Đẩy mạnh chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính

Ngày 9/10/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Kế hoạch số 2436 về kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hòa Bình sẽ chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh. Hòa Bình sẽ trở thành một trong những địa phương có chỉ số khá về Chính phủ số và kinh tế số.

Qua gần 5 năm triển khai, tỉnh Hòa Bình đạt được một số kết quả nhất định trong việc chuyển đổi số trên ba trụ cột chính: Chính quyền số, Xã hội số và Kinh tế số.

Về chính quyền số, Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công của tỉnh, trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh. Cụ thể: 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 1.023 dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên Cổng dịch vụ công tỉnh; 287 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công tỉnh; trên 90% tổng số hồ sơ công việc tại cấp tỉnh; trên 80% tổng số hồ sơ công việc tại cấp huyện và trên 60% tổng số hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. Hiện nay, trên cổng dịch vụ công của tỉnh cũng như cổng dịch công quốc gia, người dân có thể thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và trực tuyến.

Chuyển đổi số tại Hòa Bình: Phát huy sức mạnh từ tỉnh đến cơ sở
Chuyển đổi số tại Hòa Bình: Phát huy sức mạnh từ tỉnh đến cơ sở

Về xây dựng Xã hội số, tỉnh Hòa Bình đã đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ trong y tế, giáo dục. Trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đã cung cấp các nền tảng học trực tuyến để cho các cơ quan, người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa có điều kiện để tiếp cận với các kiến thức phát triển kinh tế xã hội. Trong lĩnh vực y tế chuyển đổi số đã đẩy mạnh việc cung cấp các dịch vụ sử dụng các ứng dụng, chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế để giúp cho người dân có thể đăng ký khám chữa bệnh từ xa, hoặc là đăng ký khám hoặc là theo dõi số sức khỏe điện tử, các dịch vụ để mà người dân chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Về Kinh tế số, toàn tỉnh có 90% cán bộ và doanh nghiệp nhận thức được lợi ích ứng dụng thương mại điện tử, 80% doanh nghiệp tiến hành giao dịch thương mại điện tử. Trong đó, 70% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 30% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm, trên 30% doanh nghiệp tham gia các website thương mại điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, trên 20% doanh nghiệp ứng dụng phần mềm chuyên dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong quá trình chuyển đổi kinh tế số, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh, trên các sàn thương mại điện tử và đẩy mạnh thanh toán điện tử. Các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán, tài khoản cho người dân thực hiện giao dịch thuận tiện trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để thúc đẩy việc phổ cập chữ ký số cho người dân, giúp quá trình giao dịch, thực hiện thủ tục hành chính thuận lợi, nhanh chóng hơn.

Kết quả viên mãn từ một xã thuộc vùng sâu của tỉnh Hòa Bình

Xã Yên Trị huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình là xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, xã đã đẩy mạnh việc triển khai chương trình chuyển đổi số trong công tác điều hành, quản lý hành chính tại UBND cấp xã, tăng cường thực hiện cải cách hành chính gắn với chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; triển khai ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành trong toàn thể cán bộ, công chức xã, mọi hoạt động ban hành văn bản đi và thao tác xử lý văn bản đến đều được thực hiện trên phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành.

Theo đó, 100% văn bản đi được ký số theo quy định, hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công tập trung với phương châm “Thân thiện - đơn giản - đúng hẹn” được triển khai đồng bộ, hiệu quả. 

Các điểm dân cư và vui chơi trong cộng đồng trên địa bàn xã, các điểm quản lý di tích đều đã lắp đặt mạng wifi. Tại Trung tâm giao dịch xã, bộ phận tiếp nhận một cửa mạng đạt khoảng 60%. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đạt 100% giải quyết luôn trong ngày. Tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến thì do đặc điểm địa bàn dân cư ít nên thủ tục hành chính vẫn đạt tỷ lệ giải quyết là 100%.

Tại địa phương, chuyển đổi số đã cung cấp những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực y tế và giáo dục. Các dịch vụ y tế trực tuyến, ứng dụng y tế thông minh, và hồ sơ điện tử giúp cải thiện chăm sóc sức khỏe được tốt hơn.

Trong khi đó, các nền tảng học trực tuyến và ứng dụng giáo dục đem lại cơ hội học tập và đào tạo toàn diện cho con em trong xã. Là một xã thuộc vùng sâu vùng xa, tuy nhiên con em trong xã cũng được hưởng lợi từ sự chuyển đổi số thông qua việc tiếp cận học ôn thi đại học, hoặc các bài học hay thông qua những chương trình giảng dạy trực tuyến.

Việc số hóa nền kinh tế cho phép các sản phẩm nông sản người dân tại địa phương dễ dàng tiếp cận khách hàng một cách nhanh chóng và tiện lợi. Trước kia, khi người dân mang hàng ra chợ bán, họ chỉ có thể tiếp cận một số ít khách hàng trong khu vực hạn chế. Nhưng bây giờ, với sự phát triển của thương mại điện tử, mỗi cá nhân có thể tiếp cận hàng triệu khách hàng trên môi trường thương mại điện tử. Tại xã Yên Trị, chính quyền và người dân đang từng bước xây dựng hợp tác xã số kết hợp đẩy  mạnh các giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và hợp tác xã. Đẩy mạnh việc bán các sản phẩm đặc trưng của địa phương như cao dạ cẩm, cao xạ đen, bột khoai sọ Thịnh Phát... lên các sàn giao dịch điện tử

Đánh mặt tích cực trong việc áp dụng thương mại điện tử trong việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản tại địa phương, ông Thành, người dân địa phương cho hay: “Kinh tế số đã làm thay đổi cách tiếp cận thị trường, biến mọi người thành những doanh nhân tiềm năng, tạo ra một thế giới kết nối mạnh mẽ và tiềm năng hơn bao giờ hết. Những sản phẩm nông sản của chúng tôi đã dễ dàng đến được tay người tiêu dùng thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội một cách nhanh chóng nhất”.

Tâm An