Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xác định chuyển đổi số là chìa khóa để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, là bước đi tất yếu, tạo nền tảng hình thành môi trường số văn minh, hiện đại và hiệu quả trên mọi lĩnh vực.
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 05, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số trên địa bàn đã được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, đã có 21/26 chỉ tiêu đạt theo yêu cầu của Nghị quyết 05.
Mạng viễn thông di động 4G "phủ sóng" đến 99% khu dân cư và hạ tầng Internet, cáp quang sẵn sàng kết nối đến 100% khu vực trung tâm thôn.
Hệ thống thông tin, nền tảng dùng chung được tích cực triển khai, đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Hà Tĩnh đã ứng dụng hiệu quả các mô hình có liên quan đến việc sử dụng CSDL về dân cư như: dịch vụ công trực tuyến, khám chữa bệnh, chi trả BHXH….
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng chính quyền số đã có bước đột phá quan trọng. Trung bình hàng năm, tỉnh tổ chức 60 lớp đào tạo, tập huấn, cuộc thi trực tuyến về các nội dung chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức các cấp, tổ chuyển đổi số cộng đồng và người dân, doanh nghiệp.
Lãnh đạo, cán bộ thay đổi nhận thức, phương thức, lề lối, thói quen làm việc từ hành chính, giấy tờ sang chỉ đạo, điều hành, xử lý công việc hoàn toàn trên môi trường điện tử. Ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp được đẩy mạnh.
Phát biểu tại hội nghị Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng nhấn mạnh: Nghị quyết 05 về chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là chìa khóa để tiếp cận với các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sau một thời gian triển khai, Nghị quyết 05 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và các chỉ số về chuyển đổi số ngày một tăng dần.
Nghị quyết đã tạo sự chuyển biến về nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; hạ tầng số ngày càng được đồng bộ, việc ứng dụng CNTT trên địa bàn đã có nhiều đột phá; việc giao dịch giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền ngày càng thuận lợi…
Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị cũng đã thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế trong quá trình thực hiện nghị quyết như: tổ chức bộ máy chuyên trách thực hiện công tác chuyển đổi số còn thiếu về cả số lượng và chất lượng, nhất là cấp địa phương.
Hệ thống cơ sở dữ liệu của các ngành còn nhỏ lẻ, phân tán, chưa hình thành hệ thống dữ liệu dùng chung và dữ liệu mở của tỉnh; việc phân bổ nguồn lực cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số ở các địa phương, sở ngành còn hạn chế; việc phát triển nền công nghiệp công nghệ số, hình thành nền kinh tế số chưa có sự chuyển biến rõ nét…
Hội nghị cũng đã thảo luận, đề ra một số nhiệm vụ trong thời gian tới như: tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05 kết hợp với các chương trình, nghị quyết, kế hoạch của tỉnh về công tác chuyển đổi số; đa dạng hoá, nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về công tác chuyển đổi số; quan tâm công tác kiểm tra, giám sát thực hiện nghị quyết.
Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số phục vụ chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số; thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao hiệu quả giám sát, đánh giá sử dụng dịch vụ công trực tuyến; đôn đốc đẩy nhanh việc chuyển đổi số đối với các ngành, lĩnh vực, đảm bảo hiệu quả, chất lượng...
Khánh Trình