Chuẩn bị khoảng 23.000 tỷ đồng
Theo đại diện Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, dự kiến dịp trước trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố chuẩn bị nguồn hàng hóa trị giá khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trong đó có gần 10.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng bình ổn thị trường.
Về nguồn hàng, Sở Công Thương cho biết, có 69 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2024. Bên cạnh đó, Sở đã phối hợp tổ chức 11.000 điểm bán để phục vụ cho chương trình bình ổn.
Về chất lượng hàng hóa, cũng đã vận động các hệ thống bán lẻ lớn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh cam kết thực hiện quản lý đầu vào về chất lượng.
Ngoài ra, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện tham mưu về chương trình bình ổn thị trường cộng với các chương trình kích cầu tiêu dùng và kết nối với các tỉnh, thành.
Hiện tại, ngành Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang triển khai chương trình Mùa mua sắm tập trung cuối năm “Shopping Season 2024” đợt 2, diễn ra từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12. Tiếp đến, từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025 sẽ triển khai chương trình bán hàng lưu động bình ổn thị trường trên địa bàn.
Đồng thời, các doanh nghiệp cũng chủ động tổ chức hàng trăm chuyến bán hàng lưu động đến vùng ven, ngoại thành, nơi tập trung đông người lao động thu nhập thấp. Hàng bình ổn giá hoàn toàn đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.
Có thể nói, TP. Hồ Chí Minh đã sẵn sàng chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 với đầy đủ lượng hàng, đảm bảo chất lượng và ổn định nguồn cung cấp, cũng như đảm bảo các kênh phân phối rộng khắp để phục vụ cho các đối tượng.
Về hoạt động kiểm tra, giám sát giá cả, chất lượng hàng hóa, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức theo dõi diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, kịp thời báo cáo và đề xuất phương án xử lý khi có dấu hiệu khan hiếm hàng hóa trên địa bàn.
Mặt khác, đề nghị các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành quy định nhà nước về giá hàng hóa tại các hệ thống phân phối, chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích...
Doanh nghiệp đã có chiến lược cho dịp Tết
Hiện nay, tại một số siêu thị lớn nhỏ trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã bắt đầu rục rịch trưng bày các sản phẩm bánh kẹo của các thương hiệu như Orion, Kinh đô,… với nhiều mẫu mã, bao bì đậm chất xuân xuất hiện trên các kệ hàng.
Bên cạnh việc các sản phẩm có bao bì mới mẻ, mang đậm sắc xuân, thì các doanh nghiệp, đơn vị phân phối cũng đã có những chiến lược cho dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, tổng sản lượng hàng hóa thiết yếu đơn vị dự trữ thuộc chương trình bình ổn thị trường là hơn 12.000 tấn. Tùy từng nhóm hàng mà số lượng tăng từ 30%-50% so với tháng kinh doanh bình thường.
Ngoài chương trình bình ổn, Co.opmart, Co.opXtra … thực hiện khuyến mãi Tết liên tục trong 59 ngày đêm với 3.500 mặt hàng Tết giảm giá mạnh, giúp người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu đón xuân mới.
Năm nay với chủ đề “Đến Co.op chở Tết về”, hàng trăm điểm bán của Saigon Co.op khắp cả nước đem đến cho người tiêu dùng trải nghiệm không gian tết truyền thống với phiên chợ tết ba miền, gian hàng OCOP các tỉnh thành, đặc sản vùng miền.
Đặc biệt, Tết 2025 lần đầu tiên người tiêu dùng sẽ trải nghiệm giỏ quà hành tỏi, gói tam sên chế biến sẵn, mâm cúng gia tiên… kết hợp giữa truyền thống và hiện đại được bàn tay của các nghệ nhân làng nghề chăm chút tỉ mỉ.
Theo ông Thắng, Tết Ất Tỵ cũng là năm đầu tiên Saigon Co.op khai thác mạnh thị trường trực tuyến thông qua các video ngắn phát sóng trên Facebook, Tiktok, cá nhân hóa nội dung video. Qua đó, giúp kết nối với khách hàng mục tiêu và nâng cao trải nghiệm mua sắm tích hợp, tăng tương tác.
Ông Lâm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc Satra cũng thông tin, để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng cao của người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2025, hệ thống bán lẻ Satra đã có kế hoạch tăng cường dự trữ hàng hóa các mặt hàng lương thực thực phẩm, hàng bình ổn thị trường phong phú, chất lượng, giá cả hợp lý. Theo đó, tổng giá trị hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu dự trữ dịp tết của hệ thống bán lẻ Satra tăng từ 15% - 20% so với tết năm ngoái.
“Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp về việc đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đảm bảo giá cả ổn định trước trong và sau tết” - ông Thanh chia sẻ.
Đáng chú ý, tại hội thảo “Xu hướng mua sắm Tết 2025: Làm thế nào để đáp ứng những nhu cầu mới của người tiêu dùng” do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức vừa qua, bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc khối kinh doanh công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Vietnam cho biết, thông thường hai tháng tết sức mua sắm của người dân tăng cao.
Tuy nhiên, từ tết năm 2024 cho thấy khu vực thành thị và nông thôn sức mua đều giảm so với năm trước do người dân muốn dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, muốn chi tiêu đơn giản hơn. Đây là sự thay đổi không chỉ ngắn hạn trong mùa tết năm ngoái mà cả năm 2025 cũng như tương lai.
Mùa tết, nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng là về quê, kết nối gia đình hoặc dành thời gian tái tạo năng lượng bản thân. Do đó, ngoài tốt cho sức khỏe, bao bì tiện dụng, sản phẩm phải trả lời cho nhu cầu cảm xúc của người tiêu dùng là gì sẽ dễ dàng thu hút, thuyết phục họ mua nhiều hơn.
Hoàng Bách (t/h)