thiệt hại tốt nhất cho nước Nga
Khi NATO có kế hoạch kết nạp thành viên mới thì ngay lập tức sẽ được nhận diện là gây bất lợi cho nước Nga, cùng với đó là những thay đổi chiến lược, chiến thuật của Moscow sẽ diễn ra nhằm đối phó với sự nguy hại đó và những thiệt hại của nước Nga cũng phát sinh.
Theo giới phân tích, phản ứng của Moscow sẽ không phụ thuộc vào việc thành viên mới được kết nạp là lớn hay nhỏ, tiềm lực mạnh hay yếu.
Binh sĩ NATO đến Baltic đã bị Moscow chỉ trách mạnh mẽ.
Bởi lẽ, với bất cứ quân cờ nào liên quan đến “kế hoạch Đông tiến” của NATO thì Kremlin luôn phải có điều chỉnh chiến lược quân sự của mình và phải có kế hoạch đáp trả dự phòng. NATO chọn Montenegro hay Ukraine hay Gruzia thì sự cảnh giác của Nga vẫn phải ở mức cao độ.
Việc thay đổi chiến thuật, chiến lược của Nga khi NATO mở rộng sang hướng đông và ngày càng gần với biên giới nước Nga thì luôn phải ngang tầm mà không phụ thuộc vào thành viên mới đó là quốc gia nào, việc khác nhau chỉ về lực lượng và kỹ - chiến thuật tác chiến mà thôi.
Trong trường hợp này, những quân cờ “bé hạt tiêu” đã trở nên rất lợi hại trong việc “làm tiêu hao sinh lực địch” và NATO đã chọn quân cờ “tí hon” Montenegro để có thể làm thiệt hại cho nước Nga, cho dù với họ quân cờ này chưa hẳn mang lại nhiều lợi lộ.
Những động thái gần đây tại các nước Baltic gần đây cho thấy sự nguy hại cho nước Nga không phụ thuộc vào các thành viên NATO lớn hay bé, mạnh hay yếu, bởi vì mọi hành động quân sự của họ đều được hiểu là NATO hành động, với điều ước phòng vệ tập thể.
Bất cứ động thái nào của NATO gây nguy hại cho nước Nga đề khiến Moscow phải có kế hoạch đáp trả.
Khi không thể xem thường việc gia nhập NATO của bất cứ quốc gia nào thì Moscow phải lên kế hoạch đối phó và theo sau là chi phí, là thiệt hại cho kinh tế của nước Nga. Và khi việc kết nạp thành viên mới “vô lợi” thì NATO sẽ chọn những quốc gia nào mà việc gia nhập gây ít tốn kém nhất cho họ và luôn gây thiệt hại cho Nga.
Nga càng đáng gờm bao nhiêu thì thiệt hại cho họ càng lớn bấy nhiêu. Vì vậy, việc Nga “phóng đại” tầm ảnh hưởng của việc Montenegro gia nhập NATO sẽ khiến họ nhận lãnh thiệt hại ngay cho mình. Và không loại trừ khả năng NATO sẽ “té nước theo mưa”, trầm trọng hoá vấn đề để gia tăng thiệt hại cho nước Nga.
Nga đang phải chạy đua với NATO không chỉ về vũ khi và đạn dược, mà còn là việc thích ứng và đối phó với chiến lược mới của họ, trong đó có việc kết nạp những thành viên có thể “vô lợi” với họ nhưng luôn “bất lợi” cho Nga.
Điều này khiến cho Moscow sẽ bị rối và khó có thể chiến thắng trên bất cứ mặt trận nào.
Như vậy, phía sau việc NATO chọn Montenegro làm thành viên thứ 29 là một loạt những vấn đề mang tính chiến lược mà có thể sẽ góp phần làm thay đổi cục diện giữa Nga và NATO, với những cuộc xung đột hay chay đua vũ trang gây tầm ảnh hưởng.
Qua sự kiện này cho thấy Nga đã rất đáng gờm, mọi kế hoạch của Mỹ và các đồng minh trong NATO đều hướng vào làm thiệt hại cho Nga về nhiều mặt, quyết làm suy yếu Nga để khẳng định vị thế độc tôn của mình trong việc giải quyết những vấn đề nóng trên toàn thế giới.
Ngọc Việt - Baodatviet