Do tác động từ triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu cùng đa khủng hoảng, nền kinh tế Việt Nam năm 2023 được dự báo phải đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, với những nỗ lực chuẩn bị từ trước, kinh tế Việt Nam vẫn được kỳ vọng giữ đà tăng trưởng tốt so với các nền kinh tế khu vực cùng nhiều tín hiệu tích cực.

Về chủ đề này, báo chí quốc tế đã có nhiều bài viết đáng chú ý.

Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng tốt, vươn lên xếp thứ 20 thế giới vào năm 2036. Ảnh minh họa. Nguồn minh họa
Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng tốt, vươn lên xếp thứ 20 thế giới vào năm 2036. Ảnh minh họa. Nguồn minh họa.

Trang Forbes đưa ra nhận định rằng Việt Nam có thể được gọi là câu chuyện đầu tư và kinh tế vĩ mô thú vị nhất trong năm 2023. Theo chuyên gia, Việt Nam sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á và thứ 20 thế giới.

Theo báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu của Ngân hàng Thế giới, 2023 là năm thứ 2 nền kinh tế toàn cầu suy giảm nghiêm trọng, được dự báo chỉ tăng trưởng ở mức 1,7%. Trong bối cảnh này, kinh tế Việt Nam vẫn được dự báo tăng trưởng đứng thứ 2 trong khu vực với mức 6,3%. Chuyên gia cũng đưa ra khuyến nghị, Việt Nam cần chủ động ứng phó các thách thức trước mắt.

Theo nhận định từ tờ The Star, kinh tế Việt Nam vẫn có những điểm sáng để hy vọng dù được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức.

Bà  Antoinette Sayeh - Phó Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định: “Có thể nói rằng năm 2023 là năm mà chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cơn gió ngược cả trong và ngoài nước. Đầu tiên đó là tăng trưởng chậm lại ở các đối tác chính của Việt Nam. Ở trong nước, tiêu dùng và đầu tư khó có thể bù đắp cho suy giảm nhu cầu. Với các tác động đó, Việt Nam có thể sẽ tăng trưởng khoảng 5,8% vào năm 2023, đây vẫn là mức đáng kể so với các nước trên thế giới”.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng là một trong những cơ hội giúp Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu, phát triển du lịch, tăng trưởng kinh tế. Để bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu, Việt Nam cũng cần đầy mạnh đầu tư công, tiêu dùng nội địa.

Dù có nhiều thách thức, Việt Nam vẫn là điểm đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Các lý do mà trang vietnam-briefing và trang the stat trade times đưa ra để giúp Việt Nam có thể trở thành điểm nóng công nghiệp tiếp theo của Châu Á là:  lợi thế cạnh tranh về lao động trẻ, lành nghề, môi trường FDI cởi mở, mở rộng thương mại với nhiều nước.

Ứng phó với các thách thức trước mắt, tiến sĩ Andrea Coppola - Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới (World Bank) khuyến nghị: "Để giải quyết áp lực tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét điều hành linh hoạt hơn nữa tỷ giá. Trong trường hợp việc này có thể dẫn đến lạm phát tăng, Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét sử dụng công cụ lãi suất tham chiếu. Trong trung hạn, Việt Nam có thể hiện đại hóa chính sách tiền tệ bằng cách thúc đẩy quá trình chuyển đổi dần dần sang cơ chế điều hành theo mục tiêu lạm phát".

Hồng Nhung (t/h)