Nhà báo Trần Đình Quang, người ngồi giữa, giao lưu Nghệ nhân ưu tú và Nhà thơ Nga Ri Vê
Nhà báo Trần Đình Quang, người ngồi giữa, giao lưu Nghệ nhân ưu tú và Nhà thơ Nga Ri Vê.

Bà là tấm gương sáng trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở núi rừng miền Tây tỉnh Quảng Ngãi.

Từ khi về nghỉ hưu, nhà thơ Nga Ri Vê về thị trấn Di Lăng huyện miền núi Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi để sống và làm việc. Tuy sức khỏe yếu nhưng bà luôn nhiệt tình với công việc sưu tầm nghiên cứu viết sách, giới thiệu bản sắc văn hóa tộc người Hrê, Cor, Kà Dong.

Cuộc đời bà có nhiều kỷ niệm khó quên, đó là những năm tháng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bà là học sinh người dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi được học tập ở miền Bắc. Bà luôn ghi nhớ về những kỷ niệm người dân tộc thiểu số ở miền núi Quảng Ngãi được học tập ở miền Bắc. Bà và các học sinh miền Nam đã nhiều lần được gặp Bác Hồ và được bác Phạm Văn Đồng đến thăm động viên học sinh miền Nam ra sức thi đua học tốt để ngày thống nhất đất nước trở về phục vụ quê hương.

Bà kể: “Cuối năm 1954 tôi tập kết ra Bắc, lúc ấy là học sinh miền Nam. Tôi nhớ mãi những kỷ niệm về những lần được gặp Bác Hồ. Lần nào vào thăm trường Bác cũng nhắc nhở chúng tôi cố gắng chăm ngoan học giỏi, để sau này phục vụ quê hương. Bác nói với chúng tôi, các cháu đừng buồn, đừng nhớ nhà quá, mà ảnh hưởng sức khỏe. Chúng tôi được Bác cho kẹo và cùng hát bài ca Kết Đoàn …”.

Nhà thơ, nhà giáo Nga Ri Vê và Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn
Nhà thơ, nhà giáo Nga Ri Vê và Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn.

Hàng chục năm qua, bà đã dồn tâm nghiên cứu dạy tiếng Hrê và là người đầu tiên tham gia xây dựng chương trình phát thanh tiếng Hrê phát trên sóng Đài Phát thanh & Truyền hình Quảng Ngãi. Trong ngôi nhà nhỏ ở thị Trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi, bà chất đầy sách. Những đứa con tinh thần của bà ra đời mang nặng dấu ấn về miền đất và con người miền núi Quảng Ngãi. Bà như con ong cần mẫn đi khắp núi rừng miền Tây Quảng Ngãi sưu tầm những làn điệu dân ca, Kể Moon, cách chế tác các nhạc cụ, trò chơi văn hóa dân gian và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số để lưu lại cho đời sau.

Bà có nhiều trăn trở về công tác bảo tồn bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số ở miền núi. Bà luôn suy ngh,ĩ trình độ văn hóa các tộc người có thể cao thấp khác nhau nhưng bản sắc văn hóa thì khó mà so sánh được. Bà luôn dặn dò con cháu dù đời sống khó khăn đến mấy, cũng phải giữ gìn văn hóa, bởi văn hóa là cội nguồn của tộc người, là linh hồn của mỗi dân tộc. Việc làm của bà Nga Ri Vê, luôn được dân làng và bạn bè, đồng nghiệp quý mến.

Nghệ nhân ưu tú Đinh Công Bôn ở xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi nói: “Cô giáo Nga Ri Vê dù đã nghỉ hưu, nhưng cô rất tâm huyết với công tác sưu tầm văn hóa cổ truyền dân tộc. Chúng tôi rất quý mến cô …”

Ông Vũ Đức Tế, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi thì hết lời khen cô giáo người dân tộc Hrê, Nga Ri Vê: “Cô giáo Nga Ri Vê nguyên là học sinh Miền Nam trên đất Bắc. Cô yêu thơ văn và làm thơ từ rất lâu. Suốt đời cô đã có nhiều cống hiến cho công tác giảng dạy và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Cô xứng đáng là tấm gương sáng cho học sinh noi theo …”. Những năm tháng cuối đời, tuy sức khỏe yếu nhưng bà vẫn luôn nhiệt tình cần mẫn với công việc sưu tầm, biên dịch tiếng Hrê. Bà luôn dành thời gian về các bản làng dạy tiếng Hrê cho bọn trẻ và lắng nghe ghi chép những câu chuyện kể của các già làng.

Tác phẩm mới xuất bản Nhà thơ Nga Ri Vê
Tác phẩm mới xuất bản Nhà thơ Nga Ri Vê.

Cảm xúc của bà sau những chuyến đi cơ sở thật chân tình mộc mạc như những người phụ nữ dân tộc Hrê ở các bản làng. Hôm gặp tôi bà chia sẻ cảm xúc sau những chuyến đi cơ sở: “Về thăm lại làng xưa, tôi rất xúc động được thấy cánh đồng lúa vàng ươm đang mùa thu hoạch nghe lại tiếng Chiêng bà con đánh, tôi rất vui. Chiêng của đồng bào Hrê có nhiều loại. Độc đáo nhất là Chinh Vông làm bằng tre nứa, bà con dùng thổi rất hay …Chiêng gợi lại cho tôi nhiều kỷ niệm thời thơ ấu ”.

Quỹ thời gian đời người thì có hạn, còn tình yêu thì vô hạn nên nhà giáo, nhà thơ Nga Ri Vê, đang sợ thời gian trôi nhanh, sợ những ước mơ của mình không thực hiện được trọn vẹn. “Món nợ” giữ gìn bản sắc văn hóa cổ truyền các dân tộc thiểu số Hrê, Cor, Ka Dong ở núi rừng miền Tây Quảng Ngãi đang thôi thúc bà làm việc quên cả thời gian và tuổi tác.

Bà đang ước mơ được gửi hồn mình vào những ngôn ngữ thơ ca và những nhạc cụ độc đáo của người Hrê, bên dòng sông Re hiền hòa, để những khi chiều về dưới ánh nắng vàng rực rỡ, được nghe tiếng Túc chinh âm vang gọi tình yêu thương nơi các bản làng.

Đình Quang