Theo đó, để nâng cao năng suất, tăng giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường, tăng tính kết nối, liên kết, hướng tới tạo dựng mạng lưới chuỗi sản xuất có sự tham gia của cơ sở khoa học – cơ sở sản xuất – cơ sở tiêu thụ và quản lý nhà nước, thời gian qua, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nam Định chú trọng đến công tác ứng dụng công nghệ số trong quản lý và giám sát hoạt động nuôi trồng thủy sản, nhằm đảm bảo tính minh bạch và nhanh chóng, hiệu quả, chính xác.

Đối với hoạt động sản xuất, các biện pháp chủ yếu là số hóa số liệu sản xuất, cơ giới hóa, tự động hóa các quy trình sản xuất, cập nhật, ứng dụng và chia sẻ các giải pháp kỹ thuật mới, cập nhật và chia sẻ thông tin thị trường, tạo liên kết cung ứng, tiêu thụ chủ động, tiêu biểu như:
Chi cục thực hiện chuyển đổi số trong nuôi trồng thủy sản, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giám sát môi trường nuôi trồng.
Theo lãnh đạo Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư, Sở Nông nghiệp và Môi trường Nam Định, quản lý môi trường là khâu quan trọng nhất trong nuôi trồng thủy sản. Công việc này đòi hỏi phải tiến hành thường xuyên, liên tục. Trước kia, việc này thường được thực hiện thủ công bằng các trang thiết bị đo đạc cầm tay (máy đo, que test,..), kết quả thường có sai số, do phụ thuộc khá nhiều vào kinh nghiệm và kỹ năng sử dụng thiết bị và quy trình kiểm tra.
Hiện nay, nhiều cơ sở nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao trên địa bàn đã hợp tác với các nhà sản xuất thí điểm lắp đặt các thiết bị quan trắc môi trường tự động. Thông tin về môi trường ao nuôi được cập nhật và gửi đến người quan lý thông qua các phần mềm chuyên dụng. Việc này không chỉ giúp giảm bớt thời gian lao động trực tiếp quản lý môi trường, tránh sai số mà việc giám sát liên tục giúp người nuôi phát hiện sớm các vấn đề, từ đó có thể điều chỉnh môi trường kịp thời, giảm thiểu thiệt hại.
Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng phần mềm quản lý nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, việc ứng dụng đã được mở rộng qua việc sử dụng các phần mềm tích hợp quản lý các số liệu liên quan đến hoạt động sản xuất từ quản lý con giống, chăm sóc, sử dụng thức ăn, chế phẩm sinh học, thuốc, đến thu hoạch và kết nối tiêu thụ. Các phần mềm này giúp người nuôi trồng thủy sản có cái nhìn tổng quan về sản xuất, quản lý chi phí và lợi nhuận; đồng thời cũng giúp quản lý thông tin về lịch sử chăm sóc và sức khỏe của thủy sản hướng tới số hóa hồ sơ sản xuất, để tự động cập nhật số liệu trên các hệ thống quản lý hành chính theo quy định, nhất là đối với các cơ sở sản xuất giống thủy sản.
Công tác chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng thủy sản cũng được đơn vị quan tâm, chú trọng. Bước đầu, việc chuyển đổi số trong quản lý chuỗi ứng cung ứng thủy sản đang được triển khai thông qua các kênh thông tin trung gian, hệ thống các ứng dụng mạng xã hội. Các cơ sở cung cấp thông tin cần thiết về năng lực sản xuất, sản phẩm, thời gian và khả năng cung ứng để những người có nhu cầu dễ dàng tiếp cận thông tin, nhanh chóng tìm được nguồn sản phẩm theo đúng nhu cầu.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản và Kiểm ngư Nam Định đẩy mạnh công tác đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến. Thông qua các lớp tập huấn, các buổi tuyên truyền, Chi cục đã cung cấp thông tin và hỗ trợ người nuôi tiếp cận kiến thức về các phương pháp quản lý, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản theo hướng hiện đại, sử dụng công nghệ mới, và cách ứng dụng các công cụ số trong quản lý sản xuất. Ngoài ra còn trực tiếp hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công, giúp người dân tiếp cận và sử dụng có hiệu quả hệ thống trực tuyến.
Cùng với đó, đơn vị thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý. Thông qua hệ thống cổng dịch vụ công trực tuyến, việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ và trả kết quả được thực hiện đúng quy định, góp phần tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại cho người dân. Việc áp dụng chuyển đổi số vào quản lý hành chính giúp giảm bớt giấy tờ thủ tục, tạo ra một môi trường thuận lợi cho công tác quản lý, đặc biệt là quản lý số liệu, thống kê, báo cáo cũng như công tác tham mưu được nhanh chóng.
Song song đó, Chi cục cũng thực hiện thiết lập hệ thống thông tin liên lạc và kết nối nội bộ và kết nối với người dân thông qua các ứng dụng mạng xã hội zalo, tạo lập các nhóm chia sẻ, cung cấp thông tin, điều hành xử lý thông tin giúp công tác điều hành được thuận lợi, nhanh chóng, mang lại hiệu quả tích cực - là kênh thông tin đáng tin cậy kết nối hoạt động sản xuất và quản lý.
Nguyễn Kiên