THCL - Sau các sự kiện tại Ukraine, Syria, Nga bị gắn mác bất ngờ và nguy hiểm trong khi Moskva ngày càng e ngại cuộc Đông tiến của liên minh quân sự này.

Nga bị gắn mác nguy hiểm

Trang mạng russiancouncil.ru của Nga mới đây đăng tải bài phân tích về những va chạm của Nga và NATO tại vùng biển Baltic, qua đó chỉ ra thực trạng quan hệ giữa hai bên cùng nguy cơ leo thang và bên nào cũng có thể mất khả năng kiểm soát xung đột.

Khu vực biển Baltic ngày nay nằm trong số các không gian hợp tác phức tạp nhất giữa Nga và NATO.

Những nước thành viên NATO Estonia, Latvia, Litva và Ba Lan là các tiền đồn của liên minh này. Từ trước khi nổ ra khủng hoảng Ukraine các nước này đã hoài nghi triển vọng hợp tác với Nga trong lĩnh vực an ninh.

Trong khi đó, Nga chỉ trích dự định của Ba Lan bố trí hệ thống phòng không của Mỹ trên lãnh thổ nước này, việc bốn nước nêu trên tẩy chay Hiệp ước về vũ khí thông thường châu Âu (CFE), chính sách diễn giải lại quá khứ Xôviết…

Nga-NATO: Vòng xoáy sợ hãi - Hình 1

Binh sỹ Nga bất ngờ xuất hiện tại Crimea hồi tháng 3/2014

Sau những sự kiện tại Ukraine, Nga bị xem là thách thức chính đối với an ninh, còn việc kiềm chế Nga được NATO xem là một trong thành tố cần thiết của quan hệ mới.

Về phía Nga bức tranh cũng tương tự, chỉ khác là NATO và triển vọng mở rộng NATO đã được xem là thách thức từ lâu trước khủng hoảng tại Ukraine.

Còn chính sách của Nga về Ukraine sau tháng 3/2014 được Moskva xác định như kết quả của việc quan hệ bị xói mòn lâu dài và dần dần.

Quan hệ hiện nay giữa Nga và NATO đang ở điểm thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Leo thang hoàn toàn có thể diễn ra nhanh chóng và cuốn theo như tuyết lở, thậm chí thảm họa.

Các vụ va chạm trên không và trên biển, khả năng phá băng khủng hoảng tại Donbass, sự gia tăng quan điểm đối lập trong vấn đề Syria có thể khiến quan hệ tiếp tục sụp đổ kèm theo rủi ro xung đột công khai tại chỗ.

Khu vực Baltic là một trong những mắt xích yếu nhất. Chính tại đây có thể xảy ra một cuộc leo thang tiếp theo, dù có thể không chủ định. Mặt khác, việc giảm rủi ro và dần bình thường hóa quan hệ cũng có thể bắt đầu từ chính nơi đây.

Nga-NATO: Vòng xoáy sợ hãi - Hình 2

Máy bay Su-24 của Nga áp sát tàu chiến USS Donald Cook của Mỹ trên biển Baltic

Đối với NATO, chính sách của Moskva là sự bất ngờ hoàn toàn. Ví dụ trong báo cáo hàng năm cho năm 2013 của Tổng thư ký NATO (công bố tháng 1/2014) Nga được coi là đối tác trong nhiều hướng, kể cả Afghanistan, đấu tranh chống khủng bố.

Chỉ sau nửa năm các văn kiện của NATO tại Wales đã phản ảnh một thực tế hoàn toàn khác, trong đó lần đầu tiên sau một thời gian dài an ninh châu Âu trở thành đề tài số một, còn Nga đã được xem là mối đe dọa cho trật tự châu Âu.

Bất ngờ cho NATO là chiến dịch tại Syria, sự sụp đổ nhanh chóng và khôi phục cũng nhanh quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ cùng hàng loạt các chi tiết nhỏ khác.

Giới phân tích Nga cho rằng quyết tâm và chiều sâu trong sử dụng các phương tiện sức mạnh và chính trị của Nga đã khiến NATO chết sững vì ngạc nhiên. Hàng loạt bước đi của Nga hoàn toàn không có tiền lệ trong toàn bộ lịch sử sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Sau các sự kiện ở Ukraine, Syria, Nga đã bị gắn chặt cái mác bất ngờ và nguy hiểm. Nếu trước kia chính sách Nga còn có tính đáp trả và đi theo sau những hành động từ phía đối tác phương Tây (Nam Tư, Afghanistan, Iraq), thì sau năm 2014 quyền chủ động đã chuyển sang tay Moskva.

Vòng xoáy sợ hãi

Nga đã tỏ ra khá bình thản khi các nước láng giềng gia nhập NATO vào các năm 1999 và 2004. Việc NATO mở rộng được Nga xem là đường lối lâu dài và không thể đảo ngược của liên minh này.

Tuy nhiên sau này, Nga đã có thái độ thận trọng hơn trước viễn cảnh mở rộng NATO tiếp tục mở rộng và tích cực để ngăn chặn việc đó.

Đối với Moskva, nó đào sâu thêm sự mất cân bằng lực lượng vốn đã nghiêm trọng nghiêng về phía NATO. Thất bại của CFE khiến vấn đề này không được giải quyết.

Nga hoàn toàn có quyền đổ lỗi cho các đối tác tại NATO bởi không một thành viên liên minh nào đã phê chuẩn thỏa thuận về vũ khí thông thường này.

Nga-NATO: Vòng xoáy sợ hãi - Hình 3

Một chỉ huy xe tăng Ba Lan trong cuộc tập trận chung của Lực lượng phản ứng nhanh NATO ở Zagan, miền tây nam Ba Lan

 Tình hình càng tồi tệ do sự vi phạm ổn định chiến lược mà điển hình là việc Mỹ rút khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa và bố trí các cơ sở cho hệ thống tại Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Nga cũng coi các đối tác phương Tây có quá nhiều trách nhiệm trong việc ủng hộ “cách mạng màu” tại không gian hậu Xô viết, xem chúng gần như một hình thức chiến tranh lai ghép.

Từ giữa những năm 2000, có ý kiến cho rằng phương Tây chỉ mong nước Nga dần lụi tắt và đẩy lùi Moskva một cách dần dần và mềm mại ra khỏi nền chính trị lớn của châu Âu, dù bên ngoài vẫn giữ mặt thân thiện và hợp tác ở những định hướng có lợi cho NATO.

Sự kiện Maidan tại Ukraine năm 2013-2014 được Moskva xem là sự khiêu khích mà nếu phương Tây không dựng lên thì cũng ngấm ngầm ủng hộ. Các nhà lãnh đạo châu Âu rõ ràng không đánh giá hết ý nghĩa của việc đối thoại bình đẳng với Nga về vấn đề Ukraine, quyết tâm của Moskva sẽ tìm đến các biện pháp cực đoan khi vị thế của mình một lần nữa bị phớt lờ.

Nga-NATO: Vòng xoáy sợ hãi - Hình 4

Nga bắn thử tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân

Cuộc khủng hoảng Ukraine đã giáng một đòn mạnh vào hầu hết các cơ chế hợp tác giữa Nga và NATO, cũng như với EU và Mỹ. Quan hệ gần như bị đóng băng hoặc bị ngừng lại ở tất cả các hướng, trongđó có những lĩnh vực hoàn toàn không liên quan gì đến khủng hoảng Ukraine. Hợp tác về Afghanistan, đấu tranh chống buôn lậu ma túy và chủ nghĩa khủng bố đều bị thiệt hại.

Quan trọng hơn nhiều là lĩnh vực tên lửa-hạt nhân cũng phải chịu sức ép. Tranh luận về hệ thống phòng thủ tên lửa lâm vào bế tắc (bố trí các thành tố của hệ thống tại Romania được Moskva xem là thách thức).

Nga rút khỏi thỏa thuận tiêu hủy plutoni cấp độ vũ khí là động thái biểu tượng sự cắt đứt hợp tác với Mỹ trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí hạt nhân.

Những chỉ trích lẫn nhau về Hiệp ước tên lửa tầm trung và tầm ngắn (INF) dần tích lại. Mặc dù đó chỉ là vấn đề quan hệ Nga-Mỹ, nhưng nó có tác động trực tiếp đến nền an ninh châu Âu. Ngay cả hợp tác tại Syria, nơi tưởng như Nga, Mỹ và các đồng minh NATO có mối đe dọa chung là chủ nghĩa cực đoan, cũng lâm vào khủng hoảng.

 

Nga-NATO: Vòng xoáy sợ hãi - Hình 5

Binh sỹ Litva thăm quan một chiếc xe bọc thép Stryker của quân đội Mỹ tham gia tập trận tại Litva...

Phương Tây tính toán rằng chi phí quốc phòng của Nga từ năm 2000 đến 2015 đã tăng gấp ba lần. Moskva đáp trả rằng sự gia tăng này liên quan đến cải cách quân đội sau sự sa sút hồi những năm 1990, cũng như chi phí của Nga không thể so được với Mỹ và càng không thể so với ngân sách chung của NATO.

Hoạt động quân sự của NATO và Nga cũng khoét sâu thêm tình thế khó xử trong an ninh. Cả hai bên đều xem nhau như mối đe dọa đầu tiên và thi hành các biện pháp thích hợp. Các cuộc tập trận thường xuyên, tăng thêm quân, các vụ va chạm trên không và trên biển…

“Vòng xoáy sợ hãi” càng gia tăng với vai trò của các phương tiện thông tin đại chúng từ cả hai bên, việc xây dựng nên hình ảnh kẻ thù về nhau và phóng đại nhiều lần dù chỉ một hành động thông thường của giới quân sự.

Chiến tranh thông tin có bản chất và cơ cấu khác nhau, song đều được hai bên triển khai ở mức mạnh nhất. Chính trị gia và các nhà quân sự bị làm con tin cho những nguy cơ ảo được tạo ra trong không gian truyền thông.

Thanh Tâm- Baodatviet