Thị trường bất động sản 6 tháng đầu năm nay chứng kiến những cơn "nhảy múa" của giá đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Giá nhà đất nhiều nơi tăng mạnh, có khi tăng đến gấp 10 lần so với giá khởi điểm từ chủ đầu tư. Nhiều chuyên gia bất động sản đánh giá, thị trường rơi vào cơn sốt giá điên đảo. Với sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các bộ ngành, hiện tượng sốt đất đang có xu hướng giảm, tuy vậy, hệ lụy sau những cơn sốt đất vẫn hiện hữu.
Nhức nhối thực trạng ‘cò đất’ thổi giá
Ngày 2/7, Tạp chí Kinh tế Sài Gòn tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến "Hạ nhiệt cơn sốt đất, giảm thiểu lãng phí tài nguyên đất đai" với sự góp mặt của chuyên gia, doanh nghiệp và luật sư để bàn về câu chuyện sốt đất, lãng phí đất đai và đưa ra giải pháp.
Tại buổi tọa đàm ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Phú Đông Group nhận định, chúng ta xem xét giai đoạn 2007 - 2011, tạm gọi những cơn sốt đất là các sản phẩm bất động sản mang tính chất thương mại do các chủ đầu tư tạo lập.
Đơn cử như việc công bố một dự án chung cư mới, có hàng ngàn người xếp hàng hoặc sản phẩm đất nền do doanh nghiệp cung cấp ra cũng tạo nên điều tương tự, đẩy giá lên khủng khiếp.
Tuy nhiên, giai đoạn vừa qua, cơn sốt đất này chủ yếu là đất nông nghiệp ở các địa phương, không phải là các sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất. Đây chính là điểm khác biệt cơ bản so với cơn sốt trước đây.
Một trong những tác nhân dẫn đến tình trạng này đó chính là việc "đồn thổi" về quy hoạch. Điển hình như câu chuyện quy hoạch sân bay ở Bình Phước, ngay sau khi thông tin tỉnh Bình Phước đề xuất lập dự án sân bay Técníc tại huyện Hớn Quản được công bố, thì giá các loại đất tại đây liên tục “nhảy múa”.
Sau nhiều ngày “dậy sóng” sốt đất từ hiệu ứng đề xuất lập dự án sân bay Técníc dần di chuyển sang nơi khác, khu vực hiện xã Tân Lập và Xã An Khương, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước lại quay về vị trí ban đầu, không còn “huyên náo”, giá đất nhảy múa như trước nữa.
Có thể thấy, dù chỉ là tin đồn thổi nhưng mọi người vẫn tin theo để đầu tư. Căn cứ trên hoàn toàn có cơ sở vì khi ở địa phương có thông tin đề xuất về quy hoạch nhưng còn các ngành, Bộ, Chính phủ có đồng ý, phê duyệt hay không thì lại là một câu chuyện khác.
Do vậy, giai đoạn sốt đất vừa qua chỉ mang tính chất ngắn hạn và kết thúc nhanh chóng, thị trường đang trở lại trạng thái bình thường.
Cùng quan điểm về bản chất cơn sốt đất với ông Phúc, nhưng ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc nghiên cứu thị trường DKRA Việt Nam bổ sung thêm từ góc nhìn của mình. Cụ thể, chúng ta nhìn nhận lại cơn sốt đất giai đoạn từ 2015 đến nay có một đặc điểm đó là cứ sau mỗi dịp Tết Nguyên đán thì ở đâu đó đều xuất hiện tình trạng này và dựa trên những thông tin không minh bạch.
Những thông tin liên quan đến hạ tầng, phát triển đô thị tạo ra cơ hội đầu tư, đầu cơ. Như khoảng 3 năm về trước, khi huyện Bình Chánh có thông tin lên quận hay việc xây cầu Cần Giờ đã lập tức đẩy giá khu vực phía Nam thành phố lên rất cao. Ở đó, phần lớn chỉ là đất nông nghiệp với giá vài triệu đồng/m2 nhưng các cò đất đã tự thổi giá lên gấp đôi, gấp ba lần chỉ trong thời gian ngắn.
"Một số người lao theo những cơn sốt đất đã chịu hậu quả. Cơn sốt đất giai đoạn vừa qua chỉ là cục bộ, nhưng lại lan ra nhiều tỉnh thành trên cả nước trước những thông tin quy hoạch chưa rõ ràng.", ông Hoàng chia sẻ.
Đâu là giải pháp?
Theo ông Phúc, qua mỗi cơn sốt đất chúng ta đều có sự tổn thương nhất định, cơ quan nhà nước thì lại càng không mong muốn điều đó xảy ra bởi nó tạo ra sự bất ổn cho thị trường và an sinh xã hội. Vừa qua, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt cùng các cơ quan truyền thông. Ngoài ra, một điều quan trọng là chúng ta đã công bố quy hoạch.
Khi những cơn sốt đất đi qua, cơ quan chức năng lại phải rà soát lại thông tin, những người theo cơn sốt đó bị ảnh hưởng về tài chính, còn người dân ở khu vực đó lại rơi vào trạng thái hoang mang, thay đổi cuộc sống của họ khi lầm tưởng về giá trị thực về lô đất mình đang sở hữu. Cũng có người không biết nên tiếp tục kinh doanh trên khu đất đó hay là bán đi khiến cuộc sống của họ bất ổn.
Các chuyên gia địa ốc nhận định rằng, khách hàng cần tỉnh táo trước những thông tin quy hoạch và chỉ nên mua các sản phẩm đã hoàn chỉnh thủ tục pháp lý như các tài sản đã được cấp Giấy chứng nhận chủ quyền; các sản phẩm tại những dự án của chủ đầu tư uy tín, được Sở Xây dựng các địa phương công khai cho phép huy động vốn và được ngân hàng thương mại cấp bảo lãnh tín dụng.
Người dân cũng không nên mua giấy cọc sang tay, không nên tham gia mua bán tại những thị trường quá nóng sốt, sốt ảo (nơi có sự thay đổi về quy hoạch, giá cả tăng hàng ngày, bước tăng giá lớn trong khoảng thời gian ngắn). Không nên sử dụng đòn bẩy tín dụng quá sức chi trả của bản thân, tránh rủi ro về khoản vay khi nhà nước có động thái siết chặt tín dụng hoặc các ngân hàng tăng lãi suất.
Trước đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng đã phải cảnh báo tình trạng sốt đất lan rộng khắp nơi gây nên nhiều hệ lụy cho người dân cũng như các tác động tiêu cực lên kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương.
Để xử lý tình trạng sốt đất, cơ quan quản lý nhà nước đã công khai, minh bạch hóa các đồ án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện dữ liệu về quy hoạch, dữ liệu về giá thị trường bất động sản và thống nhất công khai tại Cổng thông tin Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT. Việc công khai quy hoạch sẽ được triển khai đồng loạt, cùng lúc.
Đồng thời, giám sát thông tin truyền thông xã hội, kịp thời xử lý các đối tượng đầu cơ, đăng tin bịa đặt để thao túng thị trường; rao tin mua bán sai sự thật, huy động vốn trái phép...
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần tăng cường giám sát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng, chuyển mục đích, phân lô, tách thửa; thanh tra các sàn, trung tâm giao dịch bất động sản cũng như tăng cường quản lý các hoạt động công chứng…
Vũ Lê - Nguyễn Tùng