Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024
Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức công bố Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm 2024

PAPI là chương trình nghiên cứu quan trọng về quản trị, do Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức từ năm 2009. Chỉ số PAPI dùng để đo lường và so sánh trải nghiệm và cảm nhận của người dân về hiệu quả, chất lượng thực thi chính sách và cung cấp dịch vụ công của chính quyền địa phương ở 63 tỉnh, thành phố.

Theo Báo cáo xếp hạng chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI), điểm tổng hợp PAPI năm 2024 của tỉnh Nam Định đạt 44,35 điểm (xếp thứ 20/61 tỉnh, thành phố; nằm trong nhóm trung bình cao của cả nước) - hai tỉnh Vĩnh Phúc và Tiền Giang không đưa số liệu vào báo cáo, do dữ liệu bị nhiễu.

Cụ thể: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 5,61 điểm; Công khai minh bạch đạt 5,42 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân đạt 4,26 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công đạt 6,93 điểm; Thủ tục hành chính công đạt 7,33 điểm; Cung ứng dịch vụ công đạt 7,84 điểm; Quản trị môi trường đạt 3,57 điểm; Quản trị điện tử đạt 3,39 điểm.

So với năm 2023, kết quả điểm chỉ số thành phần cho thấy điểm chỉ số thành phần 6 nội dung của tỉnh đã cải thiện được, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công tăng 0,37 điểm; Quản trị môi trường tăng 0,26 điểm; Công khai, minh bạch tăng 0,21 điểm; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở tăng 0,18 điểm; Thủ tục hành chính công tăng 0,15 điểm; Quản trị điện tử tăng 0,06 điểm. Chỉ số thành phần Trách nhiệm giải trình với người dân giữ nguyên số điểm; có 1 thành phần biến động theo chiều hướng giảm là Cung ứng dịch vụ công giảm 0,01 điểm.

Báo cáo PAPI 2024 ghi nhận những bước tiến đáng khích lệ trong các lĩnh vực như công khai – minh bạch, kiểm soát tham nhũng, quản trị môi trường và điện tử. Thực tế, ba trong tám trụ cột được đo lường đã đạt điểm số khá cao theo đánh giá từ người dân trên toàn quốc. Tuy nhiên, khoảng cách giữa các nhóm dân cư vẫn là điều đáng lưu tâm. Bởi lẽ, theo kết quả khảo sát, phụ nữ, người dân tộc thiểu số, người tạm trú và cư dân nông thôn tiếp tục có mức độ hài lòng thấp hơn so với nhóm còn lại.

bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu
Bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam phát biểu

Theo bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam: "Những phát hiện từ PAPI 2024 là cơ sở để hoạch định chính sách công bằng, hiệu quả hơn, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau. Những phát hiện này gợi mở một lộ trình dựa trên bằng chứng thực tiễn, hướng tới nâng cao hiệu quả quản trị công lấy người dân làm trung tâm, đảm bảo những cải cách thể chế hiện nay và tới đây sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân Việt Nam".

Trong bối cảnh Việt Nam đang triển khai công cuộc cải cách nền quản trị công mang tính lịch sử, đặc biệt là việc xây dựng mô hình tổ chức chính quyền hai cấp và tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Đây là một cơ hội vô cùng quan trọng để thúc đẩy quản trị bao trùm cũng như hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách, nhằm giải quyết những thách thức mà người dân đã phản ánh thông qua Chỉ số PAPI.

Nguyễn Kiên