Từ ngày 15/10 đến nay, khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên đã có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 300-600mm, có nơi trên 700mm; gây lũ lớn trên diện rộng, trong đó một số sông lũ trên mức báo động 3 (sông Kiến Giang tỉnh Quảng Bình; sông Vu Gia, Thu Bồn tỉnh Quảng Nam; sông ĐắkBla tỉnh Kon Tum); trên 80 xã, phường vùng trũng thấp, ven sông bị ngập lụt, chia cắt.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao nên từ chiều 18 đến sáng 19/10, khu vực từ phía Nam Nghệ An đến Quảng Trị có mưa, mưa vừa, cục bộ có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp, ven sông. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, dông, lốc, sét cấp 1.

Thị trấn Kiến Giang (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) bị nước lũ bao vây
Thị trấn Kiến Giang (Lệ Thuỷ - Quảng Bình) bị nước lũ bao vây

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ, khẩn trương khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất của nhân dân, đồng thời chuẩn bị ứng phó với các đợt mưa lũ có thể xảy ra trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai nghiêm túc Công điện số 1388/CĐ-TTg ngày 17/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ và tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo mưa lũ; thông tin kịp thời cho các cấp chính quyền và người dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại.

Các địa phương cần khẩn trương triển khai công tác khắc phục hậu quả mưa lũ để sớm ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, tập trung vào một số nội dung như xử lý kịp thời các tuyến đường giao thông, công trình đê điều, hồ đập, thủy lợi bị hư hỏng do mưa lũ gây ra; hỗ trợ người dân từ nơi sơ tán trở về nhà; vệ sinh môi trường đề phòng dịch bệnh; tiêu thoát nước khu vực trũng thấp, đô thị và khu công nghiệp.

Trong số đó, lưu ý tiếp tục triển khai công tác đảm bảo an toàn giao thông, nhất là kiểm soát chặt chẽ tại các ngầm tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tổ chức thu dọn vệ sinh ngay khi lũ rút và đảm bảo an toàn khi cấp điện trở lại; kiểm tra, rà soát lại các phương án để sẵn sàng ứng phó với diễn biến mưa lũ phức tạp có thể xảy ra trong những ngày tới; đặc biệt là công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa và hạ du, nhất là các hồ đã đầy nước, các hồ chứa thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi xung yếu, công trình đang thi công dở dang và đảm bảo an toàn dân cư tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, chia cắt và lũ quét, sạt lở đất.

Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Phòng, chống thiên tai đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan thông tin truyền thông, đặc biệt là hệ thống thông tin cơ sở, tăng cường thông tin cảnh báo, hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lũ, ngập lụt và lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh; tăng cường công tác trực ban ở tất cả các cấp để theo dõi nắm bắt chặt chẽ diễn biến thiên tai, thiệt hại để triển khai kịp thời các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả; thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai.

Ngọc Khánh