Thách thức đối với kinh tế Việt Nam đang gia tăng
Doanh nghiệp là chủ thể quan trọng nhất, tạo ra trên 60% GDP của toàn nền kinh tế. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp quyết định mức độ tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Khu vực doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, trong năm 2022 bình quân cứ 10 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 7 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Theo số liệu năm 2019 - năm kinh tế Việt Nam trong giai đoạn ổn định, tăng trưởng cao, cũng là năm trước khi đại dịch xảy ra, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và xây dựng tạo ra của cải vật chất, nâng cao năng lực của nền kinh tế, nhưng vốn của khu vực doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 1/3 tổng vốn của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Hiệu quả sử dụng vốn doanh nghiệp còn thấp, chỉ số quay vòng vốn chỉ đạt 0,6 lần; chỉ số nợ toàn bộ khu vực doanh nghiệp khá cao - số nợ bình quân khu vực doanh nghiệp gấp 2,1 lần vốn tự có, trong đó doanh nghiệp nhà nước gấp 3,6 lần, doanh nghiệp ngoài nhà nước gấp 2 lần; doanh nghiệp FDI gấp 1,6 lần.
Điều tra Xu hướng kinh doanh Quý IV/2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy các yếu tố ảnh hưởng xấu đến sản xuất của doanh nghiệp trong Quý IV/2022 đều tăng hơn so với Quý III/2022.
Cụ thể: Có 23,5% doanh nghiệp gặp khó khăn vì lãi suất vay vốn cao trong quý III/2022
đã tăng lên 37,5% trong quý IV; có 30,8% doanh nghiệp gặp khó khăn về tài chính trong quý III, tăng lên 33,4% trong quý IV; trong quý III có 4,6% doanh nghiệp không có khả năng tiếp cận vốn, tăng lên 5,7% trong quý IV.
Khu vực doanh nghiệp nước ta có trên 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có thể huy động vốn cho sản xuất qua kênh tín dụng ngân hàng.
Doanh nghiệp vẫn đang tự bơi, tự chạy đơn hàng trong bối cảnh sụt giảm đơn hàng và sức ép gia tăng lãi suất trên phạm vi toàn cầu.
Cần làm gì với thị trường lao động?
Cùng với vốn và tài chính cho doanh nghiệp, lao động là yếu tố quan trọng thúc đẩy cỗ xe kinh tế Việt Nam. Yếu tố lao động không chỉ giải bài toán cho doanh nghiệp trong nước mà còn là lợi thế, sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính phủ cần hoàn thiện thể chế, chính sách đồng bộ, thống nhất nhằm tạo dựng và nâng cao hiệu quả vận hành thị trường lao động linh hoạt, hội nhập và bền vững đáp ứng nhu cầu lao động của doanh nghiệp, đáp ứng xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng toàn cầu và khu vực, đảm bảo khả năng cung ứng lao động cho xu hướng chuyển dịch đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Xây dựng và thực thi chính sách thị trường lao động tích cực, chủ động thực hiện phương châm đào tạo, đào tạo lại, đào tạo thích ứng cho lực lượng lao động đang làm việc. Đồng thời thực hiện phương châm học suốt đời và học linh hoạt nhằm nâng cao trình độ và kỹ năng của người lao động đáp ứng đòi hỏi về nâng cao và bồi đắp kỹ năng lao động.
Bên cạnh đó, chính sách phát triển kỹ năng cần đặc biệt quan tâm tới lao động nữ, lao động nông thôn và lao động cao tuổi. Dự báo sớm nhu cầu lao động đối với các loại kỹ năng nghề trong xu thế ứng dụng công nghệ kỹ thuật số.
Chủ động xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội phát triển
Với những rủi do, bất định của kinh tế thế giới trong năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo năm 2023 tăng trưởng kinh tế toàn cầu khoảng 2,7%, với 1/3 nền kinh tế toàn cầu sẽ suy thoái. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế dự báo tăng 2,2%. Ngân hàng Thế giới dự báo tăng 1,7% và Fitch Ratings dự báo tăng 1,4%. Triển vọng của các thị trường mới nổi không mấy sáng sủa vì mức nợ và đồng USD mạnh.
Dự báo lạm phát thế giới năm 2023 sẽ giảm, nhưng vẫn ở mức cao so với lạm phát mục tiêu, vẫn là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế.
Tổ chức thương mại Thế giới dự báo thương mại quốc tế năm 2023 sẽ giảm tốc hơn nữa so với nửa cuối năm 2022, tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2023 dự kiến chỉ tăng 1%.
Nhìn chung triển vọng kinh tế thế giới vẫn đầy biến động, bất ổn, tăng trưởng toàn cầu vẫn sẽ thấp đáng kể với lạm phát cao và dai dẳng hơn.
Trong năm 2023 với bối cảnh thế giới biến động khó lường; không chắc chắn; phức tạp và mơ hồ, để chủ động xoay chuyển tình thế, biến thách thức thành cơ hội, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, thiết nghĩ, có 03 điểm quan trọng Chính phủ cần đặt thành quan điểm và chương trình hành động, đó là: Chủ động dự báo đánh giá sớm tình hình kinh tế, chính trị thế giới; kịp thời đưa ra các chính sách, giải pháp ngắn, trung và dài hạn; định hướng đúng, xử lý linh hoạt, không dao động mất phương hướng đồng thời khẩn trương tổ chức thực hiện các chính sách, giải pháp.
Với 03 xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng trong thời gian tới, các bộ, ngành, lĩnh vực cần chủ động xác định từng ngành, từng lĩnh vực kinh tế sẽ tham gia, phụ thuộc, chịu tác động như thế nào trong xu hướng chuyển đổi, từ đó xây dựng chiến lược, lộ trình xâm nhập, tham gia sâu vào các xu hướng này.
Xu hướng phi toàn cầu hóa, khủng hoảng xảy ra liên tiếp vào cùng thời điểm khiến thế giới phải bàn thảo nội dung "hợp tác trong một thế giới phân mảnh". Chính phủ cần khẩn trương, linh hoạt điều hành nền kinh tế bằng các chính sách, giải pháp ngắn hạn, đồng thời cập nhật kịp thời các chiến lược, chính sách trung và dài hạn trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của đất nước.
Chính phủ xác định và giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, cộng động doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội tham gia, đẩy mạnh hợp tác hiệu quả với chính phủ, doanh nghiệp và tổ chức các nước trong khu vực và trên thế giới nhằm hỗ trợ kịp thời cho kinh tế Việt Nam với độ mở lớn, phụ thuộc nhiều vào kinh tế thế giới.
Lê Pháp (T/h)